Phát triển kinh tế tư nhân: Quốc hội 'gỡ trói' thể chế, mở đường cho bứt phá

Phát triển kinh tế tư nhân: Quốc hội 'gỡ trói' thể chế, mở đường cho bứt phá
7 giờ trướcBài gốc
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Ngày 15/5, Quốc hội đã lắng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, khơi thông nguồn lực và tạo động lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân.
5 quan điểm cốt lõi
Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết. Ông nhấn mạnh mục tiêu then chốt của Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân."
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm cốt lõi. Thứ nhất là thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đảm bảo các chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 68-NQ/TW được chuyển hóa thành các quy định pháp luật có tính chất vượt trội, tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tư nhân, có thể triển khai, áp dụng, phát huy hiệu quả ngay trong thực tiễn.
Thứ hai là quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể.
Thứ ba là bám sát chỉ đạo, tuân thủ tinh thần Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và thẩm quyền lập quy theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết cấu trúc thành 7 Chương và 17 Điều, tập trung thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, có tác động lớn đến niềm tin và hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Thứ tư là quy định cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để huy động đa dạng hóa các nguồn lực và giải phóng nguồn lực xã hội, tập trung vào phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tiếp theo.
Cuối cùng là tính khả thi, đảm bảo chính sách pháp luật ban hành có tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật; tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi và phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thông tin về quá trình xây dựng Nghị quyết được thực hiện khẩn trương, bài bản với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.
"Ngay sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai một loạt công việc, từ việc lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đến tổ chức hội thảo, hội nghị tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội để thảo luận, c
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết cấu trúc thành 7 Chương và 17 Điều, tập trung thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, có tác động lớn đến niềm tin và hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Các nội dung được phân loại theo 5 nhóm chính sách lớn: Tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, giảm thiểu rủi ro và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh: Tháo gỡ những khó khăn về tiếp cận đất đai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô và nâng cao năng lực sản xuất; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, thông qua tăng cường khả năng tiếp cận vốn, giảm chi phí vay vốn và mở rộng cơ hội tham gia vào các gói thầu mua sắm công cho doanh nghiệp tư nhân; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, thông qua các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D, ứng dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong bằng việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh, trở thành những tập đoàn kinh tế tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Khẳng định tính cấp thiết
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi bày tỏ sự tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ông khẳng định việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng... về tháo gỡ 'điểm nghẽn' về thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh việc trình Quốc hội xem xét, quyết định Nghị quyết về cơ chế, chính sách vượt trội phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ cụ thể đã được Bộ Chính trị trực tiếp giao, là yêu cầu đặc biệt cấp thiết để góp phần thực hiện mục tiêu như Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đặt ra.
Để đảm bảo chất lượng dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã đưa ra nhiều góp ý chi tiết, tập trung vào các vấn đề. Về thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng được thông qua theo các nghị quyết, kết luận của Đảng và Bộ Chính trị.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68 tại dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Đối với phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68 tại dự thảo Nghị quyết đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết khác cùng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68 để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết này. Bên cạnh đó, Ủy ban đánh giá hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Ủy ban khẳng định nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và tính tương thích với điều ước quốc tế.
Đặc biệt về sự cần thiết, tính hợp lý của thủ tục hành chính, tính khả thi và nguồn lực, báo cáo đánh giá cao việc dự thảo Nghị quyết đề ra nguyên tắc, chính sách theo hướng thuận lợi hơn, áp dụng trình tự, thủ tục đơn giản hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh./.
Một số điểm nhấn quan trọng trong dự thảo Nghị quyết
Cải thiện môi trường kinh doanh:
Nguyên tắc thanh tra, kiểm tra: Số lần thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa, giảm thanh tra trực tiếp, miễn kiểm tra thực tế đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.
Nguyên tắc xử lý vi phạm: Phân định rõ trách nhiệm pháp nhân và cá nhân, trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự. Ưu tiên áp dụng biện pháp dân sự, kinh tế trước, không áp dụng hồi tố. bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội.
Giải quyết phá sản: Mở rộng trường hợp giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn, rút ngắn tối thiểu 30% thời gian so với thủ tục thông thường.
Hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất:
Hỗ trợ tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Các địa phương được sử dụng ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chủ đầu tư được hỗ trợ phải dành một phần diện tích cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê.
Hỗ trợ thuê tài sản công: Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng.
Hỗ trợ tài chính, tín dụng:
Hỗ trợ lãi suất: Doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn cho các dự án xanh, tuần hoàn, ESG.
Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mở rộng đối tượng và bổ sung chức năng cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo:
Chi phí R&D: Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với chi phí cho hoạt động R&D bằng 200% chi phí thực tế.
Quỹ phát triển khoa học công nghệ: Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp lớn, tiên phong:
Tham gia dự án trọng điểm: Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Chương trình hỗ trợ: Xây dựng và bố trí ngân sách triển khai chương trình hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-quoc-hoi-go-troi-the-che-mo-duong-cho-but-pha-post1038651.vnp