Luật PCCC&CNCH và các văn bản hướng dẫn thi hành đang tạo nền tảng pháp lý vững chắc để kiểm soát hiệu quả rủi ro cháy nổ trong xây dựng và đời sống.
Phân quyền mạnh, củng cố điều phối
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai và tập huấn chuyên sâu Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các văn bản chi tiết quy định thi hành Luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, Luật PCCC&CNCH mới quy định rõ phạm vi trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương trong quản lý công trình xây dựng. Theo đó, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng chỉ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra nghiệm thu đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ giao, dự án quan trọng quốc gia và các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Các công trình, dự án còn lại do địa phương thực hiện theo thẩm quyền.
“Để việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về PCCC&CNCH đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo cơ quan trực thuộc phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Công an và các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành để hoàn thành các nhiệm vụ được giao” - Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định số 144/2025/NĐ-CP và 140/2025/NĐ-CP về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực xây dựng – nền tảng để triển khai hiệu quả các quy định về PCCC&CNCH trong thực tiễn.
Ngoài ra, Luật mới cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh, lần đầu tiên bổ sung nội dung cứu nạn, cứu hộ như một phần chính thức của hệ thống PCCC. Các yêu cầu an toàn về điện trong sinh hoạt, sản xuất – kinh doanh, và các mô hình nhà ở kết hợp sản xuất cũng được quy định rõ hơn, phù hợp với bối cảnh đô thị hóa nhanh và nhiều công trình hỗn hợp phát sinh.
Với vai trò là cơ quan điều phối, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào xây dựng hệ thống quy chuẩn – tiêu chuẩn quốc gia, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức tập huấn lực lượng tại địa phương, và hỗ trợ giải quyết các tình huống đặc thù.
Xử lý cơ sở không bảo đảm an toàn
Theo ông Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và VLXD, so với Luật PCCC năm 2001, Luật mới giảm 1 chương và 13 điều, nhưng sửa đổi, bổ sung đến 52 nội dung trọng tâm, tập trung vào 13 nhóm vấn đề lớn. Trong đó có bổ sung trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong PCCC&CNCH; quy định mới về an toàn PCCC trong quy hoạch; yêu cầu về thiết kế – nghiệm thu công trình; các điều kiện kỹ thuật đối với cơ sở đã đưa vào sử dụng.
“Luật PCCC&CNCH được ban hành nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, các khu công nghiệp, công trình cao tầng, nhà ở tập trung ngày càng nhiều, nguy cơ cháy nổ ngày càng phức tạp và khó lường, việc xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, đồng bộ là yêu cầu đặt ra mang tính chiến lược” - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và VLXD Lê Minh Long cho biết.
Một trong những thay đổi mang tính căn cơ là lần đầu tiên công tác cứu nạn, cứu hộ được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật với các quy định cụ thể về trách nhiệm, quy trình, nguồn lực và kỹ thuật. Đồng thời, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC được mở rộng, gắn với từng giai đoạn quản lý công trình – từ quy hoạch, thiết kế, thi công đến vận hành, khai thác.
Luật cũng yêu cầu lồng ghép các yếu tố an toàn cháy nổ trong quy hoạch đô thị và nông thôn. Các mô hình nhà ở kết hợp sản xuất – kinh doanh, điện sinh hoạt và sản xuất, phương tiện giao thông chuyên dụng… đều được đưa vào diện phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.
Một điểm đáng chú ý khác là việc bãi bỏ toàn bộ các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ PCCC – lĩnh vực trước đây chịu sự kiểm soát chặt về điều kiện, nhưng cũng phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi. Luật mới đồng thời đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, trong đó có thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu công trình, cấp phép phương tiện, thiết bị…
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc cắt giảm các rào cản hành chính trong lĩnh vực PCCC là cần thiết, nhất là trong bối cảnh số lượng dự án xây dựng, mô hình nhà ở đa chức năng gia tăng nhanh, gây áp lực lên bộ máy thẩm định. Tuy nhiên, việc đơn giản hóa thủ tục chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với cơ chế hậu kiểm minh bạch và năng lực quản lý thực tế được nâng cao.
Về phía địa phương, Luật quy định rõ: chậm nhất đến ngày 1/1/2026, UBND các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc phân loại và công bố danh sách các cơ sở không bảo đảm yêu cầu PCCC và không có khả năng khắc phục. Đây là nhóm công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng trước ngày Luật có hiệu lực, thường nằm trong khu dân cư, nhà xưởng nhỏ hoặc các khu thương mại cũ.
Theo ông Cao Duy Khôi – Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC và không có khả năng khắc phục... Viện Khoa học công nghệ xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Xây dựng tham mưu, kiến nghị Bộ Xây dựng cùng Bộ Công an có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện”.
Việc phân loại này sẽ dựa trên các tiêu chí kỹ thuật cụ thể được Bộ Xây dựng ban hành, phù hợp với từng loại hình công trình, từ nhà ở, xưởng sản xuất đến trung tâm thương mại. Luật PCCC&CNCH mới không chỉ đặt ra yêu cầu về phân quyền và tiêu chuẩn kỹ thuật, mà còn nhấn mạnh yếu tố con người và năng lực thực thi tại địa phương.
Đại tá Hoàng Ngọc Huynh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm rà soát hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan; triển khai hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan công tác PCCC; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy của các địa phương.
Ngoài ra, cần có sự chỉ đạo rõ ràng để cơ quan chuyên môn xây dựng tại địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát PCCC, cùng tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong công tác kiểm tra, nghiệm thu và xử lý vi phạm nếu có, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai Luật PCCC&CNCH trong thực tế.
Hiện nay, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực PCCC vẫn đang tiếp tục được rà soát để cập nhật phù hợp với điều kiện thực tế và tiến bộ công nghệ. Các dịch vụ công trực tuyến – từ đăng ký thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu, đến cấp phép lưu hành thiết bị đang được đẩy mạnh triển khai trên nền tảng số.
Luật PCCC&CNCH và các văn bản hướng dẫn thi hành không chỉ là bước cải cách pháp lý, mà còn phản ánh quyết tâm xây dựng hệ thống quản lý rủi ro hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Trong bối cảnh các vụ cháy nổ ngày càng gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh, khu công nghiệp cũ, việc củng cố hành lang pháp lý là điều kiện tiên quyết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng khẳng định: “Việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và xuyên suốt. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, DN và các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực thi pháp luật, nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần triển khai công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn”.
Thành Luân