Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi làm việc với Hiệp hội Xuất nhập khẩu máy móc và sản phẩm điện tử Trung Quốc

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi làm việc với Hiệp hội Xuất nhập khẩu máy móc và sản phẩm điện tử Trung Quốc
3 giờ trướcBài gốc
Cùng tham gia chương trình làm việc có đồng chí Nguyễn Tiến Hiệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo thị xã Nghi Sơn, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh và Hiệp hội DN TP Thanh Hóa.
Toàn cảnh buổi làm việc của UBND tỉnh Thanh Hóa với CCCME.
Phát biểu chào mừng đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch CCCME Trịnh Siêu nói riêng và đoàn công tác nói chung đã dành sự quan tâm, tìm hiểu về tỉnh Thanh Hóa cũng như KKTNS.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu, giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển của KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã giới thiệu những nét cơ bản về lợi thế phát triển, tiềm năng của ngành công nghiệp Thanh Hóa, về KKTNS. Theo đó, ngoài hệ thống giao thông nội và ngoại vùng được đầu tư, kết nối hiện đại, KKTNS có lợi thế đặc biệt với hệ thống Cảng nước sâu đã được quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050 là cảng loại I và quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Tại đây, hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa và lân cận đã theo các hãng tàu quốc tế vận chuyển tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngoài KKTNS, trên địa bàn tỉnh còn có 19 KCN với diện tích hơn 6.809ha, có vị trí địa lý thuận lợi và chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Đến nay, KKTNS&CKCN thu hút được 730 dự án, trong đó có 656 dự án đầu tư trong nước và 74 dự án đầu tư nước ngoài.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi cho biết, một số KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch đa ngành nghề; rất phù hợp với thế mạnh của các DN CCCME đầu tư sản xuất. Điển hình như KCN số 3 được quy hoạch 274ha đang được tỉnh Thanh Hóa xúc tiến hoàn thiện hạ tầng. Đây là KCN có vị trí rất thuận lợi về tính kết nối vì nằm sát tuyến Quốc lộ 1A và tuyến đường Nghi Sơn - Bãi Trành, gần Cảng nước sâu Nghi Sơn... Trong quy hoạch phát triển, KCN này ưu tiên thu hút các dự án cơ khí, điện tử, công nghiệp lắp ráp...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn, CCCME sẽ là cầu nối trong việc giới thiệu các DN của hiệp hội hoạt động trên các lĩnh vực, như: Điện tử, thương mại điện tử, chế biến chế tạo; các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... có nghiên cứu, đầu tư vào KCN này nói riêng cũng như KKTNS.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch CCCME Trịnh Siêu trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu, chu đáo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch CCCME Trịnh Siêu phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch CCCME Trịnh Siêu cho biết, chuyến thăm và làm việc này của đoàn nhằm sớm hiện thực hóa lời hứa với tỉnh Thanh Hóa trong chuyến thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư mới đây tại Trung Quốc. Tại chương trình xúc tiến đầu tư do tỉnh Thanh Hóa tổ chức vừa qua, CCCME cũng như các DN trong hiệp hội đã có cơ hội được biết đến về tiềm năng, các lĩnh vực mà tỉnh Thanh Hóa mong muốn cơ hội kêu gọi đầu tư. Do đó, trong chuyến công tác này, mặc dù đoàn thực hiện nhiều chương trình làm việc tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam nhưng vẫn dành sự quan tâm và xác định chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa là trọng tâm.
Phó Chủ tịch CCCME Trịnh Siêu nhấn mạnh: Thông qua khảo sát thực địa và giới thiệu của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đoàn công tác đã có những thông tin toàn diện, làm sâu sắc hơn sự hiểu biết về môi trường đầu tư, cơ chế chính sách, đặc biệt là định hình một số lĩnh vực phù hợp, có khả năng phát triển kết nối hợp tác trong thời gian tới. Sau chuyến công tác này, CCCME sẽ giới thiệu, động viên các DN của hiệp hội tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và tiến tới làm việc cụ thể để có những kết quả cụ thể trong kết nối hợp tác, đầu tư tại Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi tặng hoa cho đoàn công tác của CCCME nhân dịp đến thăm tỉnh Thanh Hóa.
CCCME là tổ chức hiệp hội hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Thương mại Trung Quốc, với hơn 10.000 DN thành viên bao gồm nhiều ngành công nghiệp và các chuỗi cung ứng, đại diện cho toàn bộ ngành công nghiệp Trung Quốc.
Hiệp hội có vai trò trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại máy móc và điện tử của Trung Quốc, là cầu nối để kết nối đầu tư và hợp tác ra nước ngoài thông qua việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với hơn 130 phòng thương mại và hiệp hội thương mại quốc tế trên toàn thế giới; hơn 120 đại sứ quán nước ngoài tại Trung Quốc và hơn 60 khu công nghiệp ở nước ngoài.
Trong chuyến công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã giới thiệu với đoàn công tác của CCCME về một số dự án lớn tại KKTNS đang vận hành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi giới thiệu với CCCME về lợi thế của KCN số 3, KKTNS.
Theo đó, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến (10 bến container, 21 bến tổng hợp, còn lại là các bến và khu bến chuyên dụng), hiện có 21 bến đã đi vào hoạt động. Cảng Nghi Sơn có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 DWT - 100.000 DWT, với năng lực xếp dỡ hàng trăm triệu tấn/năm.
Hiện nay, Cảng Quốc tế Nghi Sơn đã thu hút được hãng tàu quốc tế khai thác thường xuyên, nối Nghi Sơn với nhiều cảng biển của châu Á, châu Âu. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn; theo đó, hỗ trợ 500 triệu đồng/chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế; hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet qua Cảng Nghi Sơn và mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi giới thiệu với CCCME về quy hoạch và lợi thế Cảng Nghi Sơn.
Đoàn công tác thăm và tìm hiểu về Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Đi vào vận hành thương mại năm 2018, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp khoảng 40% sản lượng xăng dầu cho thị trường nội địa.
Đoàn công tác thăm Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có công suất 1.200 MW.
Đoàn công tác cũng đi thăm Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, tổng mức đầu tư 9 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có công suất 1.200 MW, tạo ra sản lượng 7,8 tỷ kwh/năm, đóng góp gần 1.000 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa hàng năm; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 do Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn đầu tư đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, Hoa Kỳ... và nhiều thị trường khó tính khác.
Minh Hằng
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/pho-chu-tich-thuong-truc-ubnd-tinh-lam-viec-voi-hiep-hoi-xuat-nhap-khau-may-moc-va-san-pham-dien-tu-trung-quoc-227512.htm