Theo công bố của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào nước này từ ngày 5/4. Tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10%. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn. Với Việt Nam, mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp là 46%.
Tuy nhiên, trong phần phụ lục II sắc lệnh điều chỉnh nhập khẩu bằng thuế quan đối ứng của Mỹ quy định một số hàng hóa không phải chịu thuế đối ứng.
Những mặt hàng này bao gồm:
- Tất cả các mặt hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh khác
- Các mặt hàng thép/nhôm và ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo quy định khác (trong đó, mặt hàng thép chỉ chịu thuế 25% và mặt hàng nhôm là 10% theo mục 232 từ năm 2018 đến nay).
- Tất cả các sản phẩm khác được liệt kê trong Phụ lục II của lệnh này, bao gồm đồng, dược phẩm, đồ gỗ, gỗ xẻ, chất bán dẫn, một số khoáng sản quan trọng, năng lượng và sản phẩm năng lượng không có sẵn tại Mỹ.
- Tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế trong tương lai.
- Vàng thỏi.
Như vậy, các mặt hàng như ô tô, phụ tùng ô tô, vàng thỏi, nhôm, thép, đồng, gỗ xẻ, chất bán dẫn, dược phẩm...của tất các quốc gia bao gồm cả Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế nhập khẩu đối ứng mới của Mỹ.
Vàng thỏi không nằm trong danh sách chịu thuế đối ứng 46% của Mỹ. (Ảnh minh họa)
Những nhóm chịu tác động mạnh nhất
Ngược lại, có 6 nhóm chịu tác động mạnh nếu Mỹ áp thuế đối ứng cao với Việt Nam. Đó là:
Dệt may: Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trị giá 16,1 tỷ USD. Sản phẩm dệt may gia công từ Việt Nam sẽ chịu nhiều bất lợi hơn so với các quốc gia cạnh tranh khác như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Srilanka... với các mức thuế đối ứng thấp hơn.
Máy tính linh kiện điện tử: Trị giá xuất khẩu sang Mỹ 23,2 tỷ USD. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI từ Mỹ như Intel, HP, Dell, Amkor. Đứng trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng cao, các doanh nghiệp này có thể chủ động dịch chuyển một phần sản xuất trong khâu hoàn thiện đóng gói sản phẩm sang các quốc gia bị đánh thuế đối ứng thấp hơn như Ấn Độ, Indonesia...
Điều này cũng tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp và vận tải logistics.
Máy móc thiết bị dụng cụ: Trị giá xuất khẩu sang Mỹ 22 tỷ USD.
Gỗ và sản phẩm từ gỗ: Trị giá xuất khẩu sang Mỹ 9,1 tỷ USD. Trong quá khứ, với những lợi thế về giá thành rẻ nhờ chi phí nhân công và chi phí nguyên liệu rẻ do 70% nguyên liệu là từ trong nước, Việt Nam vươn lên top 3 nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Mỹ.
Nếu bị áp thuế đối ứng lên tới 46%, giá các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ mất đi tính cạnh tranh do giá thành tăng cao, ngang bằng với đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc.
Giày dép: Trị giá xuất khẩu 8,3 tỷ USD. Nhờ xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong các năm trước nhiều hãng sản xuất giày dép đã dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam.
Thủy sản: Trị giá xuất khẩu 1,5 tỷ USD. Hiện nay, các sản phẩm xuất khẩu thủy sản chủ lực đang có mức ưu đãi về thuế xuất khẩu sang Mỹ như tôm và cá tra. Do vậy, việc áp thuế đối ứng ảnh hưởng khá tiêu cực đến các doanh nghiệp trong ngành này.
Minh Đức (tổng hợp)