Nông dân Hợp tác xã Phú Thọ vào cuộc mạnh mẽ với Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao

Nông dân Hợp tác xã Phú Thọ vào cuộc mạnh mẽ với Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao
5 giờ trướcBài gốc
Từ những hoài nghi ban đầu về kỹ thuật canh tác mới lạ, cánh đồng lúa tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cũ) đang dần “thay da đổi thịt”. Hai vụ mùa thành công rực rỡ trong khuôn khổ Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn thắp lên niềm tin vững chắc cho nhiều nông dân. Đây là minh chứng rõ nét cho một tương lai nông nghiệp bền vững, nơi lợi nhuận và môi trường cùng song hành.
Nông dân Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ phấn khởi khi mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Khi nông dân tin vào canh tác thông minh
HTX DVNN Phú Thọ từng là một trong những khu vực canh tác lúa trọng điểm của huyện Tam Nông cũ, nay đang vươn mình trở thành điểm sáng tiên phong trong việc triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ. Sau 2 vụ mùa canh tác đầy thử thách nhưng cũng tràn đầy hy vọng đã thôi thúc nông dân tại HTX DVNN Phú Thọ từng bước mở rộng diện tích ra toàn ô bao theo vụ mùa.
Đứng trước cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch, vàng ươm trĩu hạt, ông Nguyễn Ngọc Hà - xã viên HTX DVNN Phú Thọ không giấu được niềm vui và sự phấn khởi. Ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ: “Ngay khi được vận động, tôi đã mạnh dạn tham gia toàn bộ diện tích lúa của gia đình là 1,5ha. Ban đầu, việc thực hiện mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao không tránh khỏi những khó khăn và bỡ ngỡ. Bắt tay vào thực hiện tôi cũng lo ngại khi phải sạ thưa, giảm lượng lúa giống. Tuy nhiên, sau khi kết thúc vụ đông xuân, năng suất lúa trong mô hình không hề thua kém, thậm chí còn cao hơn so với lúa sản xuất ngoài mô hình. Gia đình tôi đã rất phấn khởi”.
Theo kinh nghiệm của nông dân tham gia mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại HTX DVNN Phú Thọ, quy trình canh tác lúa chất lượng cao không chỉ tối ưu hóa chi phí mà còn nâng cao năng suất rõ rệt. Nông dân thực hiện làm đất kỹ lưỡng theo quy trình, tiến hành bón phân lót trước khi xuống giống. Nhờ vậy, lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều giảm đáng kể. Cụ thể, số lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 5 lần xuống còn 2 lần do ít sâu bệnh hơn. Lượng phân bón cũng giảm từ 60kg xuống còn 40kg. Tổng cộng, nông dân giảm được gần 500.000 đồng cho mỗi công (1.000m²). Kết quả là năng suất cuối vụ vượt trội so với canh tác truyền thống. Sau vụ đông xuân năm 2025, nhiều nông dân HTX DVNN Phú Thọ không giấu được sự phấn khởi khi lợi nhuận đạt trên 3 triệu đồng/công. Đây là một con số ấn tượng, khẳng định hiệu quả kinh tế mà Đề án mang lại, khác biệt hoàn toàn so với canh tác truyền thống trước đây.
Thay đổi tư duy - Hướng đến gắn bó với sản xuất nông nghiệp bền vững
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của Đề án là việc thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, đặc biệt là trong việc quản lý rơm rạ và nước. Nông dân tại HTX DVNN Phú Thọ đã thực hiện tốt việc thu hết rơm rạ ra khỏi đồng ruộng. Điều này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn tạo thêm nguồn thu cho bà con thông qua việc bán rơm rạ.
Với lợi thế ô bao khép kín, hệ thống trạm bơm được đầu tư đồng bộ với 2 hệ thống bơm vào và 3 hệ thống bơm rút, việc canh tác ngập khô xen kẽ trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Kỹ thuật này giúp cây lúa cuối vụ luôn cứng cáp, không bị đổ ngã trong điều kiện mưa nhiều, đảm bảo năng suất.
Ông Nguyễn Văn Tương - xã viên HTX DVNN Phú Thọ, chia sẻ về những thay đổi trong nhận thức của nông dân tại HTX: “Ban đầu, nông dân nghe nói thực hiện mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao không được đốt rơm, nông dân trăn trở lắm. Thu hoạch vụ đông xuân, Tổ sản xuất của HTX phải theo dõi sát, sợ bà con tự ý đốt rơm nhưng tới vụ này thì mọi thứ dễ dàng hơn rồi. Bà con nông dân hiểu rõ lợi ích của việc không đốt rơm và rất hợp tác với HTX”.
Để đảm bảo sự thành công bền vững, HTX thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp của địa phương tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số cho bà con xã viên.
Anh Ngô Hồng Sơn - Đội trưởng Đội sản xuất, HTX DVNN Phú Thọ, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên tập huấn chuyển giao cho nông dân về các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mặc dù các cô chú lớn tuổi, nhưng tập huấn từng ngày sẽ sử dụng được tốt hơn, để canh tác hiệu quả không phải đi ra tới ruộng mà vẫn theo dõi, quan sát được sự phát triển của đồng ruộng”. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của HTX trong việc hiện đại hóa nông nghiệp.
Ông Mai Thanh Liêm - Giám đốc HTX DVNN Phú Thọ, chia sẻ thêm về sự lan tỏa mạnh mẽ của mô hình: “Từ chỗ ban đầu nhiều nông dân còn ngần ngại, sau 2 vụ triển khai thực hiện mô hình, nông dân ở HTX cảm thấy phấn khởi và xin tham gia mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao rất nhiều. Trong vụ đông xuân, chúng tôi triển khai được 50ha, vụ hè thu này là 50ha. Dự kiến vụ thu đông tới sẽ triển khai 100ha”.
Vượt qua những bỡ ngỡ và thử thách ban đầu, nông dân HTX DVNN Phú Thọ đã và đang cùng nhau xây dựng nên cánh đồng lúa nguyên liệu chất lượng cao, với giá thành giảm và sức cạnh tranh được nâng lên đáng kể, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp bao tiêu. Sự chuyển mình mạnh mẽ này không chỉ khẳng định hướng đi đúng đắn của Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp mà còn góp phần quan trọng vào việc đưa Đồng Tháp sớm thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho người nông dân.
Mỹ Lý
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/nong-nghiep/nong-dan-hop-tac-xa-phu-tho-vao-cuoc-manh-me-voi-de-an-1-trieu-hecta-lua-chat-luong-cao-132683.aspx