Mưu sinh ở đáy sông

Mưu sinh ở đáy sông
6 giờ trướcBài gốc
Người thợ lặn với những dụng cụ, máy móc hỗ trợ đơn giản khi mưu sinh
Vất vả mưu sinh
Thư thả nhấp chén trà quạu, ông Trần Văn Đời (Ba Đời), ngụ xã Vĩnh Hậu chậm rãi mở đầu câu chuyện về “cái nghiệp” lặn sông. Được nhiều người biết đến với tài “lặn như rái cá”, nhưng ông Ba Đời chưa bao giờ thấy vui. Với ông, nó là sự xô đẩy của cuộc mưu sinh đầy cơ cực chứ chẳng phải chuyện đáng tự hào.
Ông Ba Đời trầm lặng nói: “Người ta nói nghề của tôi là “làm bạn với hà bá”. Mà có thiệt! Xuống tới đáy sông sâu lạnh lẽo, ngoài hà bá thì không có ai ở dưới đó với mình. Dưới đáy sông cái gì cũng tối đen như mực, người yếu vía chắc không làm được nghề lao khổ này”.
Với gương mặt khắc khổ, đậm chất phong trần của những ngày ngụp lặn đã qua, ông Ba Đời dần nhớ lại những lần đối diện với tử thần nơi đáy sông sâu. Từ thời còn “lặn chay” (không có ống hơi), ông Ba Đời đã phải nhiều lần “tím mình, tím mẩy” bởi áp lực nước sông sâu khiến ông không thở được, phải ngoi lên bờ. Rồi bệnh lãng tai hay những di chứng tâm lý trong những lần đụng độ “thủy quái” dưới mấy chục mét nước, vẫn còn hiện hữu trong đôi mắt kèm nhèm của ông lão chất phác này.
“Người ta thuê mình lặn tìm đồ đạc hay trục vớt ghe, xuồng, tiền công 300.000 - 400.000 đồng/chuyến. Khi không đi lặn xa, tôi lặn dời bè cá thuê cho người ta hay vớt sắt, thép, phế liệu bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mà ngộ, nước trên mình vừa ráo là cũng hết tiền, lại phải vác đồ nghề đi lặn”, ông Ba Đời chia sẻ.
Giờ đã ngoài 60 tuổi, ông Ba Đời cũng giải nghệ vì không còn đủ sức khỏe để trầm mình dưới đáy sông sâu. Điều làm ông đau đáu chính là những đứa con đang nối nghiệp mình. Hiểu được cảnh vất vả của nghề, ông cố gắng khuyên các con kiếm việc khác để làm, dù thu nhập ít nhưng đỡ phần nguy hiểm.
Là “đồng nghiệp” với ông Ba Đời, anh Trần Văn Hơn, ngụ xã Bình Mỹ cũng có gần 20 năm gắn bó với đời trầm thủy. Nhóm của anh có 6 người, chuyên lặn thuê cho những ai có nhu cầu. Khách hàng của anh Hơn ở khắp nơi, có khi sang các tỉnh lân cận để trục vớt ghe, xuồng, hàng hóa. Thông thường, sẽ có 4 người lặn xuống nước và 2 người trực máy móc, phòng khi sự cố.
“Thợ lặn hay gặp bất trắc nhất là trường hợp tuột ống hơi hoặc ống hơi kẹt vô gốc cây hay thứ gì đó khiến mình không trồi lên được. Nhiều nơi nước chảy xiết, mình phải đeo thêm sợi xích cho nó đỡ bị trôi. Nhưng khi gặp nguy hiểm thì chính nó lại góp phần hại mình. Trên bờ, mình bị nạn thì có người này, người kia giúp. Dưới sông sâu tăm tối thì biết kêu ai. Nắm ống hơi giật mạnh mà người coi máy móc trên bờ không để ý cũng rất nguy hiểm. Biết là có thể đánh đổi cả tính mạng, nhưng tìm mãi chẳng có nghề nào bám được lâu, đành phải quay về với nghề hạ bạc này”, anh Hơn thật tình.
Ấm áp tình người
Dù phải đối mặt với hiểm nguy trong cuộc mưu sinh, nhưng những người thợ lặn vẫn mang trong lòng suy nghĩ ấm áp tình người. Có những lần, thứ người ta thuê họ vớt không phải là hàng hóa, mà là thi thể người chết đuối. Nhắc đến chuyện ấy, trong đôi mắt của những thợ lặn kỳ cựu như ông Ba Đời vẫn không giấu được sự thất thần.
Ông Ba Đời rùng mình: “Nhắc tới vụ đó kinh khủng lắm! Đứng trước sông sâu bao la, nghĩ tới “thây ma” đang trôi nổi đâu đó là mình nổi da gà. Ngặt nỗi, người nhà nạn nhân khóc lóc, năn nỉ quá, tui không nỡ lòng. Bình thường xuống nước không sao, chứ tới lúc đó là tay chân tê cứng, nhưng vì cái tâm mình phải ráng. Có khi nạn nhân kẹt dưới nước lâu ngày, tôi nắm tay lôi được lên bờ là muốn xỉu. Nhiều lúc về đổ bệnh, nằm nhà li bì mấy ngày không ăn uống được”, ông Ba Đời nhớ lại.
Tuy nhiên, ông Ba Đời ngẫm lại thấy mình làm nghề hạ bạc, không để lại được gì cho con cháu, nên phải tích “đức lành”. Hơn nữa, sống phải thấy người, chết phải thấy xác, ông không muốn để người thân nạn nhân ôm nỗi đau đó cả đời. Bởi thế, thứ giúp ông can đảm trầm mình xuống dòng nước kia chính là tình người!
Cũng là thợ lặn lâu năm, anh Lâm Văn Lý, ngụ xã Mỹ Hòa Hưng vừa xem công việc của mình là kế mưu sinh, vừa để giúp người bị nạn trên sông. “Nghề này nói ra cũng lạ lắm! Không vướng thì thôi, chứ một khi đã biết lặn thì mình phải làm hoài. Mình kiếm cơm là một chuyện, nhưng giúp được người khác lại là chuyện tốt hơn. Dù không khấm khá với nghề, nhưng mình cứ lấy cái tâm ra mà đối đãi với cuộc đời, chắc “Bà Cậu” sẽ phù hộ mình bình an”, anh Lý nói.
Anh Lý còn cho hay, những người làm nghề thợ lặn luôn sẵn sàng cứu người bị kẹt trong ghe, xuồng lật úp trên sông. Bằng kinh nghiệm của mình, họ đủ bình tĩnh để có cách tiếp cận, hướng dẫn người bị nạn thoát hiểm. Dù chuyện đó diễn ra không nhiều, nhưng là một nét nhân văn trong cái nghề trầm thủy này.
“Sau những chuyến đi lặn về, tôi hay nói với anh em ráng lo cho sấp nhỏ ăn học đàng hoàng, để còn kiếm việc gì đó trên bờ cho yên thân. Đời mình đã ngụp lặn nơi đáy sông tăm tối thì phải để con cháu có cuộc sống tươi sáng, tốt đẹp hơn”, anh Lý chia sẻ.
Bài và ảnh: THANH TIẾN
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/muu-sinh-o-day-song-a424726.html