Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) đã tăng cường tổ chức các buổi thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong ảnh: Thực hành chữa cháy tại chợ Thái (TP. Thái Nguyên).
Những tuần gần đây, số vụ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Tính riêng từ ngày 21-3 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy và 1 vụ nổ, làm chết 1 người, bị thương 1 người; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 500 triệu đồng và 17,75ha rừng các loại.
Điển hình như vụ nổ xảy ra vào ngày 21-3, tại một nhà trọ ở xóm Sơn Tiến, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên). Ngọn lửa kèm khói đen phát ra từ phòng trọ số 3, tầng 2 khiến 1 người bị mắc kẹt. Mặc dù sau đó, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an xã Quyết Thắng và quần chúng nhân dân đã phối hợp dập tắt đám cháy nhưng nạn nhân là anh D.Q.S (ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình) vẫn bị bỏng đến 55% diện tích cơ thể.
Tại nhiều chợ truyền thống, hệ thống điện đã cũ, xuống cấp khiến gia tăng nguy cơ cháy, nổ do chập điện.
Hay mới đây, vào trưa 23-3, hỏa hoạn đã khiến toàn bộ nhà kho rộng hơn 200m2 ở phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên) đổ sập, hàng trăm thiết bị điện máy bên trong cháy rụi.
Điều đáng nói là nguyên nhân của các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua phần lớn xuất phát từ lỗi chủ quan. Cụ thể, trong số 23/28 vụ cháy, nổ đã điều tra, có đến 15 vụ do chập điện; 3 vụ do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa. Còn lại do sự cố kỹ thuật, tự cháy và nguyên nhân khác.
Theo Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh): Trong số các vụ cháy do chập điện có cả nguyên nhân khách quan, song phần nhiều xuất phát từ ý thức của con người, từ thiết kế hệ thống, vận hành hệ thống. Ở nhiều cơ sở kinh doanh, các gia đình, hệ thống đường dây điện đã cũ kỹ, quá tải, các mối đấu nối dây không đúng kỹ thuật dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ. Bên cạnh đó, ý thức phòng ngừa, chấp hành các quy định pháp luật về PCCC của một bộ phận người dân còn hạn chế, việc chấp hành các quy định về an toàn hệ thống điện chưa được quan tâm.
Cán bộ làm công tác phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn người dân cách dùng bình cứu hỏa.
Trong những lần đi kiểm tra về an toàn PCCC, đoàn công tác của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, công an các địa phương đã chỉ ra nhiều lỗi của bà con trong sử dụng điện như: hệ thống điện câu mắc tùy tiện, vỏ dây dẫn điện đã lão hóa mất khả năng cách điện; thiết bị tiêu thụ điện chất lượng kém…
Ngoài ra, ở nhiều nơi, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác PCCC; có nơi còn chủ quan, chưa thường xuyên tự kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC của nhân viên hay chú trọng đến huấn luyện nghiệp vụ, thực tập chữa cháy trong các tình huống cháy đặc trưng tại cơ sở; chưa đầu tư đúng mức các phương tiện chữa cháy tại chỗ và thiếu kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thiết bị chữa cháy. Thêm nữa, trong nhiều cuộc tuyên truyền, thực hành kỹ năng chữa cháy và CNCH do cơ quan chức năng tổ chức, số người tham gia còn hạn chế.
Trước nguy cơ các vụ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cơ quan chức năng khuyến cáo các gia đình, cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra hệ thống điện sinh hoạt, thay mới những đường dây quá cũ và không đúng quy định, lắp đặt các hệ thống bảo đảm an toàn điện là rất cần thiết. Ở những khu vực tập trung nhiều hàng hóa dễ cháy như trung tâm thương mại, chợ, kho chứa hàng, cần thực hiện các quy định an toàn PCCC; niêm yết nội quy PCCC, treo biển cấm lửa tại những nơi dễ cháy; niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn; không lập bàn thờ, thắp hương, nến thờ cúng nơi công cộng; quy định nơi hút thuốc, có thùng đựng mẩu thuốc lá; không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng dầu, gas; lắp đặt hệ thống điện theo đúng quy định an toàn PCCC…
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) tăng cường tổ chức các buổi thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong ảnh: Thực hành chữa cháy tại chợ Thái (TP. Thái Nguyên).
Ngoài ra, nhằm phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), chính quyền địa phương cùng các đơn vị PCCC cần tập trung kiểm tra, thường xuyên nhắc nhở các cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân cẩn thận hơn nữa trong sử dụng điện; tổ chức bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy, nhất là ở các chợ, trung tâm thương mại; rà soát và luyện tập các phương án chữa cháy, cứu hộ phù hợp đặc điểm từng khu vực.
Cũng theo Thượng tá Phan Thanh Sơn: Giải pháp lâu dài, căn cơ và hiệu quả nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn là vận động quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy”. Qua đó nêu cao ý thức tự giác của mỗi người dân trong tham gia phòng, chống cháy, nổ; đồng thời nâng cao kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe và tài sản cho nhân dân.
Trong quý I/2025, các vụ cháy, nổ đã khiến 1 người chết. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 5,71ha rừng và một số tài sản khác trị giá gần 1,26 triệu đồng (3 vụ đang thống kê giá trị thiệt hại).
Mai An