Mảnh xương gà gây áp xe ở vùng thực quản của bệnh nhân H. Ảnh: BVCC
Theo TTƯT.BSCKII Vũ Thành Khoa - Trưởng Khoa Tai mũi họng, dị vật đường ăn là tình trạng người bệnh bị hóc khi ăn uống, khiến dị vật lưu lại ở vùng họng như cắm vào amidan, hạ họng hoặc khi đã xuống đến dạ dày và ruột. Những vị trí này thường ít nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, nếu dị vật nằm ở thực quản vùng cổ hoặc ngực, nguy cơ gây tổn thương tại chỗ và biến chứng nguy hiểm sẽ tăng cao. Điều quan trọng là người bệnh cần đến cơ sở y tế kịp thời ngay sau khi bị hóc, tránh tự chữa mẹo tại nhà để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng nặng.
Trong tuần qua, bệnh viện đã ghi nhận một số ca dị vật điển hình. Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Hà Văn H (63 tuổi), nhập viện ngày 5/2/2025 trong tình trạng nuốt đau và nuốt nghẹn suốt ba ngày. Sau khi thăm khám và chụp cắt lớp, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị hóc xương gà ở vùng thực quản, gây áp xe. Bệnh nhân được nội soi lấy dị vật và sau đó mở thông dạ dày để nuôi dưỡng nhằm điều trị vùng thực quản bị tổn thương.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Ngô Văn M (44 tuổi), nhập viện ngày 7/2/2025 với triệu chứng nuốt đau và nuốt nghẹn do hóc xương gà vùng thực quản cổ. Bệnh nhân được nội soi lấy dị vật an toàn ngay trong ngày.
Trường hợp thứ ba là bệnh nhi Vũ Hà A (3 tuổi), nhập viện ngày 8/2/2025 do hóc xương gà ở thực quản cổ và cũng được các bác sĩ nội soi lấy dị vật an toàn.
Các dấu hiệu nhận biết khi có dị vật đường ăn bao gồm cảm giác nuốt đau, vướng mắc không ăn được, phải bỏ dở bữa ăn và người bệnh có thể xác định được vị trí đau hoặc mắc dị vật. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không nhận biết rõ thời điểm bị hóc hoặc không xác định được loại dị vật đã nuốt phải.
Nếu dị vật không được lấy ra kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền phức tạp, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tổn thương niêm mạc thực quản, nhiễm khuẩn mạnh, viêm tấy quanh thực quản cổ, viêm trung thất, viêm màng phổi mủ hoặc thậm chí thủng mạch máu lớn. Sau 1-2 ngày bị hóc, người bệnh có thể gặp tình trạng nuốt đau tăng dần, đau cổ, đau ngực và không thể nuốt được kể cả nước. Khi đó, các dấu hiệu nhiễm trùng sẽ rõ rệt và tiến triển nặng dần, có nguy cơ đe dọa tính mạng.
Khi bị hóc, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được nội soi lấy dị vật càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Dị vật ở hạ họng có thể được lấy nhẹ nhàng bằng nội soi tại phòng khám mà không cần dùng kháng sinh sau đó.
Tuy nhiên, nếu dị vật xuống sâu vào thực quản hoặc dạ dày, người bệnh cần nhập viện để được xử lý bằng các phương pháp như soi thực quản ống mềm hoặc ống cứng, tùy thuộc vào tính chất của dị vật. Trong trường hợp có biến chứng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lấy dị vật kết hợp điều trị kháng sinh, giảm viêm và bồi phụ nước, điện giải để đảm bảo an toàn khi gây mê.
Để phòng tránh dị vật thực quản, mọi người cần chú ý không ăn uống vội vàng, tránh nói chuyện hay cười đùa khi ăn và không uống rượu khi nhắm đồ ăn có lẫn xương. Đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi, cần loại bỏ xương trước khi ăn để đảm bảo an toàn. Khi bị hóc, không nên tự chữa mẹo mà cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Dị vật đường ăn là tình trạng cấp cứu thường gặp và có mức độ nguy hiểm cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Do đó, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và xử lý kịp thời. Tùy vào tình trạng và tính chất dị vật, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nội soi phù hợp để lấy dị vật an toàn và nhẹ nhàng nhất.
Bảo Long