Máu trộn bùn đất trên công trường đắp đê sông Mã

Máu trộn bùn đất trên công trường đắp đê sông Mã
20 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê Nam sông Mã. Ảnh: Gia Bảo
Trước thất bại ngày càng nặng nề trên chiến trường có nguy cơ phá sản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc.
Khu vực Hàm Rồng, nơi mà tháng 6/1965, trận đụng đầu lịch sử của quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn với lưới lửa phòng không tầng thấp, tầng cao, với tinh thần quyết thắng trong 2 ngày đã bắn tan xác 47 máy bay.
"Đánh chết cái nết không chừa" cầu Hàm Rồng vẫn là "cái gai" trong mắt của kẻ xâm lược nên phải nhổ bằng được. Vì thế, khu vực Hàm Rồng vẫn là mục tiêu trọng điểm bị đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.
Cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1972, mưa to, gió lớn nhiều vùng nông thôn Thanh Hóa ngập lụt, nước đầu nguồn sông Mã đổ về hạ lưu uy hiếp các tuyến đê nói chung, đê sông Mã nói riêng. Đặc biệt đoạn đê sông Mã (bờ Nam) từ chân cầu Hàm Rồng xuôi về Nam Ngạn có nguy cơ bị vỡ đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân thị xã Thanh Hóa, nay là thành phố Thanh Hóa.
2000 lao động của huyện Hoằng Hóa, huyện Đông Sơn, thị xã Thanh Hóa và thày cô giáo và học sinh của Trường trung cấp Y, trường sư phạm 7+2 Thanh Hóa được huy động lên công trường ứng cứu đê rất sớm.
Tượng đài tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê Nam sông Mã. Ảnh: Gia Bảo
Khoảng 8 giờ hơn ngày 14/6 năm 1972, khi lực lượng lao động đang hối hả làm việc, nhiều tốp máy bay địch từ hướng Đông lao vào bắn phá trút bom đạn vô cùng tàn bạo. Mặc dù lực lượng lao động trên công trường được báo động sơ tán vào hầm trú ẩn nhưng với khối lượng bom đạn dày đặc máy bay địch ném xuống khiến 64 giáo viên và học sinh hy sinh cùng nhiều người bị thương…
Từ sau ngày thống nhất đất nước (1975) khu vực đê sông Mã đoạn cách cầu Hàm Rồng lịch sử chừng 1km nơi 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh, vào ngày 14/6 hàng năm nhiều người đến thắp hương tưởng niệm.
Lễ Khánh thành Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê Nam sông Mã. Ảnh: Gia Bảo
Nhân kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, sáng ngày 31 tháng 3 năm 2025, Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê Nam sông Mã trên diện tích 2 ha chính thức hoàn thành.
Trong không gian khu tưởng niệm có tượng đài, khu tái hiện hình ảnh giáo viên và học sinh đang đào đất, vận chuyển đắp đê sông Mã cùng các công trình phụ trợ, đường đi, lối lại, cây xanh, tiểu cảnh, sân vườn, điện chiếu sáng thuận tiện cho người dân và du khách mỗi khi đến tham quan, tìm hiểu.
Điều đáng nói, Khu tưởng niệm giáo viên học sinh hy sinh nằm cạnh nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng cách không xa cầu Hàm Rồng lịch sử, đồi C4 anh hùng, đền thờ Mẹ Việt Nam, Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng, làng cổ Đông Sơn, núi Ngọc và núi Cánh Tiên nơi có hai chữ "QUYẾT THẮNG".
Không gian khu vực này thực sự trở thành không gian văn hóa tâm linh phục vụ đồng bào và khách du lịch thập phương.
Còn tôi, người viết bài báo này, sau thời điểm 64 giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê Nam sông Mã, tôi cùng 500 tân binh huyện Nông Cống, sau 2 tháng huấn luyện được lệnh hành quân tạm biệt quê Thanh vào chiến trường Tây Nguyên.
Hôm nay đến dự lễ khánh thành khu tưởng niệm lại bồi hồi xúc động thắp cho các liệt sĩ nén hương thơm như đã từng thắp nén hương cho các liệt sĩ đồng đội chúng tôi đã hiến tuổi thanh xuân vì đất nước…
Bia tưởng niệm các giáo viên, học sinh hy sinh khi đắp đê sông Mã. Ảnh: Gia Bảo
Gia Bảo
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/mau-tron-bun-dat-tren-cong-truong-dap-de-song-ma-179250331114808684.htm