Nghề rèn ở Quang Trung

Nghề rèn ở Quang Trung
3 giờ trướcBài gốc
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều ngành nghề truyền thống, trong đó có nghề rèn đang dần bị mai một theo năm tháng. Tuy nhiên, tại một số làng nghề làm rèn trong tỉnh, vẫn còn nhiều người thợ vì đam mê với nghề “gia truyền”, hàng ngày vẫn cố gắng duy trì, gìn giữ nghề xưa.
Lò rèn truyền thống của gia đình anh Bùi Đình Nguyên, CCN Quang Trung, xã Quang Trung (Vụ Bản).
Cách thành phố Nam Định khoảng 15km, cụm công nghiệp (CCN) Quang Trung, xã Quang Trung (Vụ Bản) từ lâu đã nổi tiếng trong cả nước bởi nghề rèn có từ lâu đời. Mặc dù làng nghề ngày càng ít các bễ rèn nhưng một số thợ nghề vẫn quyết bám trụ nghề. Sinh năm 1978, anh Bùi Đình Nguyên đã có 25 năm kinh nghiệm làm nghề, tiếp nối nghiệp 3 đời của gia đình. “Từ khi còn bé, tôi đã theo ông rồi bố xuống xưởng rèn. Chứng kiến cảnh những người đàn ông lực lưỡng trong nhà mồ hôi nhễ nhại quai búa rồi lại tỉ mẩn ngồi gọt dũa từng lưỡi dao, cái kéo, tình yêu nghề “ngấm” vào tôi lúc nào không hay. Mặc dù biết theo nghề rèn sẽ vất vả, khó nhọc, nhưng tôi vẫn quyết định làm thợ rèn cho đến khi nào không thể nổi lửa trên bễ mới thôi”, anh Nguyên chia sẻ.
Anh Bùi Đình Nguyên nhóm lửa bếp bắt đầu công việc thợ rèn.
Anh Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1975 cũng đã theo nghề rèn được vài chục năm. Chọn nghề thợ rèn, theo anh Vinh là chọn một nghề “khổ” và “khó giàu”, nhất là vào thời điểm công việc chưa được “cơ giới hóa”, không có sự trợ giúp của máy móc. Để làm được 1 cây kéo, con dao, những thợ rèn Quang Trung phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ cắt thép ra nướng đỏ, quai búa bẹt mỏng thành hình, sau đó đến khâu làm nguội, chỉnh sửa, mài… cho đến khi nào sản phẩm đạt chuẩn. Về cơ bản, quy trình rèn của những thợ rèn Quang Trung không khác nhiều so với các lò rèn truyền thống khác. “Bí quyết” tạo nên sự khác biệt của làng nghề chính là ở kĩ thuật chọn nguyên liệu, nấu sắt, thép, cách nắn nên con dao, cái kéo, liềm, búa, rìu, lưỡi cày, lưỡi cuốc… mang nét riêng, bền và tinh xảo, được người dân khắp nơi ưa chuộng.
Thanh sắt phải được nung đỏ trong than củi và tán trên đe sắt.
Ngày nay, với sự giúp đỡ của các loại máy búa, máy chặt, máy mài, bể thổi, máy đóng cán… công việc của những thợ rèn Quang Trung đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Ngoài ra, máy móc còn giúp làng nghề đa dạng hóa mặt hàng hơn. Nếu trước kia, Quang Trung chỉ sản xuất được một số mặt hàng mang tính thủ công như búa, dao, kéo, rìu... thì hiện nay các xưởng rèn trong xã còn sản xuất được cả các phụ tùng xe đạp, các loại sắt thép dùng trong xây dựng… “Máy móc hóa” còn giúp các xưởng rèn nâng cao hiệu suất làm việc của mỗi người thợ. Hiện, mỗi tháng xưởng rèn của các anh Nguyên, anh Vinh nhập trung bình từ 50-60 tấn sắt nguyên liệu, sản xuất được từ 200-400 sản phẩm/ngày, tạo việc làm cho 4-6 lao động địa phương.
Công đoạn mài dao được máy móc hỗ trợ.
Sản phẩm tốt, bền, đẹp, giá cả hợp lý còn giúp các sản phẩm của thợ rèn Quang Trung vươn xa, xuất khẩu ra một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia… tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho các hộ gia đình. Hiện, xã Quang Trung có khoảng 100 hộ gia đình tham gia sản xuất nghề cơ khí, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương và các xã lân cận. Hàng năm trừ chi phí, mỗi xưởng rèn thu về hơn 100 triệu đồng.
Anh Bùi Đình Nguyên đang rèn búa cho khách.
Tuy nhiên, như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề rèn ở Quang Trung hiện cũng đang gặp nhiều “khó”. Thu nhập từ nghề chưa cao, do đó, không thu hút được lực lượng lao động trẻ. Chưa kể đến, các sản phẩm làng nghề rèn còn chịu sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng kim khí được sản xuất hàng loạt từ các nhà máy với giá thành rẻ đang được bày bán tràn lan khắp thị trường; tình trạng ô nhiễm môi trường, độc hại nghề nghiệp… cũng khiến nhiều người e dè khi muốn làm nghề lâu dài hoặc đầu tư cho nghề rèn…
Những chiếc búa, chiếc dao dần được hoàn thiện.
… là những câu thơ miêu tả về sự vất vả, khó nhọc của người làm nghề rèn. Dẫu vậy, những thợ rèn như anh Vinh, anh Nguyên không vì thế mà thôi gắn bó, yêu mến nghề xưa. Với sự năng động, sáng tạo, bàn tay tài hoa và cái tâm của mỗi thợ nghề, mong rằng nghề rèn ở Quang Trung tiếp tục được các thợ rèn nối nghiệp và giữ gìn; Nhà nước có các chính sách, định hướng cho nghề rèn phát triển bền vững. Để sau mỗi ngày làm việc vất vả, mỗi thợ rèn lại cảm thấy:
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/multimedia/202410/nghe-ren-o-quang-trung-a303b44/