Ông Trump ký lệnh tạo bước ngoặt lớn trong chính sách tài sản số và biến 'Mỹ thành thủ đô AI của thế giới'

Ông Trump ký lệnh tạo bước ngoặt lớn trong chính sách tài sản số và biến 'Mỹ thành thủ đô AI của thế giới'
9 giờ trướcBài gốc
Qua đó, ông thực hiện lời hứa nhanh chóng cải tổ chính sách tiền điện tử của Mỹ.
Lệnh được mong đợi này cũng yêu cầu bảo vệ các dịch vụ ngân hàng dành cho các công ty tiền điện tử, ám chỉ các tuyên bố từ ngành công nghiệp rằng các cơ quan quản lý của Mỹ chỉ đạo các ngân hàng ngừng cung cấp dịch vụ cho các công ty tiền điện tử. Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Mỹ phủ nhận.
Lệnh của ông Trump cũng cấm việc tạo ra các đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương ở Mỹ phát hành, nhằm tránh cạnh tranh với các loại tiền điện tử hiện có.
Trên con đường vận động tranh cử năm ngoái, ông Trump đã thu hút sự ủng hộ của cộng đồng tiền điện tử bằng cam kết trở thành "Tổng thống của tiền điện tử" và thúc đẩy việc áp dụng tài sản số. Điều này hoàn toàn trái ngược với các cơ quan quản lý dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, vốn đã mạnh tay đàn áp ngành công nghiệp này với lý do bảo vệ người dân Mỹ khỏi gian lận và rửa tiền, đồng thời kiện sàn giao dịch như Coinbase, Binance và nhiều công ty khác với cáo buộc vi phạm luật pháp Mỹ. Các công ty này phủ nhận những cáo buộc.
Lệnh từ ông Trump hôm 23.1 đã được ngành công nghiệp tiền điện tử hoan nghênh, sau khi họ nhiều lần thúc giục chính quyền mới gửi một tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.
“Lệnh hành pháp về tiền điện tử hôm nay đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách tài sản số của Mỹ. Bằng cách tiếp cận toàn diện về tiền điện tử, chính quyền đang thực hiện bước đầu quan trọng để đưa ra các quy định rõ ràng và nhất quán”, Nathan McCauley, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty tiền điện tử Anchorage Digital, nhận xét.
Nếu được các cơ quan quản lý liên quan thực hiện, lệnh của ông Trump có tiềm năng đưa tiền điện tử trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế chính thống, theo nhận định từ các chuyên gia về quy định và tiền điện tử.
Lệnh này được ông Trump ban hành sau thông báo hôm 21.1 từ Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) về việc thành lập một lực lượng chuyên trách để cải tổ chính sách tiền điện tử.
Giá Bitcoin đạt mức cao kỷ lục mới là 109.071 USD hôm 20.1, trong bối cảnh các nhà đầu tư phấn khích về chính quyền mới thân thiện với tiền điện tử, nhưng hiện giảm xuống khoảng 103.663 USD.
“Chỉ trong vài ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã thực hiện lời hứa của mình, giữ cho Mỹ là quốc gia dẫn đầu về đổi mới tài sản số”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tim Scott, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện, phát biểu trong một tuyên bố.
Ông Trump vừa ban hành thành lập một nhóm làm việc về tiền điện tử, được giao nhiệm vụ đề xuất các quy định mới về tài sản số và khám phá việc tạo ra kho dự trữ tiền điện tử quốc gia - Ảnh: Reuters
Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp đã tranh luận rằng các quy định hiện tại của Mỹ không phù hợp với tiền điện tử. Nhiều người kêu gọi Quốc hội Mỹ cũng như các cơ quan quản lý ban hành những quy định mới để làm rõ khi nào một token tiền điện tử là chứng khoán, hàng hóa hoặc thuộc loại khác.
Nhóm làm việc, gồm Bộ trưởng Tài chính, chủ tịch của SEC và Ủy ban Giao dịch Tài sản Tương lai (CFTC), cùng lãnh đạo các cơ quan khác, được giao nhiệm vụ phát triển khung pháp lý cho tài sản số, theo lệnh từ ông Trump. Điều đó bao gồm cả stablecoin, loại tiền điện tử thường được neo giá ngang đồng đô la Mỹ.
Nhóm cũng sẽ “đánh giá khả năng tạo ra và duy trì kho dự trữ tài sản số quốc gia, có thể được lấy từ các loại tiền điện tử bị chính phủ liên bang thu giữ hợp pháp thông qua các hoạt động thực thi pháp luật”.
Lệnh này không cung cấp thêm chi tiết về cách thiết lập kho dự trữ như vậy và các nhà phân tích cùng chuyên gia pháp lý có ý kiến trái chiều về việc liệu có cần một đạo luật của Quốc hội hay không. Một số người cho rằng kho dự trữ có thể được tạo ra thông qua Quỹ Bình ổn Trao đổi của Bộ Tài chính Mỹ, vốn có thể được sử dụng để mua hoặc bán ngoại tệ, và cũng để giữ Bitcoin.
Vào tháng 12.2024, ông Trump đã bổ nhiệm David Sacks (nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng và cựu giám đốc điều hành PayPal) phụ trách vị trí cố vấn về tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI) của Nhà Trắng. Theo lệnh mới từ ông Trump, David Sacks sẽ chủ trì nhóm làm việc.
Ông Trump chọn người phụ nữ gốc Việt lãnh đạo cơ quan kiểm soát tiền điện tử
Hôm 20.1, ông Trump đã bổ nhiệm bà Caroline D. Pham, người đang giữ chức ủy viên Ủy ban Giao dịch Tài sản Tương lai (CFTC), làm quyền Chủ tịch cơ quan này.
Các ủy viên CFTC sau đó tiến hành bỏ phiếu kín, bầu bà Pham làm quyền chủ tịch. Theo thông lệ, CFTC sẽ phê duyệt người được chính quyền mới lựa chọn cho vị trí quyền Chủ tịch.
CFTC là cơ quan chính phụ trách giám sát thị trường hoán đổi trị giá 400 nghìn tỷ USD của Mỹ. CFTC dự kiến nắm nhiều vai trò giám sát hơn khi chính quyền ông Trump bắt đầu cải tổ các quy định về tiền điện tử.
"Tôi rất vinh dự khi lãnh đạo CFTC với tư cách Quyền chủ tịch. Tôi mong được hợp tác với tất cả các bên, trong khi đang tập trung vào sứ mệnh của CFTC là thúc đẩy các thị trường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của Mỹ", bà Caroline D. Pham cho biết hôm 21.1.
Bà Caroline D. Pham được Tổng thống Trump bổ nhiệm là quyền Chủ tịch CFTC - Ảnh: Reuters
Bà Caroline D. Pham sẽ thay thế Chủ tịch Rostin Behnam, từ chức hôm 20.1 và sẽ rời cơ quan này vào ngày 7.2. Bà sẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo cho đến khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn Chủ tịch chính thức của CFTC.
Bà cũng nằm trong số ứng viên cho vị trí này, cùng với ủy viên Summer Mersinger và cựu ủy viên Brian Quintenz, lãnh đạo chính sách của a16z Crypto.
Bà Caroline D. Pham sinh ra và lớn lên ở bang California (Mỹ), tốt nghiệp cử nhân Đại học California (UCLA), có bằng tiến sĩ luật của Đại học George Washington. Bà có 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, luật, trong đó có hơn 10 năm trong lĩnh vực tiền điện tử, tài sản kỹ thuật số.
Bà Caroline D. Pham được ông Biden đề cử làm 1 trong 5 ủy viên của CFTC từ năm 2021. Trước đó, người phụ nữ gốc Việt này là Giám đốc điều hành Citigroup.
Kể từ khi làm ủy viên CFTC năm 2022, bà Caroline D. Pham ủng hộ xây dựng khung pháp lý, quy định rõ ràng hơn với các công ty tài sản kỹ thuật số, trong đó CFTC nắm vai trò quản lý chính.
Năm 2023, bà được CoinDesk vinh danh trong danh sách Những người ảnh hưởng nhất năm, sau khi thiết lập chương trình thí điểm thị trường tài sản kỹ thuật số của CFTC.
Ông Trump ra lệnh thực hiện kế hoạch hành động AI, xóa bỏ những nỗ lực của Biden
Hôm 23.1, Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp nhằm "biến nước Mỹ thành thủ đô AI của thế giới", trợ lý của ông nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.
Lệnh này đặt ra thời hạn 180 ngày cho kế hoạch hành động về AI nhằm tạo ra chính sách "duy trì và tăng cường sự thống trị về AI toàn cầu của Mỹ nhằm thúc đẩy sự phát triển của con người, khả năng cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia".
Ông Trump cũng yêu cầu cố vấn AI và trợ lý an ninh quốc gia của mình làm việc để xóa bỏ các chính sách và quy định do cựu Tổng thống Joe Biden đưa ra.
Hôm 20.1, Tổng thống Trump đã thu hồi lệnh hành pháp năm 2023 do ông Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà AI gây ra cho người tiêu dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
Lệnh của ông Biden yêu cầu các nhà phát triển hệ thống AI gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia, nền kinh tế, sức khỏe cộng đồng hoặc sự an toàn của Mỹ phải chia sẻ kết quả thử nghiệm an toàn với chính phủ, theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, trước khi công bố cho công chúng. Lệnh này cũng chỉ đạo các cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn cho thử nghiệm đó và giải quyết các rủi ro liên quan đến hóa chất, sinh học, phóng xạ, hạt nhân, an ninh mạng.
Ông Biden ban hành lệnh này sau khi các nhà làm luật Mỹ không thông qua được luật thiết lập các rào cản cho sự phát triển của AI.
Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa năm 2024 tuyên bố sẽ bãi bỏ lệnh mà họ cho là cản trở sự đổi mới của AI và nói thêm rằng: "Đảng Cộng hòa ủng hộ sự phát triển của AI bắt nguồn từ quyền tự do ngôn luận và sự phát triển của con người".
AI tạo sinh (có thể tạo ra văn bản, ảnh và video để phản hồi các lời nhắc) đã thúc đẩy sự phấn khích nhưng cũng gây lo ngại rằng nó có thể khiến một số công việc trở nên lỗi thời hoặc gây ra các hậu quả tiêu cực khác.
Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ dưới thời ông Biden đã ban hành các hạn chế mới với xuất khẩu chip và công nghệ AI toàn cầu, dẫn đến sự chỉ trích từ nhiều ngành công nghiệp, gồm cả các công ty như Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới).
Ông Biden đã ban hành một lệnh hành pháp riêng vào tuần trước để cung cấp hỗ trợ liên bang nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng lớn cho các trung tâm dữ liệu AI tiên tiến đang phát triển nhanh chóng, kêu gọi cho thuê các địa điểm liên bang do Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng sở hữu. Ông Trump đã không bãi bỏ lệnh đó.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/ong-trump-ky-lenh-tao-buoc-ngoat-lon-trong-chinh-sach-tai-san-so-va-bien-my-thanh-thu-do-ai-cua-the-gioi-228577.html