Nhiều doanh nghiệp bán lẻ khó khăn, kiến nghị bỏ độc quyền xăng dầu

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ khó khăn, kiến nghị bỏ độc quyền xăng dầu
6 giờ trướcBài gốc
Với tình hình chiến sự căng thẳng ở Trung Đông, Israel và Iran, cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraina, giá dầu trên thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo của năm 2024… giới chuyên môn lo ngại sẽ tái diễn lại những khó khăn cho thị trường xăng dầu trong nước.
Chiết khấu về sát "0 đồng"
Dù lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) liên tục nhấn mạnh nguồn cung được đảm bảo nếu không có gì đột biến nhìn từ sản lượng xăng dầu nhập khẩu và sản xuất theo kế hoạch, thế nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động, do bị thương nhân phân phối cắt giảm mạnh chiết khấu.
Phản ánh tới Báo Giao thông, một doanh nghiệp bán lẻ cho hệ thống PV Oil ở Sóc Trăng cho biết, tình trạng chiết khấu thấp diễn ra từ tuần trước và ngày càng sát về "0 đồng".
Một cây xăng ở TP.HCM đóng cửa. Ảnh: Hồng Hạnh.
Đơn cử, ngày 5/10, mức chiết khấu cho một lít xăng RON 95, xăng E5 RON 92 và dầu diesel lần lượt là 100 đồng, 50 đồng và 100 đồng; ngày 7/10, mức chiết khấu giảm xuống lần lượt là 70 đồng, 40 đồng và 70 đồng.
Nếu tính vận chuyển thì mỗi lít xăng, dầu bán ra, doanh nghiệp bán lẻ sẽ lỗ khoảng 250-300 đồng mỗi lít.
Tương tự, tại tỉnh Phú Yên, tình trạng chiết khấu thấp cũng lan rộng, ngưỡng trung bình 50-100 đồng cho một lít xăng dầu. Không những thế, sản lượng cũng bị hạn chế còn một nửa so với ngày thường.
Lo tái diễn bất ổn
"Khi có lời đầu mối giữ hàng, chiết khấu thấp, nhưng theo quy định, doanh nghiệp bán lẻ lúc nào cũng phải đảm bảo nguồn cùng. Tức là, hệ thống đang yêu cầu cam kết đủ hàng nhưng lại không cam kết thương nhân kinh doanh có lãi", một doanh nghiệp bán lẻ nói và bày tỏ: Thương nhân đầu mối nắm cuộc chơi, không cho chiết khấu họ cũng phải bán, nhưng lỗ quá thì đành đóng cửa hàng…
Đồng quan điểm, ông Giang Chấn Tây, một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Trà Vinh nói thẳng, chiết khấu là nguồn sống duy nhất của các doanh nghiệp bán lẻ. Khi tiếp tục bị cắt mỏng, mọi khó khăn sẽ bị đẩy xuống cho doanh nghiệp bán lẻ gánh chịu.
Trong khi, dự thảo nghị định xăng dầu còn nhiều tranh cãi, chưa thể xác định được thời gian để đưa vào thực tiễn, ông Tây cho rằng, hoạt động kinh doanh xăng dầu đang trong tình trạng chứa đựng nhiều khó khăn, bất cập.
Nhớ lại hình ảnh hàng dài người xếp hàng cả trưa nắng, hay tối khuya, thậm chí nhiều người dắt bộ hàng cây số tìm mua xăng…, vị này lo ngại: "Hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối đang xin giảm sản lượng nhập khẩu. Với tình hình nguồn cung giảm, giá thế giới tăng cao, thị trường xăng dầu có nguy cơ tái diễn hiện tượng đứt gãy, rối loạn như năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 vừa qua".
Thị trường xăng dầu năm 2022 "nóng" bởi nhiều cây xăng hạn chế bán hàng do lỗ nặng (Ảnh minh họa).
Cần xóa thế độc quyền của doanh nghiệp xăng dầu đầu mối
Nguyên nhân sâu xa của bất ổn là nguồn hàng và việc "bóp" chiết khấu, theo các doanh nghiệp, hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm trong nghị định xăng dầu đang được Bộ Công thương xây dựng và lấy ý kiến.
Ông Giang Chấn Tây góp ý, vấn đề cần giải quyết là làm sao tách các doanh nghiệp nhập khẩu (doanh nghiệp đầu mối) ra khỏi hệ thống cửa hàng bán lẻ của họ để các cửa hàng bán lẻ hạch toán độc lập. Giải quyết vấn đề như thế thì toàn bộ các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn lãnh thổ Việt Nam mới hoạt động bình đẳng.
Thực tế, từ nhiều năm qua trên thị trường có 1 doanh nghiệp siêu lớn chiếm tới 51% thị phần là Petrolimex, có đủ các quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, đặc biệt có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng.
Ngoài ra, 6 doanh nghiệp lớn cùng là thương nhân đầu mối đang chiếm 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ.
Sở dĩ cần làm điều này, theo ông Giang Chấn Tây, Bộ Công thương hiện nay đang thiết kế cho doanh nghiệp đầu mối quá nhiều quyền.
"Đầu mối là đơn vị duy nhất được tạo nguồn hàng từ nhập khẩu và mua hàng từ 2 lọc hóa dầu trong nước, rồi làm cả bán lẻ, rồi lại được giao quyền định đoạt giá bán lẻ… chẳng khác nào Bộ Công thương vừa 'giao quyền sinh, quyền sát' vào tay họ", ông Tây phân trân.
Việc giao quyền như trên, ông Tây cho rằng là vi phạm Luật Cạnh tranh vì các cửa hàng của doanh nghiệp bán lẻ luôn được ưu tiên bao bọc, còn các cửa hàng bán lẻ khác tự bơi.
"Việc này giống như là doanh nghiệp đầu mối vừa ra đề vừa chấm bài thi để xác định kết quả luôn", ông Tây nói và khẳng định, trên bình diện chung, một khi bị độc quyền, thì giá cả do nhà độc quyền định đoạt sẽ khiến nền kinh tế chịu thiệt hại rất lớn.
"Độc quyền sẽ khiến giá cả tăng cao làm thiệt hại cho cả nền kinh tế. Do đó, việc Bộ Công thương cần làm ngay và đưa vào Nghị định là không cho phép thương nhân đầu mối được bán lẻ.
Hệ thống bán lẻ thuộc thương nhân đầu mối phải tách thành các công ty độc lập về tài chính để đảm bảo minh bạch, Nhà nước không thất thoát thuế và lợi nhuận không bị chuyển tới chuyển lui lòng vòng khó kiểm soát. Thị trường sẽ cạnh tranh để phát triển tốt hơn", ông Giang Chấn Tây nhận định.
Luật Cạnh tranh 2024 nêu rõ, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần và/hoặc 5 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 85 thị phần trở lên sẽ trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Thương nhân phân phối cần được làm vai trò phân phối
Đồng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai cho rằng, dự thảo cần quy định các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo nhập khẩu và đầu mối nhập khẩu chỉ được bán cho các đơn vị thuộc sở hữu.
Để tạo thế cạnh tranh, các đầu mối lớn chỉ bán cho các đơn vị bán lẻ trong hệ thống, không được ký bán cho doanh nghiệp bán lẻ bên ngoài. Nếu muốn bán cho đơn vị ngoài hệ thống thì phải qua thương nhân phân phối để bán cho bán lẻ, nếu không sẽ có tình trạng chuyển giá.
Theo ông Phụng, việc Bộ Công thương cần làm chính là sắp xếp lại thị trường, rà soát và thanh lọc những doanh nghiệp đầu mối yếu kém, không đủ năng lực và các thương nhân phân phối sân sau của các doanh nghiệp đầu mối. Đây mới là vấn đề cốt lõi của việc ổn định nguồn cung xăng dầu.
Ông Phụng cũng cho rằng, cần cho các thương nhân phân phối được mua của nhau, được mua trực tiếp từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước. Khi đó sẽ đảm bảo được nguồn cung và chắc chắn không có tình trạng đứt gãy do các nhà máy nắm được cụ thể nhu cầu của các doanh nghiệp để chủ động sản xuất.
2 "ông lớn" Petrolimex và PV Oil hưởng lợi nhiều nhất
Đưa ra đánh giá về đề xuất chính trong dự thảo nghị định xăng dầu, Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI) cho rằng: Khi được thông qua, nghị định xăng dầu sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận của Petrolimex và PV Oil.
Theo Vietcap, việc chuyển sang cơ chế giá trần sẽ giúp biên lợi nhuận của Petrolimex và PV OIL được cải thiện đáng kể, tiệm cận với biên lợi nhuận của các công ty cùng ngành trong khu vực. Dự kiến, cả hai doanh nghiệp phân phối dầu khí sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ở mức 2 chữ số mỗi năm trong giai đoạn 2024-2028.
Hồng Hạnh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/nhieu-doanh-nghiep-ban-le-kho-khan-kien-nghi-bo-doc-quyen-xang-dau-192241008104912521.htm