Người Ma Coong từ việc lo cái ăn hằng ngày nay đã mua ô tô 'xịn' về bản

Người Ma Coong từ việc lo cái ăn hằng ngày nay đã mua ô tô 'xịn' về bản
5 giờ trướcBài gốc
Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là xã vùng cao biên giới nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Di sản thiên nhiên thế giới. Địa phương này có diện tích hơn 741km2 với 18 bản với tổng gần 800 hộ dân chủ yếu là đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru – Vân Kiều).
Những bản làng của xã biên Thượng Trạch đã ngày càng khang trang.
Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, thiên nhiên khắc nghiệt, phong tục, tập quán, thói quen lao động sản xuất có phần khác miền xuôi nên cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.
Với sự quan tâm, đồng hàng của chính quyền các cấp và Bộ đội Biên phòng, đời sống của bà con nơi đây dần được cải thiện hơn. Dù vẫn còn khó khăn, nhưng người Ma Coong từ cuộc sống dựa vào sản vật rừng nay đã biết làm lúa nước. Họ cũng tìm đến đến trạm y tế khi ốm đau và cho con đến trường, nhiều tập tục lạc hậu dần bị loại bỏ.
Dần gạt đi suy nghĩ ỉ lại, đồng bào nơi đây tìm cách để từ "ăn no, mặc ấm" dần phát triển kinh tế để gia đình đủ "ăn ngon, mặc đẹp". Nhiều hộ đồng bào học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn bắt tay vào phát triển kinh tế với sự hỗ trợ của các đơn vị.
Ông Đinh Hợp (SN 1962), trú bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch.
Trong những đồng bào Ma Coong làm kinh tế giỏi ở xã nghèo vùng biên này nổi bật là ông Đinh Hợp (SN 1962), trú bản Cà Roòng. Ông Hợp cho biết, thời gian làm cán bộ xã, ông tiếp thu được nhiều kiến thức về việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Với suy nghĩ vùng đất khó này vẫn có nhiều điều kiện để làm giàu ông bàn với người thân bắt tay thử nghiệm. Ông cũng nghĩ rằng bản thân làm thành công thì có thể chia sẻ, vận động dân bản cùng làm để đưa quê hương phát triển.
Thượng Trạch ngày ấy còn hoang sơ, ít người sinh sống. Hàng ngày, hai vợ chồng ông Hợp trèo đèo lội suối để khai hoang, mở rộng nương rẫy trồng khoai, trồng sắn. Giải quyết được cái ăn, vợ chồng ông bỏ vốn mua bò. Học tập kinh nghiệm chăn nuôi từ miền xuôi, đàn bò của ông ít khi ốm đau, tăng trưởng tốt.
"Để bà con tin và làm theo thì mình phải làm được trước. Từ hơn 20 năm trước gia đình tôi quyết định nuôi lượng lớn bò. Năm 2009, tôi đổi 11 con bò lấy máy cày để về cày ruộng lúa, nương ngô, nương sắn cho gia đình và bà con trong xã. Có máy móc sức người giảm, việc làm nông của bà con mang lại hiệu quả cao hơn", ông Hợp chia sẻ.
Để thực hiện mô hình kinh tế, vợ chồng ông Hợp phải nỗ lực rất nhiều.
Để có thêm vốn mở rộng mô hình, ông Hợp mạnh dạn vay vốn từ nguồn hỗ trợ dân tộc thiểu số và chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Thời điểm đó là lúc ông nuôi bò nhiều nhất với 80 con, trung bình mỗi con giá 10 triệu đồng.
Với tài sản tích góp được sau bao năm nỗ lực, năm 2020, ông bán bò để mua bán tải với giá khoảng 800 triệu đồng. Thời điểm đó, ông Hợp là người đầu tiên ở xã này sắm được con xe hơi "xịn", khiến bao người mơ ước.
Ông Hợp là một trong những người đầu tiên có ô tô "xịn" ở xã biên này.
Hiện tại, ông đang nuôi 40 con bò, ngoài ra, ông còn có 1 ha trồng sắn, rừng cao su rộng 6ha và gần 10 ha trồng keo. Trung bình mỗi năm, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng, đối với người Ma Coong, ông là người làm kinh tế giỏi và được mệnh danh là triệu phú chăn bò.
Từ những thành quả đó, ông Hợp có thêm uy tín trong cộng đồng người Ma Coong. Ông động viên đồng bào bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm lúa, trồng thêm sắn, ngô, chăn nuôi trâu bò, lợn. Cùng với đó thường xuyên nghe đài nắm bắt, học tập kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... Và điều quan trọng là vận động dân bản cho con em đến trường học kiến thức để phục vụ bản làng mai sau.
Ông Hợp vinh dự nhiều lần nhận bằng khen từ cấp trung ương tới địa phương về những đóng góp cho địa phương và đồng bào Ma Coong.
Ông Đỗ Mạnh Tài, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch cho biết, ông Đinh Hợp là một đảng viên đồng bào luôn tận tâm, trách nhiệm với người dân và sự phát triển chung của cộng đồng. Ông giúp đỡ dân bản vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ hủ tục, bài trừ cái xấu. Đặc biệt, ông Đinh Hợp còn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, hiện đang có đàn bò lớn nhất xã. Ông vinh dự nhiều lần nhận bằng khen từ cấp trung ương tới địa phương về những đóng góp cho địa phương và đồng bào Ma Coong.
Viễn Phương
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-ma-coong-tu-viec-lo-cai-an-hang-ngay-nay-da-mua-o-to-xin-ve-ban-172240928120051109.htm