Ngành nông nghiệp và môi trường hút vốn FDI

Ngành nông nghiệp và môi trường hút vốn FDI
6 giờ trướcBài gốc
Các dự án nông nghiệp và môi trường thu hút vốn FDI ngày một nhiều. Ảnh: Nam Anh.
Tiềm năng và sức hút ngày càng tăng
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng, ngành nông nghiệp, môi trường nước ta có nhiều tiềm năng và dư địa lớn để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Hiện nay, Việt Nam cũng đang quyết liệt chuyển đổi ngành nông nghiệp và môi trường theo hướng “xanh hóa”, “số hóa” nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.
Còn theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng số hóa, Việt Nam, với vị thế ngày càng được nâng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với nền nông nghiệp đa dạng, hệ sinh thái phong phú, dân số trên 100 triệu người, đặc biệt với phong tục tập quán, văn hóa rất đa dạng, là một không gian dư địa có thể tạo nên những giá trị đặc sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do là điều kiện thuận lợi để vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản và môi trường xanh của khu vực, góp phần thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Tính đến thời điểm cuối năm 2024, Việt Nam có 729 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, với tổng vốn đăng ký gần 11,89 tỉ USD. Trong tổng số 729 dự án FDI, có 537 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 106 dự án khai khoáng và 86 dự án xử lý nước, rác thải và môi trường. Đây là những con số cho thấy tiềm năng lớn và sức hút ngày càng tăng của lĩnh vực nông nghiệp và môi trường tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, nếu tính thêm các ngành hỗ trợ như chế biến, vật tư, thương mại, thì tổng vốn FDI toàn ngành đạt hơn 26 tỉ USD, chiếm khoảng 6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Khu vực FDI đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển bền vững nguồn lực, đào tạo nông dân và hình thành các chuỗi cung ứng hiệu quả. Đây có lẽ cũng là một trong những giá trị then chốt, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong những năm qua.
4 định hướng phát triển
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo giới chuyên gia, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong các dự án nông nghiệp và môi trường thuộc khu vực FDI. Phần lớn dự án chỉ đạt quy mô vừa và nhỏ, khoảng 23% số dự án FDI có vốn đầu tư dưới 1 triệu USD, chưa tạo được đột phát trong chuyển đổi sản xuất. Các dự án FDI mới chỉ tập trung tại những khu vực phát triển. Các nhà đầu tư vẫn đang bỏ qua những vùng sâu, vùng xa vì còn nhiều bất tiện trong giao thông, hạ tầng cơ sở.
Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, nông dân trong một số trường hợp còn yếu. Việc chuyển giao công nghệ, lan tỏa giá trị gia tăng, phát triển hệ sinh thái địa phương chưa thực sự hiệu quả. Một số dự án FDI trong lĩnh vực môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu công nghệ xử lý hiện đại, gây tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nếu không được kiểm soát tốt…
Trước những thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt, Thứ trưởng Võ Văn Hưng đã đưa ra 4 đề xuất định hướng. Theo đó, ngành nông nghiệp cần xây dựng các chính sách, cơ chế rõ ràng, phù hợp với tình hình hiện nay: Đầu tiên là phải xác lập các mục tiêu, chính sách mang tính chiến lược, như chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, áp dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và thương mại, tiến tới thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn… Đặc biệt, ngành nông nghiệp đang hướng đến việc xây dựng chứng chỉ carbon của rừng và các nguồn tài nguyên khác.
Kế đến là phát triển văn hóa và thương hiệu nông sản gắn với địa phương. Theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, đây có thể nói là một dư địa tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và cũng là một dư địa tăng trưởng quan trọng của ngành, mang lại giá trị gia tăng.
Quá trình phân tích cho thấy về số lượng, Việt Nam đã phát triển tương đối mạnh, nhưng vẫn còn một khoảng trống cần các nhà đầu tư FDI tập trung, đó là công tác chế biến và xây dựng các sản phẩm có thương hiệu, giúp đưa sản phẩm ra thị trường, kết nối thị trường và tập trung phát triển thương hiệu quốc gia cho các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, thủy sản, trái cây, thực phẩm, dược liệu.
Tiếp đó là ưu tiên tài nguyên và môi trường, như xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, công nghiệp, ứng dụng công nghệ tái chế, hoàn nguyên môi trường, năng lượng tái tạo, cải tạo năng lượng sinh học phù hợp với nông nghiệp, cùng với các dự án phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, phát triển thị trường carbon. Một vấn đề nữa là quản lý môi trường tự động, dữ liệu lớn và tài nguyên thiên nhiên.
NAM ANH
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nganh-nong-nghiep-va-moi-truong-hut-von-fdi-10305072.html