Bài cuối:
NHỮNG GIÁ TRỊ CÒN MÃI
BPO - Giữa “địa ngục trần gian” Côn Đảo, những tờ báo thấm đẫm mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt đã ra đời, được anh em tù nhân chính trị trân trọng đón nhận. Với tù nhân Côn Đảo lúc bấy giờ, báo chí đã giúp họ vượt qua nỗi đau về thể xác và tinh thần, có thêm động lực, niềm tin vào ngày toàn thắng. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, đến nay một số tờ báo ra đời nơi địa ngục trần gian vẫn còn được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Côn Đảo. Với thế hệ làm báo chúng tôi hôm nay, những tờ báo ra đời nơi "địa ngục trần gian", những chia sẻ về “công nghệ” làm báo trong tù… đến nay vô cùng ý nghĩa. Báo chí ở nơi đặc biệt có nhiều giá trị đặc biệt, còn mãi với lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam và mai sau.
Tài liệu quan trọng của trường học cách mạng
Nói nhà tù Côn Đảo là trường học cách mạng thì báo chí là tài liệu hữu ích của trường học cách mạng ấy, để học tập văn hóa, lý luận chính trị, quân sự, tư tưởng…, làm cho “vườn ươm cách mạng” của Đảng thêm vững chắc.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định: “… Hoạt động không ngừng nghỉ của báo chí cách mạng ở nhà tù Côn Đảo là một minh chứng rằng Đảng ta luôn coi báo chí là công cụ tuyên truyền quan trọng, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn”.
Nói nhà tù Côn Ðảo là trường học cách mạng thì báo chí là tài liệu hữu ích của trường học cách mạng ấy
Không chỉ đa dạng về thể loại, cách thức trình bày ấn tượng, chỉn chu, nội dung các tờ báo ra đời ở nhà tù Côn Đảo thực sự là cầu nối ý Đảng - lòng dân (người tù cộng sản), là diễn đàn, nguồn thông tin hữu ích, “món ăn tinh thần” không thể thiếu của tù nhân cộng sản. Nhiều bài viết đã góp phần mở mang tri thức cho người đọc. Trong mục “Tìm hiểu Mặt trời” đăng trên tờ “Xây dựng”, mở đầu là câu hỏi: “Ta có thể dùng nguồn năng lượng của ánh sáng mặt trời để cải thiện đời sống không?”. Bằng việc đặt câu hỏi rồi trả lời trực tiếp, bài viết đi thẳng vào vấn đề giúp người tù dễ dàng tiếp cận thông tin, dễ hiểu, dễ nhớ và có tính gợi mở, định hướng rất cao: “Mỗi ngày mặt trời tỏa xuống quả đất một số năng lượng khổng lồ mà ta quen gọi là sức nóng nhiều gấp ngàn lần số năng lượng cần thiết nhân loại sử dụng. Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách dùng nguồn năng lượng vô tận này… Một mai đây khi khoa học phát triển cao, con người sẽ sử dụng được ánh sáng mặt trời làm nguồn nhiên liệu thay thế cho than đá và dầu hỏa…”. Hay như câu hỏi: “Mặt trời cách ta bao xa và lớn chừng nào?” - những câu hỏi rất đơn giản, là các vấn đề rất hữu ích, thiết thực, con người luôn tò mò, khám phá… Tất cả đều được báo khai thác, tuyên truyền đến tù nhân. Đặc biệt, việc đọc báo cũng làm cho người tù buộc phải học, phải biết chữ để đọc. Báo chí ra đời nơi ngục tối đã làm tròn sứ mệnh của mình, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Cũng nhờ báo chí, mặc dù ở tù, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, với thông tin nghe nhìn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng trong tù, thông qua báo chí, tù nhân Côn Đảo vẫn được cập nhật nhiều thông tin hữu ích, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết để khi được tự do, trở về đất liền không bị lạc hậu với thời cuộc và tiếp tục sự nghiệp cách mạng với Đảng, với đất nước, vì nhân dân. “Thông qua báo chí và bằng nhiều phương cách khác nhau, tranh thủ, không để thời gian ở tù trở nên vô nghĩa, anh em tù nhân Côn Đảo thường chỉ cho nhau học Toán, đọc báo, đọc sách truyền đạt thông tin, hiểu biết cho nhau, dạy chữ, dạy đan thêu… Nhiều người khi vào tù không biết chữ, nhưng khi ra tù đã đọc thông, viết thạo khiến gia đình, người thân còn bất ngờ. Báo chí đã trở thành một trong những công cụ của trường học cách mạng ở nhà tù Côn Đảo và rất nhiều nhà tù khác trên dải đất hình chữ S” - cựu tù chính trị Lê Tú Cẩm ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Tay không tấc sắt, nhưng những người tù cộng sản yêu nước vẫn bí mật “xuất bản” nhiều tờ báo cách mạng góp phần cổ vũ, khơi dậy ý chí đấu tranh trong lực lượng tù nhân, không để nghiêng ngả, xao động trước những lời dụ ngọt, hay đòn roi của kẻ thù
Thông qua mỗi bài viết trên các báo, từ phản ánh, phân tích, bình luận, thơ ca, nhạc, họa, tùy bút…, những người làm báo nơi ngục tù đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, giữ vững khí tiết người cộng sản. Nhiều bài viết có tác dụng cổ vũ, động viên tinh thần, giúp anh em bền gan, vững chí, lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, thêm sức mạnh đấu tranh với kẻ thù. “Mỗi độ thu về, quằn quại trong những nhà lao hắc ám, nhớ lại mùa thu oai hùng năm trước, với rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, họ lắng tai nghe văng vẳng đó đây: “Đoàn quân Việt Nam đi. Trung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Họ không thể ngồi yên chờ cái chết. Vùng dậy, các đồng chí tiến lên. Lời Đảng gọi trước đây, dư âm còn vang vọng mãi trong khối óc mọi người. Không chần chừ, do dự, họ nhất loạt đứng lên…” (trích bài viết “Những ngày tháng 9 trong tù”, đăng trên tờ “Xây dựng” của Trại 6 khu B, nhà tù Côn Đảo).
Những bài viết như thế được người tù chuyền tay nhau đọc, rồi thấm vào tâm trí họ niềm lạc quan, tinh thần tự hào dân tộc, cổ vũ họ đoàn kết đứng lên đấu tranh vì chính nghĩa, tin vào ngày mai tươi sáng.
Tờ “Sinh hoạt” ra ngày 20-11-1972 có 40 bài viết, mục sưu tầm là bài “Liên Xô vĩ đại”, sau cùng là lời các bài hát và thư Tòa soạn, cuối thư bút ký 4 từ như một quyết tâm thư - “Đoàn kết - Xây dựng”. Tờ báo có các bài bút ký, thơ, truyện ngắn, truyện vui, nhạc do tù nhân đã tham gia cuộc tuyệt thực viết ra. Mở đầu tập báo là “Bài ca tháng Mười” của Tố Hữu. Nội dung các bài viết không ngoài mục đích động viên, cổ vũ. Đặc biệt, dưới các bài viết, bài thơ ở mỗi trang, Ban biên tập thường đăng các câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”; “Chia rẽ là chết, đoàn kết là sống”; “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”; “Biển học không bờ, siêng năng là bến”. Và các câu nói “Nhà tù là trường học”, “Sống vĩ đại, chết vinh quang”… Ban biên tập còn khéo léo xen kẽ các mẩu chuyện ngắn, bút ký là mục “Những con số cần nhớ” - các mốc thời gian, số ngày địch bỏ đói tù nhân, bớt gạo ăn, khô mắm… với tổng bao nhiêu ngày, bao nhiêu tấn. Bên cạnh đó là các mốc thời gian về những sự kiện, ngày lịch sử đáng nhớ như: 6.1.46: Bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; 3.2.30: Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập tại Ma Cao (Quảng Đông) TL cũ; 3.3.51: Đảng Lao động Việt Nam ra đời…
Hệ thống phòng giam của nhà tù Côn Đảo, nơi ấy những người tù cộng sản yêu nước dù bị tra tấn, đọa đày vẫn cho ra đời nhiều tờ báo cách mạng là vũ khí đấu tranh đặc biệt để giữ vững khí tiết người cộng sản
Mỗi câu nói, bài viết, thông tin trên các số báo đều rất hữu ích với người tù thời điểm bấy giờ ở nhà lao Côn Đảo. Không chỉ có tác dụng tuyên truyền, giúp tù nhân nắm bắt tình hình, nâng cao hiểu biết, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn khí tiết, sự kiên trung của người cộng sản, mỗi bài viết, mỗi câu chuyện còn là sự chia sẻ, cổ vũ, động viên, giúp anh em tù nhân thêm tin tưởng, lạc quan vào cuộc sống, từ đó phấn chấn tinh thần, vượt qua những tháng ngày đen tối nơi ngục tù. Bởi đó cũng là phương cách đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ người tù.
Trong bài ký sự “Những ngày ở lao 2” của tác giả TS., đăng trên tờ “Sinh hoạt” số ra ngày 20-11-1972 có đoạn: “Đã hai ngày rồi địch vẫn không đem nước uống lên dù hơn ba lần cho người bưng nước cháo vào dụ dỗ. Y tế cũng đến khám bệnh, theo dõi mấy lần nhưng tất cả chiến sĩ bị phân tán khỏi chiến trường cũ vẫn cương quyết lắc đầu, ngậm miệng và hất tay khi bị bắt mạch. B. nghĩ rằng: Nơi nào cũng là chiến trường chống địch, trong nhà tù phòng tuyến là sự kiên định lập trường tư tưởng ngay từ đầu”… Những bài viết như thế gieo vào tâm trí những người tù về ý thức trách nhiệm với Tổ quốc và con đường để đi đến thắng lợi, sự kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ, đồng thời gián tiếp tố cáo hành vi, âm mưu dụ dỗ, lôi kéo của kẻ thù.
Di sản đặc biệt của báo chí cách mạng Việt Nam
Báo chí cách mạng ở nhà tù Côn Đảo và ở các nhà tù thực dân, đế quốc không chỉ có giá trị tuyên truyền, giáo dục mà còn thể hiện được vai trò “thư ký của thời đại”, là người ghi chép lịch sử những gì đã diễn ra trong nhà tù. Các nhà báo, tù nhân đã dùng ngòi bút làm “vũ khí mềm” để đấu tranh nơi ngục tù tăm tối. Đó là những tờ báo đặc biệt, đặc biệt từ khâu nội dung, trình bày đến phát hành. Thông qua những tờ báo đặc biệt này, người đọc có cơ hội hiểu hơn về một giai đoạn trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc - công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa - mặt trận không tiếng súng và những người cầm bút là những chiến sĩ trên mặt trận ấy. Đúng như lời của nhà thơ Sóng Hồng: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.
Đó là giá trị của tinh thần yêu nước, dũng cảm vượt khó, ý chí sắt son, sáng tạo của những người cầm bút, những nhà báo đặc biệt, làm báo trong hoàn cảnh đặc biệt, là tấm gương mẫu mực, cũng là sự khích lệ to lớn đối với những người làm báo hôm nay. Cựu tù chính trị, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Báo chí cách mạng trong tù hoạt động trong hoàn cảnh đặc biệt, báo ra đôi khi không đều, nhiều tờ tồn tại không dài và phải hết sức bí mật, thậm chí người làm báo phải đánh đổi xương máu, tính mạng nếu bị phát hiện. Những ngày làm báo trong tù là những ngày hoạt động đầy sôi nổi của chúng tôi. Các tờ báo đã trở thành món ăn tinh thần, giáo dục ý thức chính trị cho anh em. Nhớ lại những ngày thắp đèn dầu chép bài trong đêm cho kịp ngày ra báo… tôi luôn bồi hồi khó tả. Đó là những ngày tháng không thể quên…”.
Các bài viết trên tờ Xây dựng và Sinh hoạt xuất bản ở nhà tù Côn Ðảo
Báo chí cách mạng trong tù để lại trong kho tàng lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam một di sản vô cùng quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, đó là tinh thần bút chiến, là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn tin cậy, tiếng nói của người tù. Thời đại nào cũng vậy, báo chí luôn được đặt dưới sự quản lý của tổ chức đảng, hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của Đảng; ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, lời văn giản dị, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của đa số tù nhân trong hoàn cảnh giam cầm. Đề tài của báo chí trong tù ngoài mục đích tuyên truyền, động viên, cổ động, nâng cao hiểu biết, còn là những vấn đề dư luận quan tâm, các mô hình hay, sáng kiến mới… được tù nhân thể hiện dưới nhiều thể loại, hình thức khác nhau rất phong phú.
Báo chí thực sự là công cụ của trường học cách mạng. Báo chí trong nhà tù thực dân, đế quốc là những trang sử vẻ vang, chói lọi trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Điều đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn với tên tuổi của các nhà lãnh đạo cách mạng, chính trị gia tiền bối uy tín, nhiều đồng chí đã khởi đầu sự nghiệp cách mạng của mình bằng nghề báo. Hoạt động báo chí trong tù đã đào luyện và hình thành cho Đảng, cho cách mạng một đội ngũ cán bộ, nhà báo ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nghiệp vụ, khi ra tù trở thành những cán bộ cốt cán, có nhiều đóng góp trong phong trào cách mạng, cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thống ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử nhà tù Côn Đảo chia sẻ: Trong tù, người làm báo chuyên nghiệp như Trần Huy Liệu là rất hiếm, hầu hết đều không chuyên, làm báo vì sự sống còn của chính mình, vì vận mệnh của dân tộc, làm báo để sống và tranh đấu, để tập hợp lực lượng, giác ngộ và lan tỏa, để tự mình trưởng thành cùng đội ngũ.
Làm báo trong tù không có giấy mực, không có nhuận bút, lộ ra là đổ máu, vậy mà báo vẫn ra, vẫn chuyền tay nhau đọc, từ khám này qua khám khác, từ trại tù này qua trại tù kia, đọc rồi, ngẫm lại, chưa thấm, yêu cầu cho quay vòng, đọc lại, đọc kỹ rồi bọc lại, chôn giấu như báu vật, không lọt vào tay kẻ địch. Bây giờ, những tờ báo còn giấu được thực sự là báu vật. Nhà báo lão thành trong tù Trần Văn Giàu trước lúc lâm chung còn ước ao tìm trong lưu trữ, hồ sơ mật thám được vài tờ Ý kiến chung, Tiến lên mà các cụ từng làm ở nhà tù Côn Ðảo… Ðiều này để thấy rằng, một bài báo, một tờ báo có thể sống mãi cùng năm tháng khi đồng hành cùng vận mệnh của dân tộc.
Tiến sĩ NGUYỄN ÐÌNH THỐNG, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Cùng với sự ra đời của tổ chức đảng, trong địa ngục trần gian của bọn thực dân, đế quốc, nhiều tờ báo sớm được thành lập, trở thành kênh thông tin, thứ vũ khí đấu tranh đặc biệt trên mặt trận tư tưởng. Nghiên cứu về lịch sử báo chí trong hệ thống nhà tù thực dân, đế quốc để thấy rằng, báo chí có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, báo chí đã sớm ra đời để đáp ứng yêu cầu đời sống và cuộc đấu tranh của tù nhân. Tuy hoạt động bí mật nhưng báo chí trong tù đã thể hiện là thứ vũ khí sắc bén, quy tụ nhân tâm, đoàn kết đứng lên đấu tranh bảo vệ Đảng, cách mạng, Bác Hồ và khí tiết người cộng sản.
Điều Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tâm đắc nhất khi nói về báo chí trong nhà tù Côn Đảo, đó là sự dũng cảm: “… Không dũng cảm thì thôi đừng làm báo. Theo thống kê của các tổ chức báo chí quốc tế, nghề báo là một trong 4 nghề nguy hiểm nhất. Không dũng cảm thì thôi không làm báo chí. Dũng cảm với sự thật là điều rất quan trọng, nhưng dũng cảm với chính mình mới thật sự là cuộc vượt cạn sinh tử. Báo chí Côn Đảo và ở các nhà tù của thực dân, đế quốc là như vậy, thật sự dũng cảm. Vượt qua những cám dỗ tầm thường, vượt qua những sở thích, nguyện vọng cá nhân hẹp hòi, đặc biệt vượt qua tiền tài một cách tăm tối thì đó là sự dũng cảm”.
Nhà báo Nhị Lê liên hệ với báo chí cách mạng hôm nay: Làm báo phải dũng cảm, không dũng cảm không làm báo được và phải vượt qua được mọi cám dỗ của vật chất. Mỗi thời kỳ có những khó khăn, thử thách riêng. Ngày xưa trong tù làm báo phải vượt qua gông cùm, lưỡi lê, súng đạn của kẻ thù, bây giờ làm báo vượt qua những “viên đạn bọc đường”, vượt qua những quyền chức tầm thường, vượt qua tất cả những thứ cơm áo, gạo tiền. Thời nào cũng thế, thất bại về pháp lý có thể sửa được, nhưng thất bại về mặt đạo lý chắc chắn không còn chốn nương thân…
Khách tham quan Bảo tàng Côn Ðảo chia sẻ về tinh thần đấu tranh của chiến sĩ cách mạng nơi ngục tù, đặc biệt là việc làm báo ở tù với những sáng tạo không tưởng - Ảnh: Nguyễn Ngân
Trong lao tù vô cùng hà khắc, làm báo để có vũ khí chiến đấu, vừa được thể hiện ý chí son sắt thủy chung, tinh thần vượt khó, khát khao sáng tạo của người làm báo. Báo chí trong nhà tù Côn Đảo cũng như ở các nhà tù thực dân, đế quốc khác đã chứng tỏ trình độ tổ chức và hoạt động của những người cộng sản trong tù rất khoa học, chặt chẽ, vững vàng, dày dạn kinh nghiệm. Đó chính là cốt lõi của báo chí Côn Đảo, là bài học và niềm tự hào cho các thế hệ người làm báo, xứng đáng một di sản đặc biệt phong phú và quý giá của báo chí cách mạng Việt Nam. Những người làm báo ở nhà tù của thực dân, đế quốc là những tấm gương mẫu mực, khích lệ tinh thần to lớn đối với những người làm báo hôm nay. Trong số đó, rất nhiều người là lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng. Báo chí nhờ những người lãnh đạo mà trở nên chuyên nghiệp, chất lượng hơn, uy tín hơn. Lãnh đạo hiểu vai trò và sức mạnh của báo chí, sử dụng báo chí giúp họ lan tỏa ý chí, quyết định, đường lối, thông điệp tuyên truyền một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Thực tiễn báo chí trong nhà tù thực dân, đế quốc cho thấy, báo chí cách mạng phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất về định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng. Trong điều kiện làm báo hôm nay đòi hỏi nhân lên khát khao sáng tạo, đổi mới và mãnh liệt cống hiến cho Tổ quốc đang vươn mình. Báo chí cách mạng phải bằng mọi giá không để mất trận địa tư tưởng văn hóa, không để mất công chúng, mà phải gần gũi công chúng, mang đến cái công chúng cần, lôi cuốn công chúng một cách mạnh mẽ.
Người làm báo hôm nay rất cần uyên thâm lý luận, sắc bén phân tích, không phải đối diện với kẻ thù hữu hình mà phải đối diện với kẻ thù là sự cám dỗ vật chất. Người làm báo hôm nay tự hào truyền thống lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, sức sống bất khuất của báo chí cách mạng, để thêm mạnh mẽ, dũng cảm vượt qua mọi cám dỗ, mọi thách thức của công nghệ, của yêu cầu nhiệm vụ mới, giữ cho được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.
Lao động sáng tạo, vượt mọi gian nan, ý chí kiên cường, bút văn sắc sảo là những điều tâm đắc mà báo chí Côn Ðảo dành cho thế hệ làm báo chúng ta hôm nay…
Nhà báo PHAN HỮU MINH, nguyên Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam
Minh Nhâm - Minh Luận - Hoàng Thu