Giới phân tích cho rằng mức thuế suất nhập khẩu đối ứng mà Tổng Thống Donald Trump công bố rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam) sẽ tác động mạnh đến hàng loạt ngành nghề Việt Nam như đồ gỗ nội thất, dệt may, linh kiện điện tử hay thủy sản…
Theo Cục Thống kê Dân số của Mỹ, năm 2024, Mỹ nhập khẩu 136,5 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam, trong khi xuất khẩu sang nước ta 13 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt 123,4 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại.
Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam hơn 1,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hơn 11,3 tỷ USD hàng hóa, dẫn đến thâm hụt khoảng 10,2 tỷ USD.
Số liệu từ Cục Thống kê và Cục Hải quan của Việt Nam cho thấy, trong hai tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 2 tháng năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các mặt hàng như vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, dệt may, giày dép... dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu.
Những ngành hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành này có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Do đó, 5 nhóm ngành này sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất trong thương chiến.
Số liệu thống kê mới nhất của cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 2 tháng năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 2 tháng năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng năm 2025, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu vẫn là nhóm mặt hàng vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22,1% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16,8%.
Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 2 tháng đầu năm 2025 so với năm trước đó: Đồ chơi dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 154,8%; dây điện và dây cáp điện tăng 65%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 124,5%; nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng 50%; cà phê tăng 53,1%; hàng rau quả tăng 65%.
Theo đó, ngành dệt may, giày dép chịu tác động mạnh nhất khi xuất khẩu sang Mỹ chiếm từ 25-80%. Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%.
Ngành gỗ và nội thất cũng rơi vào tình thế khó khăn khi Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu. Một số doanh nghiệp như Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ, đối diện nguy cơ sụt giảm mạnh doanh thu khi khách hàng Mỹ tìm kiếm nguồn cung ứng từ các quốc gia khác.
Ngành logistics cũng không nằm ngoài vòng xoáy khi sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm. Các doanh nghiệp như Gemadept (GMD), Viconship (VSC) hay Hải An (HAH) có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh do nhu cầu vận chuyển giảm sút.
Các doanh nghiệp nông sản hàng đầu như Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group) và Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) sẽ chịu tác động nghiêm trọng. Các sản phẩm như hạt điều, cà phê, chuối có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh, dẫn đến giảm kim ngạch xuất khẩu và doanh thu.
Thống kê một số lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, VIS Rating cho rằng về phương tiện vận tải: Thaco, Honda, Vinfast, Ford. Hàng thủy sản: Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, An Giang, Stapimex, Thực phẩm Sao Ta. Các mặt hàng khác: Long Sơn, Olam Vietnam, Intimex, Trung Nguyên, Tôn Đông Á, Nam Kim.
Giới phân tích cho rằng chính sách thuế quan 46% của Mỹ từ ngày 2/4/2025 là "cú sốc" lớn đối với các "ông lớn" xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ giảm doanh thu và mất thị phần.
Chẳng hạn với ngành logistics các doanh nghiệp đối diện với rủi ro trung hạn khi các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc lại chiến lược mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Hay như các sản phẩm nông sản như hạt điều, cà phê, chuối có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh, dẫn đến giảm kim ngạch xuất khẩu và doanh thu...
Trước những thách thức hiện tại, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần sớm đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ được xem là một hướng đi quan trọng. Đồng thời, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm, đầu tư vào chất lượng và xây dựng thương hiệu để củng cố sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp chủ động đàm phán với đối tác Mỹ nhằm tìm kiếm phương án chia sẻ gánh nặng thuế quan. Ngoài ra, việc tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA để mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Á cũng được nhấn mạnh như một chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới.
Thanh Hoa