Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội với chương trình nghị sự dày đặc các vấn đề quan trọng của đất nước.Ảnh: VGP
Ở một góc độ nào đó, cách phân bổ dung lượng như vậy cho thấy nhiều hạn chế vẫn chưa được giải quyết hiệu quả, và khó khăn với doanh nghiệp, người dân có vẻ sẽ nhiều hơn trong những tháng tới. Hoặc cũng có thể Ủy ban Kinh tế và Tài chính muốn đi sâu, làm rõ các thách thức hiện nay để Quốc hội thảo luận và tìm thêm giải pháp đưa đất nước phát triển.
“Trục trặc” ở ba động lực truyền thống
Trong số các thách thức hiện nay, nổi lên là tăng trưởng kinh tế quí 1-2025 không đạt kịch bản đề ra, gây áp lực không nhỏ lên hoạt động điều hành vĩ mô trong những quí còn lại của năm nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên. Với tốc độ tăng GDP quí 1 đạt 6,93%, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm theo kịch bản tích cực, bình quân các quí còn lại của năm phải tăng trưởng 8,4%.
Có thể cảm nhận rõ thách thức này khi nhìn sâu vào những động lực tăng trưởng truyền thống.
Trước hết là đầu tư công. Dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều giải pháp, tiến độ giải ngân vẫn chậm, chưa đạt được kỳ vọng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công đến ngày 31-3-2025 là 78.700 tỉ đồng, đạt 9,53% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024 (12,27%); 35 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, cho thấy điểm nghẽn không nằm ở tiền, mà nằm ở thể chế và con người. Sự chậm trễ này không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước, mà còn hạn chế vai trò dẫn dắt và lan tỏa của đầu tư công đối với các nguồn lực khác và các nguồn vốn xã hội.
Việc xây dựng một cơ chế rõ ràng để khu vực tư nhân tham gia các dự án đầu tư công là đòn bẩy quan trọng không chỉ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, mà còn tạo sinh khí mới cho nền kinh tế.
Ở trụ cột xuất khẩu, đà tăng trưởng cũng đang có dấu hiệu chững lại, đồng thời sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn lớn và mức độ tập trung thương mại cao hơn bao giờ hết. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quí 1-2025 đạt khoảng 102,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,6% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 16,8% của quí 1-2024. Khu vực kinh tế có vốn FDI chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đáng chú ý là triển vọng xuất khẩu thời gian tới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do khả năng bị Mỹ áp thuế và những tác động từ diễn biến khó lường của cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Thống kê cho thấy, vào năm 2015, ba thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam chỉ chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đến quí 1-2025 đã tăng lên 49%. Số liệu này đối với nhập khẩu tăng từ 55% lên 59% trong cùng giai đoạn. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất. Trong khi đó, cả hai nền kinh tế này đều đang chịu áp lực giảm nhập khẩu, điều này có thể cản trở khả năng gia tăng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Tiêu dùng nội địa - trụ đỡ cuối cùng - cũng chưa thể trở thành động lực đủ mạnh. Mức tăng 9,9% trong tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng quí 1-2025 chủ yếu nhờ du lịch và dịch vụ ăn uống phục hồi; trong khi đó, sức mua hàng hóa - thước đo phản ánh sát thực năng lực tiêu dùng hộ gia đình, chỉ tăng 5,6% sau khi loại trừ yếu tố giá, thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này phản ánh niềm tin tiêu dùng và thu nhập thực tế của người dân chưa phục hồi hoàn toàn.
Xây dựng cơ chế để tư nhân tham gia dự án đầu tư công
Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhận định “khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn”. Dù vậy, Chính phủ kiên định phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là tăng trưởng 8% trở lên, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, Chính phủ hướng đến tăng trưởng tín dụng trên 16%; giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công; hiện thực hóa mục tiêu cả nước có trên 3.000 ki lô mét đường bộ cao tốc và trên 1.000 ki lô mét đường bộ ven biển, thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau vào cuối năm nay.
Đồng thời, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục; hoàn thiện phương án và đàm phán thương mại hiệu quả với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cũng như xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…
Theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, tùy tình hình thực tế, Chính phủ cần các giải pháp điều hành phù hợp, bổ sung các giải pháp cụ thể cho từng nhiệm vụ, lĩnh vực để các chỉ tiêu tăng trưởng gia tăng tương ứng với mục tiêu đề ra. Trong đó, ủy ban này nhấn mạnh rằng, Chính phủ cần bám sát diễn biến tình hình thế giới, đặc biệt là động thái chính sách của các nền kinh tế lớn và sự thay đổi xu hướng toàn cầu hóa.
Đặc biệt, phải có giải pháp đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy động lực tăng trưởng mới. Trong đó, lưu ý đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, có giải pháp giải quyết thủ tục dự án, cơ chế để tư nhân tham gia dự án đầu tư công. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ, ngành, địa phương gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát tiến độ; xử lý triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công, bảo đảm giải ngân đạt 95% kế hoạch.
Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá để có ứng phó kịp thời, linh hoạt với các rủi ro có ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng chia sẻ - giảm lãi suất cho vay - để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nghiên cứu phương án để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến động do chính sách thuế quan của Mỹ.
Tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình năm 2025. Những gì được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp thứ 9 không chỉ là những con số hay chỉ tiêu tăng trưởng, mà còn là áp lực phải “vượt lên chính mình” trong bối cảnh thế giới đầy biến động và những trục trặc nội tại chưa được tháo gỡ triệt để. Khi ba động lực tăng trưởng truyền thống cùng lúc gặp khó, yêu cầu đặt ra không chỉ là điều hành linh hoạt, mà còn phải là những cải cách thực chất, đột phá về thể chế, hành chính, và huy động nguồn lực xã hội. Đặc biệt, việc xây dựng một cơ chế rõ ràng để khu vực tư nhân tham gia các dự án đầu tư công là đòn bẩy quan trọng không chỉ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, mà còn tạo sinh khí mới cho nền kinh tế.
Cẩm Hà