Vui nhộn bên cồn
Mờ sáng, có dịp đến xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) mới thấy hết không khí làm ăn nhộn nhịp của nông dân xứ cồn. Chạy xe vào sâu trong đồng, những đám rẫy trồng thẳng hàng, xanh non mơn mởn như chứng minh sự cần cù, siêng năng của bà con nơi đây. Xa xa, nông dân tranh thủ bơm nước tưới rẫy, nhổ rau màu chuẩn bị cân giao cho tiểu thương. Bổ từng lớp đất tạo thành hàng thẳng thớm, anh Trần Văn Có (Mười Có, 50 tuổi) nhớ lại, “tập đoàn” này được thành lập trên 15 năm. Các thành viên trong đoàn đều là nông dân xứ cồn. Quanh năm, họ làm quần quật trên đồng, sức lực dẻo dai, kiện tráng. Thấy bà con trồng rẫy có nhu cầu cuốc đất, bắt liếp thuê, họ tập hợp thành viên lại khoảng vài chục người, làm thuê tới bây giờ.
Trò chuyện với anh Có không lâu, “tập đoàn” cuốc mướn đã lên liếp xong 2 công rẫy của chủ đất. Họ làm rất nhanh và chuyên nghiệp. Làm xong chỗ này, họ tranh thủ chạy sang khu đất khác, tiếp tục công đoạn tương tự. Quanh năm, họ cặm cụi làm lụng vất vả trên đồng, mong kiếm được tiền nuôi gia đình. Hành trình ra đồng cuốc đất, trong tay họ chỉ là cây cuốc, cây cày, cà mèn cơm, xô nước đá giải khát. Mờ sáng, sương còn giăng dày đặc trên từng ngọn cỏ, cọng rau, cũng là lúc người cuốc mướn có mặt trên đồng bổ đất hì hục. Nếu hôm nào làm đồng nhà, họ lội bộ cho đỡ tốn chi phí. Còn đi đồng xa, họ chạy xe gắn máy đến tận nơi phục vụ bà con nông dân.
Từ khi có dịch vụ cuốc đất, lên liếp mà nông dân bớt cơ cực
Mười Có được anh em tín nhiệm bầu làm đội trưởng, nhờ sức khỏe dẻo dai và cuốc giỏi. Tất cả chủ đất bên cồn đều biết đến anh. Mỗi khi muốn cuốc đất, lên liếp trồng rẫy, nhà nông chỉ cần bấm điện thoại liên hệ, ngày hôm sau “tập đoàn” có mặt ngay. Mười Có tâm sự, ngày trước anh cũng trồng rẫy ở xứ cồn này. Có bận, thanh niên trai tráng lên tỉnh Bình Dương, Biên Hòa làm công nhân, dẫn đến thiếu hụt nhân công làm theo mùa vụ. Từ đó, anh tập hợp anh em trong xóm, không dè nghề thịnh hành, phù hợp xu thế. “Ngày trước, nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Bây giờ, họ chỉ cần ngồi trên bờ đê chỉ tay cho chúng tôi làm. Thậm chí, trồng trọt, bón phân, phun thuốc đều có người phục vụ” - Mười Có cho hay.
Thu nhập quanh năm
Từ lâu, xứ cồn Bình Thủy được mệnh danh là “vương quốc” rẫy màu, nông dân trồng đủ loại rau, củ tiêu thụ trên thị trường. Thu hoạch xong vụ này thì họ nhanh tay chuyển sang vụ kế tiếp, không cho đất nghỉ. Mỗi năm, nông dân canh tác tăng vòng quay của đất 6 vụ, thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi ha. Nhờ vậy, nhiều nghề lao động chân tay cũng được “ăn theo”, bà con có việc làm quanh năm. Anh Nguyễn Văn Bắp (thành viên của “tập đoàn” cuốc mướn) bày tỏ, dường như ngày nào các anh cũng được chủ đất kêu làm không kịp nghỉ tay. Nhờ vậy, họ có thu nhập ổn định khoảng 500.000 đồng/ngày.
Mười Có cho hay, anh Tèo rất chăm chỉ, đàng hoàng, nhiều chủ đất ưng ý: “Tèo bắt liếp tới đâu là thẳng hàng, chủ đất an tâm không cần phải theo quan sát nhắc nhở. Nhiều năm qua, Tèo chí thú làm ăn nuôi con ăn học, là tấm gương để anh em học tập”. Khi được hỏi, anh Tèo tự hào: “Tui có thằng con trai đang học ở Trường Đại học Cần Thơ. Gia đình tui canh tác được vài công rẫy, nhưng chỉ đủ ăn, do vậy phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học”.
Trưa nắng gắt, các anh tranh thủ ghé vào lán trại của nông dân nghỉ mát, ăn vội chén cơm nguội, vài con khô mang theo từ buổi sáng. Cơm nước xong, họ ngả lưng, huyên thuyên chuyện gia đình. Nghề cuốc mướn là vậy, rày đây mai đó, lang bạt khắp nơi. Khi nghe có chủ đất thuê làm thì họ vội vã đến tận nơi phục vụ. Trong chuyến đi xa, anh em luôn hỗ trợ lẫn nhau, hoàn thành công việc nhanh gọn.
Anh Trần Văn Sang tiếp lời, khi hoàn thành công đoạn cuốc đất, lên liếp, chủ đất trả 400.000 đồng/công. Còn tỉa giống, trồng hành... mỗi tiếng 25.000 đồng. Nông dân chỉ việc ngồi quan sát trên mảnh đất của mình, không cần động tay, chân cực khổ như trước đây. Đứng trên bờ mẫu đất xem “tập đoàn” cuốc thuê làm rất điệu nghệ, anh Lê Văn Hảo tấm tắc ngợi khen: “Giờ làm rẫy không còn cực như trước, bởi có “tập đoàn” cuốc mướn đảm trách. Tôi chỉ cần điện thoại là sáng sớm họ có mặt cuốc đất rất nhịp nhàng”.
Chuyện làm rẫy, màu ở thôn quê diễn ra quanh năm. Nhờ có dịch vụ cuốc đất, lên liếp mà nông dân bớt cơ cực, thuận lợi trong canh tác, nâng vòng quay của đất lên nhiều vụ, tăng thêm thu nhập trong năm.
LƯU MỸ