Trồng nông sản hữu cơ “thuận tự nhiên” vì sức khỏe con người và môi trường
Tại sự kiện “Nông sản quê nhà" do Hum tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên - CEO của Hương Đất, một người theo đuổi phương pháp canh tác rau củ quả hữu cơ 15 năm nay cho biết, nông sản hữu cơ và thuận tự nhiên dù rất khó làm nhưng rất đáng để phát triển vì bảo vệ sức khỏe con người và phát triển môi trường bền vững.
Bà Viên cho biết trồng hữu cơ thuận tự nhiên phải tuân thủ “6 không”: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc diệt cỏ; không trồng trên đất và nước ô nhiễm hóa chất nông nghiệp; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng giống biến đổi gen; không sử dụng chất bảo quản.
Các nông sản mùa xuân được trưng bày tinh tế như những tác phẩm nghệ thuật mở ra sự khám phá vẻ đẹp đầy sắc màu cùng sự trù phú của rau củ, hoa trái đặc trưng các vùng miền.
Đặc biệt, trong quá trình canh tác rau hữu cơ, chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh, phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên, phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cây sau khi đã thu hoạch trái, mùn cưa, vỏ quả cà phê, bã mía, phân gia súc…
Nếu làm đúng kỹ thuật, có thể tiết kiệm chi phí đầu tư; đất trồng nông sản hữu cơ khỏe hơn, hệ sinh thái bền vững nên các vi sinh vật có lợi phát triển, đất tơi xốp, cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Cuối cùng, phương pháp canh tác này cho ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao nên hương vị đậm đà, dinh dưỡng nhiều hơn.
Mỗi loại rau, quả đều có thời điểm sinh trưởng phù hợp và phát triển “thuận tự nhiên” một cách tốt nhất. Ví dụ: Mùa hè trồng dưa hấu, xoài, thanh long vì cần nhiều nắng; cà rốt, cần tây, bắp cải… phát triển vào mùa xuân mà không cần tác động bởi bất cứ thứ gì. Vào mùa, do điều kiện tự nhiên thuận lợi như: cây trồng hấp thụ đủ ánh sáng, nước, khoáng chất một cách tự nhiên nên chất lượng tốt hơn.
Các loại nông sản hữu cơ khắp 3 miền tại "Nông sản quê nhà - Xuân" nhằm tôn vinh những sản phẩm trồng hữu cơ, bảo vệ sức khỏe con người và phát triển môi trường bền vững
Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ cũng là bài toán khó và phải có sự đam mê, kiên nhẫn bởi cần nhiều công sức và thời gian; cây trồng phát triển chậm hơn do không dùng chất kích thích tăng tưởng, không diệt côn trùng bằng hóa chất; phải cải tạo đất thường xuyên. Và vì không dùng thuốc hóa học nên phải dựa vào thiên địch, luân canh và "thuận tự nhiên". Thế nên, chất lượng sản phẩm cao, giàu dinh dưỡng có hương vị đậm đà, nhiều chất xơ và vitamin; không có chất gây độc hại, không làm biến đổi gen và giúp cơ thể dễ hấp thụ chất dinh dưỡng hơn, giảm nguy cơ bệnh tật, bảo vệ sức khỏe con người.
Trái vả của Huế - Ảnh: K.N
Triết lý dân gian “mùa nào thức đó” của người Việt xưa
Câu "mùa nào thức đó" của ông bà xưa nhấn mạnh đến việc ăn uống theo mùa, thuận theo tự nhiên, nhất là trong nông nghiệp.
Ngày nay, với nền nông nghiệp phát triển, chúng ta có thể tìm thấy bất cứ loại trái cây gì: từ dưa hấu, sầu riêng, xoài… mà không cần theo mùa bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người.
Trong câu chuyện về “Dinh dưỡng thuận mùa” tại sự kiện “Nông sản quê nhà” nhằm đề cao giá trị của nông sản hữu cơ khắp mọi vùng miền Việt Nam, chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương nhắc đến triết lý dân gian “mùa nào thức đó” đơn giản mà sâu sắc, đã phản ánh nét văn hóa ẩm thực thuận theo tự nhiên của người Việt từ bao đời nay. "Các món ăn thuận mùa không chỉ mang vị ngon được chắt lọc từ thiên nhiên mà còn là những bài thuốc thuần lành cho sức khỏe”, bà Sương nhấn mạnh.
Hoa đậu xương, hay còn gọi là bông thiên lý núi, bông đậu rừng... một loài hoa ăn được ở vùng Tây Nam Bộ mà ít ai biết - Ảnh: K.N
Những món quà từ đất ấy được chắt chiu từ vẻ đẹp của hạt giống, của thời gian, của những bàn tay nhà nông chăm bón, để từng loại rau, từng trái chín đúng vụ, mang lại giá trị dinh dưỡng và hương vị tươi ngon nhất.
Tại sự kiện “Nông sản quê nhà” xuất hiện những loại nông sản mà có lẽ nhiều người lần đầu tiên được biết đến như: bông đậu xương Cần Giuộc, nấm hầu thủ Đắk Lắk, măng vầu Tây Bắc, rau mầm đá Sapa, ngó xuân miền Bắc, quả chay Thái Bình… Hoặc những “thức quà” thân quen được tuyển lựa kỹ lưỡng như: cà rốt non Đà Lạt, cam xoàn Đồng Tháp, củ sen Vĩnh Long, quả vả Huế, củ cải Đồng Văn, chuối tiêu - chuối Bà Hương, Huế…
Một món ăn được chế biến từ nấm hầu thủ Đắk Lắk
Tại đây, những nông sản sạch được chế biến, sáng tạo thành những món ngon như: Đậu bắp non Bến Tre kết hợp cùng cà na và lá é; nấm chân dài với mật hoa dừa Trà Vinh; bún đậu nưa với nấm hầu thủ và bần Cà Mau; nộm ngó xuân Lào Cai với bông đậu sương Cần Giuộc hay ngô nếp cổ Lạng Sơn với rau mầm đá Sapa…
Bài, ảnh: Nhật Hạ