Lào Cai đề xuất tách nhóm dự án khi thiết kế Chương trình 1719 giai đoạn 2

Lào Cai đề xuất tách nhóm dự án khi thiết kế Chương trình 1719 giai đoạn 2
9 giờ trướcBài gốc
Nhóm sử dụng vốn đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư công. Còn nhóm dự án sử dụng vốn sự nghiệp tách thành 2 loại: hỗ trợ trực tiếp - cho không; và hỗ trợ mang tính chất thúc đẩy - cho vay, hỗ trợ một phần lãi suất.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình 1719) đã góp phần giúp các vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Lào Cai rút ngắn khoảng cách với các vùng khác.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lào Cai đã chia sẻ với Báo VietNamNet thông tin cụ thể về những kết quả đạt được tại địa phương, cũng một số đề xuất, kiến nghị để tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình 1719 trong thời gian tới.
Nhiều khó khăn nhưng vẫn vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Tỉnh Lào Cai bắt đầu triển khai Chương trình 1719 từ khi nào, thưa ông?
Lào Cai là một tỉnh biên giới miền núi, với đặc thù trên 66% là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khoảng 139 xã phường trên tổng số 151 xã phường nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, và Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình 1719 giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022, tỉnh Lào Cai bắt đầu bố trí nguồn lực triển khai Chương trình 1719.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lào Cai.
Khi chưa có văn bản hướng dẫn của cấp trên, tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có những hướng dẫn tạm thời trên cơ sở các văn bản gốc của Trung ương.
Hội đồng nhân dân tỉnh linh hoạt tổ chức nhiều kỳ họp để ban hành kịp thời cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về những nội dung công việc mà Trung ương giao cho địa phương thực hiện. Hàng tháng, lãnh đạo các huyện đều họp để tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tế.
Nhiều nguồn vốn được lồng ghép để đảm bảo nguồn lực tốt nhất cho quá trình triển khai. Chúng tôi cũng đã quán triệt nội dung Chương trình 1719 tới bà con nhân dân và nhanh chóng triển khai qua nhiều kênh của hệ thống chính trị. Người dân ở Lào Cai đặt rất nhiều kỳ vọng vào Chương trình 1719 với 10 dự án bao trùm tổng thể khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi.
Quá trình triển khai Chương trình 1719, tỉnh có gặp nhiều khó khăn, vướng mắc không?
Đây là một chương trình rất lớn. Hệ thống văn bản của Trung ương có những nội dung, công việc chưa được ban hành kịp thời, hoặc chưa thống nhất giữa các dự án, chương trình cùng mục tiêu, cùng đối tượng. Việc tháo gỡ giai đoạn đầu còn chậm. Năm ngoái, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 Yagi cũng tác động tới kết quả của Chương trình 1719.
Mặt khác, theo chính sách hiện hành, đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đặc biệt dân tộc khó khăn, khó có khả năng đối ứng vốn.
Một số dự án chuỗi hoặc dự án dược liệu quý cần phải có đối ứng giữa nhà nước và doanh nghiệp. Nhưng khi tài sản được hình thành thì lại quản lý như tài sản công. Việc này chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Sắp tới, khi sáp nhập các xã, sẽ có khó khăn trong quá trình đánh giá một số chỉ tiêu như số thôn bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, số xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn…
Một khó khăn khác, trước đây, tỉnh giao vốn về cho huyện, hội đồng nhân dân huyện phân bổ về cho các xã. Sắp tới, các xã phải tổ chức thực hiện. Nhiều dự án thành phần thực hiện theo chuỗi có nguy cơ dở dang.
Ngoài ra, năm 2025, vốn đầu tư đã được phân bổ giai đoạn 1, nhưng vốn sự nghiệp tính đầu tháng 4 vẫn chưa được phân bổ. Đến hết 30/6 kết thúc hoạt động cấp huyện, rất nhiều nội dung triển khai sẽ bị chậm; tới hết năm 2025 kho đảm bảo tỷ lệ giải ngân 100% đối với vốn sự nghiệp.
Khó khăn nhiều như vậy, có chỉ tiêu nào Lào Cai đạt vượt kế hoạch không?
Với sự đồng hành, quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rất rõ rệt. Trong 9 nhóm chỉ tiêu, 33 chỉ tiêu cụ thể của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì tỉnh Lào Cai đã đạt và vượt 23 chỉ tiêu.
Đơn cử, chỉ tiêu xây dựng 100% đường giao thông nông thôn đến các xã, chúng tôi đã thực hiện xong từ năm 2023. Các công trình giao thông nông thôn đến trung tâm xã đều được kiên cố hóa, đảm bảo nhu cầu đi lại cho bà con cả 4 mùa trong năm.
Điện lưới đã đến với 100% thôn, bản thuộc diện được hỗ trợ. Hoặc tỷ lệ kiên cố hóa 50% số đường đi ra kênh mương hoặc nội đồng, kết hợp nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và một số chương trình khác, chúng tôi đã hoàn thành từ rất nhiều năm trước.
Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đối với cả tỉnh khoảng trên 6%/năm, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 6%/năm. Đó là con số rất ấn tượng. Bởi khi bắt đầu thực hiện Chương trình 1719, tỉnh Lào Cai có tới xấp xỉ 40% là hộ nghèo trong vùng đồng bào thiểu số, đến hết năm 2024 chỉ còn khoảng 17%.
Một số đề xuất của địa phương với Trung ương
Trong bối cảnh sắp xếp, tinh giảm bộ máy, nhân lực có phải vấn đề khó khăn đối với lớn với Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lào Cai?
Việc sáp nhập tỉnh, sáp nhập huyện có tác động ảnh hưởng tới một số nội dung triển khai của Chương trình 1719, nhưng đối tượng phục vụ không thay đổi, mục tiêu làm giàu, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thay đổi.
Khi chúng tôi sáp nhập bộ máy, số lượng nhân sự được tăng lên. Sắp tới bổ sung lực lượng của huyện xuống xã thì tôi nghĩ rằng việc triển khai sẽ tốt hơn.
Cơ quan hành chính tại tỉnh Lào Cai.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, triển khai Chương trình 1719, chúng tôi đang đề xuất số hóa bộ dữ liệu về chính sách dân tộc, gồm cả chính sách liên quan Chương trình 1719. Đồng bộ được bộ dữ liệu đó sẽ giúp ích cho công tác tra cứu, quản lý (dễ khai thác và không bị chồng chéo).
Cùng với đó, chúng tôi đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, ứng dụng hiệu quả công nghệ số trong các giao dịch dân sự, dịch vụ công, dịch vụ phúc lợi xã hội…
Lào Cai có kiến nghị gì với cấp Trung ương về để triển khai hiệu quả hơn Chương trình 1719 thời gian tới?
Thứ nhất, chúng tôi rất mong muốn Quốc hội, Chính phủ cho phép các địa phương trong đó có Lào Cai chuyển nguồn vốn của năm 2025 sang năm 2026, có thể đến hết nửa năm 2026 để thực hiện các nội dung của Chương trình 1719, song song với việc bố trí nguồn vốn của giai đoạn 2026-2030. Bởi nhiều dự án chuỗi, đặc biệt dự án nông nghiệp, có chu kỳ 3-5 năm.
Thứ hai, khi thực hiện sáp nhập xã, Trung ương sớm có hướng dẫn chỉ đạo về khung đánh giá các xã, thôn, bản theo trình độ phát triển để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch triển khai tiếp theo.
Thứ ba, có sự thống nhất và chỉ đạo thông suốt việc xác định tiêu chí nghèo đa chiều tại thời điểm xây dựng khung chương trình giai đoạn 2026-2030, và sử dụng khung đó cho suốt cả chương trình. Khi xây dựng khung chương trình ở giai đoạn 1 (2021-2025) đã lấy tiêu chí hộ nghèo năm 2019, nhưng sau lại đánh giá theo tiêu chuẩn mới thì khó đạt mục tiêu kế hoạch. Vấn đề này cần có hướng tháo gỡ.
Thứ tư, khi thiết kế chương trình, có thể tách nhóm dự án. Nhóm sử dụng vốn đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư công. Còn nhóm dự án sử dụng vốn sự nghiệp (vốn chi thường xuyên) tách thành 2 loại: Một là hỗ trợ trực tiếp cho không, các thủ tục hết sức đơn giản nhưng tăng cường kiểm tra giám sát; Hai là hỗ trợ mang tính chất thúc đẩy dành cho các tổ hợp tác, doanh nghiệp, tác xã, các hộ “đầu tàu”… thông qua hình thức cho vay, hỗ trợ một phần lãi suất.
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là Chương trình 1719 sẽ tiếp tục giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai rút ngắn khoảng cách về cả đời sống vật chất và tinh thần với các vùng khác.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin với Báo VietNamNet!
Bình Minh
Thạch Thảo
Xuân Minh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/lao-cai-de-xuat-tach-nhom-du-an-khi-thiet-ke-chuong-trinh-1719-giai-doan-2-2398027.html