Niềm tự hào khi được sinh ra đúng ngày 30-4-1975

Niềm tự hào khi được sinh ra đúng ngày 30-4-1975
một giờ trướcBài gốc
Ngày 30-4-1975 là ngày đặc biệt khi đất nước thống nhất, Bắc – Nam nối liền một dải. Điều này lại càng trở nên đặc biệt, có ý nghĩa và đầy tự hào với những người được sinh ra vào thời khắc lịch sử ấy.
*****
Ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc phát triển kinh doanh của một kênh truyền hình mua sắm.
Ông NGUYỄN HÒA BÌNH, Giám đốc phát triển kinh doanh của một kênh truyền hình mua sắm:
Từ Thương xá Tax đến Lankmark 81 hùng vĩ
Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi nhiều lần được mẹ kể lại về khoảnh khắc tôi chào đời ngay trong sáng 30-4-1975 lịch sử khi đất nước chuẩn bị bước sang trang mới. Trải qua khoảnh khắc ấy, tên Nguyễn Hòa Bình của tôi cũng ra đời như một dấu mốc của hòa bình, thống nhất.
Còn nhớ, tuổi thơ của tôi gắn liền với những năm tháng đầy khó khăn của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng sau chiến tranh. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, gia đình tôi cũng trải qua những ngày tháng chật vật, tôi cũng đã nếm trải nhiều bữa cơm độn khoai mì, khoai lang và thậm chí cả việc ăn bo bo.
Có thể nói tôi cũng là người chứng kiến những đổi thay của TP.HCM từ sau giải phóng đến nay. Những năm 1990, TP.HCM bắt đầu có những chuyển biến rõ nét nhất. Trong đó, tôi nhớ nhất là sự thay đổi của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ tình trạng ô nhiễm nặng nề, nhờ các dự án cải tạo lớn, kênh đã được bê tông hóa, lắp đặt hệ thống lọc nước, và nay đã thành dòng kênh xanh, sạch, đẹp. Có thể nói, đây là biểu tượng mới của sự đổi thay rất tích cực ở TP.HCM.
Rồi như ngày xưa, đường sá ít ỏi, nhỏ hẹp thì bây giờ, TP.HCM đã xây dựng được hệ thống cầu vượt, hầm chui hiện đại, giao thông phát triển vượt bậc.
Tôi thấy rằng TP.HCM – khúc ruột của miền Nam – nơi tôi sinh ra, lớn lên đã thay đổi từng ngày, từng tháng. Tôi từng tự hào khi thấy trung tâm thương mại đơn sơ như Thương xá Tax là biểu tượng một thời của TP.HCM, nay đã vươn lên với những công trình mang tầm vóc khu vực như Bitexco Financial Tower, Landmark 81, hay tuyến metro số 1. Những công trình đó không chỉ làm thay đổi về diện mạo, mà còn thể hiện khát vọng vươn tầm của TP.HCM.
Theo sự phát triển của TP.HCM, tôi càng hiểu sâu sắc về giá trị lịch sử và trách nhiệm của bản thân khi may mắn được ra đời đúng vào ngày 30-4 lịch sử - ngày đất nước thống nhất, Bắc – Nam nối liền một dải.
TP.HCM sau 50 năm đã có những bước chuyển mình rực rỡ. Ảnh: THUẬN VĂN
TS NGUYỄN VĂN LONG GIANG, Trưởng khoa Cơ khí động lực, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM:
Tương lai của TP.HCM là năng lượng xanh, sạch
Tôi sinh ra vào đúng ngày 30-4-1975, thời khắc lịch sử khi đất nước thống nhất. Lúc đó, gia đình tôi đang sơ tán tại đảo Phú Quốc, xa TP.HCM hơn 500 km. Dù vậy, trong tôi luôn có một niềm tự hào rất đặc biệt mỗi khi nhắc đến TP.HCM – nơi đã khắc sâu trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt như một biểu tượng của sự kiên cường, năng động và tiên phong.
Tôi bén duyên với TP.HCM khi thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, theo đuổi ngành Cơ khí động lực – lĩnh vực mà tôi đam mê từ nhỏ. Cũng từ đó, hành trình hơn 32 năm gắn bó với TP.HCM bắt đầu, đánh dấu bằng những tháng năm học tập, làm việc và cống hiến cho TP này.
Những năm đầu đặt chân lên TP.HCM, tôi vẫn còn nhớ rõ diện mạo thành phố thời đó rất mộc mạc, đời sống người dân đơn giản, phương tiện di chuyển chủ yếu là xe đạp và xe buýt. Tuy nhiên, quá trình ấy, tôi đã được chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục của TP.
TP.HCM không ngừng xây dựng, chỉnh trang, mở rộng hạ tầng. Những khu đô thị mới, những tuyến đường lớn, những cây cầu nối liền các khu vực, tuyến Metro đầu tiên, cùng các dự án công nghiệp – công nghệ quy mô đang dần hình thành. Những thứ tưởng chừng như xa vời nay đã trở thành hiện thực, minh chứng cho một thành phố liên tục đổi mới, dám nghĩ, dám làm.
TS Nguyễn Văn Long Giang, Trưởng khoa Cơ khí động lực, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Tôi thấy mình may mắn khi là một nhân chứng cho những thay đổi đó – từ hình ảnh của một TP gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh đến một đô thị lớn, năng động, hiện đại như hôm nay. Mỗi công trình được xây dựng, mỗi chính sách đổi mới được ban hành, đều để lại trong tôi cảm xúc rất riêng…
Hiện nay, TP.HCM cùng cả nước đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với mục tiêu vươn tầm khu vực và quốc tế. Việc TP đang đề xuất sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu mở ra một cơ hội phát triển lớn, giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ lại nguồn lực, kết nối hạ tầng, đẩy mạnh chuỗi cung ứng vùng. Đây là bước đi mang tính chiến lược dài hạn, tạo nền tảng cho TP.HCM trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, tài chính – công nghệ đẳng cấp quốc tế trong tương lai.
Là người làm nghiên cứu khoa học, tôi rất vui khi thấy Trung ương và TP.HCM ngày càng chú trọng đầu tư cho khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, tôi cũng trăn trở rằng khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn vẫn còn khá xa. Chúng ta có rất nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có giá trị nhưng việc chuyển giao để trở thành sản phẩm cụ thể, ứng dụng được vào sản xuất, đời sống còn hạn chế.
Nếu không hiện thực hóa, thì đó là sự lãng phí chất xám, lãng phí cơ hội phát triển. Tôi hy vọng thành phố sẽ sớm có những cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp.
Với ngành Cơ khí động lực mà tôi cùng các em sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đang theo đuổi, chúng tôi xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới. Đây không chỉ là ngành “sửa chữa máy móc” như nhiều người vẫn hình dung, mà là trụ cột của các ngành công nghiệp hiện đại – từ ô tô, hàng không, chế tạo máy đến năng lượng tái tạo.
Chúng tôi đang hướng đến các phương pháp kỹ thuật đổi mới, gắn với các lĩnh vực TP.HCM đặc biệt cần phát triển như xe điện, năng lượng xanh – sạch, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Nhìn lại hành trình 50 năm kể từ ngày lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, tôi cảm thấy tự hào khi mình đã có thời gian dài đồng hành cùng sự phát triển không ngừng nghỉ của TP.HCM. Từ một người trẻ theo đuổi tri thức, nay trở thành một giảng viên, nhà nghiên cứu, tôi luôn tâm niệm phải sống và cống hiến xứng đáng với tinh thần ngày 30-4, với kỳ vọng của TP đã nuôi dưỡng tôi suốt hơn ba thập kỷ.
TP.HCM đang đứng trước cơ hội mới, mở rộng không gian phát triển, phân bổ lại nguồn lực, kết nối hạ tầng, đẩy mạnh chuỗi cung ứng vùng. Ảnh: THUẬN VĂN
TRẦN THỊ BÍCH PHƯỢNG, giáo viên môn Văn, Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn, TP.HCM):
Tương lai của TP.HCM là thế hệ trẻ hôm nay
13 giờ chiều 30-4-1975, tại huyện Hóc Môn, TP.HCM chào đón một công dân tên Trần Thị Bích Phượng – đó chính là tôi.
50 năm tưởng chừng rất dài nhưng giờ nhìn lại như một cái chớp mắt, tôi không ngờ mình đã chứng kiến bao đổi thay của quê hương “18 thôn vườn Trầu” nói riêng và TP.HCM nói chung. Có lẽ không gì thể hiện rõ hơn là sự thay đổi của ngành giáo dục, nơi tôi đã gắn bó suốt 50 năm cuộc đời.
Những con đường đất, những ngôi nhà tranh, vách đất, những mái trường giản dị… ngày nay được thay bằng những con đường bê tông kiên cố, công trình trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí nhộn nhịp, mở ra một tương lai mới cho con em chúng ta, thể hiện sự phát triển vượt bậc của đô thị hóa TP.HCM.
Phương pháp giáo dục truyền thống với giáo án, sách vở cũ được thay thế bằng những giáo án điện tử, trang thiết bị hiện đại, giúp các tiết dạy trở nên sinh động, thích thú hơn rất nhiều cho các em học sinh.
Bà Trần Thị Bích Phượng, giáo viên môn Văn, Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Điều khiến tôi cảm thấy vui mừng và tự hào nhất chính là những thay đổi trong chính sách giáo dục. Chương trình giảm học phí cho toàn bộ học sinh các cấp đã giúp cho nhiều em có cơ hội đến trường, động viên tinh thần học tập của toàn xã hội… Là người gắn bó với ngành giáo dục suốt 30 năm qua, tôi mong các em sẽ đến trường học với tinh thần hứng thú, say mê, mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui.
Nhìn lại 50 năm xây dựng, phát triển của đất nước, tôi thấy mình may mắn khi được sống trong một thời kỳ hòa bình và phát triển. Tôi càng thấy tự hào khi mình sinh ra vào ngày đặc biệt với đất nước nên tự nhủ phải sống như thế nào cho thật xứng đáng với sự đặc biệt ấy.
Chúng ta đang hướng đến kỷ nguyên mới, trong kỷ nguyên ấy, tôi chỉ mong tất cả mọi người dân đều sống một cuộc sống bình an, hạnh phúc, tất cả mọi trẻ em đều được đến trường, đều sống trong một ngôi trường hạnh phúc, gia đình hạnh phúc. Với thế hệ tuổi trẻ ngày càng giỏi, môi trường giáo dục ngày càng hiện đại, tôi tin rằng tương lai của TP.HCM, của đất nước sẽ còn rực rỡ hơn nữa.
LÊ THOA
BẢO PHƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/niem-tu-hao-khi-sinh-ra-dung-ngay-30-4-1975-post847379.html