Phụ nữ sáng tạo hòa cùng nhịp sống hiện đại

Phụ nữ sáng tạo hòa cùng nhịp sống hiện đại
8 giờ trướcBài gốc
Xóa nhòa khoảng cách địa lý ở vùng miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, hội viên, phụ nữ của tỉnh đang hòa nhịp mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số. Sự năng động, sáng tạo của chị em đã mang đến cơ hội phát triển bình đẳng, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu xã hội số tại địa phương.
“Chi hội số” là một mô hình tập hợp phụ nữ trên không gian mạng của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hoàng Su Phì, nhằm đảm bảo việc kết nối, nắm bắt tình hình hội viên đi lao động ngoài địa bàn. Sau một thời gian ngắn triển khai thí điểm tại Hội LHPN xã Thèn Chu Phìn vào đầu năm 2024, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực và được nhân rộng đến toàn bộ Hội LHPN các xã, thị trấn trong toàn huyện. Đến nay, 24 “Chi hội số” đã thu hút được tổng số 384 hội viên. Việc tổ chức sinh hoạt được thực hiện theo hình thức thường xuyên và định kỳ. Các nhóm Zalo đã nhận được hơn 4.000 lượt tương tác, trao đổi giữa chi hội trưởng với các hội viên; 27 câu chuyện tấm gương, bài học cảnh giác; 274 lượt văn bản về chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi của phụ nữ; 104 hội viên tìm được việc làm phù hợp qua nắm bắt các thông tin đăng tải. Ngoài ra, thông qua “Chi hội số” đã thành lập 17 nhóm chị em làm việc cùng công ty, nhà máy liên kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống và 1 nhóm liên kết xây dựng mô hình phát triển kinh tế giữa các hội viên trong chi hội.
Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Đồng chí Hoàng Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Phụ nữ đi làm công nhân ngoài tỉnh ngày càng tăng. Do vậy, hoạt động của “Chi hội số” là cách làm mới, sáng tạo để duy trì sỹ số hội viên phụ nữ nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Vì trình độ, nhận thức, kỹ năng xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số còn yếu, nên qua nhóm Zalo, chị em có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi sống xa nhà. Đây cũng là cách mà tổ chức Hội có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, hoàn cảnh của hội viên đi lao động xa quê hương để chị em luôn cảm nhận được sự quan tâm của các cấp Hội, tiếp thêm ý chí, nghị lực phấn đấu trong công việc. Sau gần 1 năm triển khai “Chi hội số” được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và một số nơi đã học tập kinh nghiệm, đưa mô hình vào thực tiễn hoạt động Hội hiện nay”.
Hòa mình cùng chuyển đổi số, các cấp Hội LHPN từ tỉnh đến xã đã xây dựng mạng lưới truyền thông rộng khắp trên Fanpage, Zalo, cổng thông tin điện tử của Hội. Qua đó, đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền, cung cấp đầy đủ mọi thông tin liên quan đến hội viên, phụ nữ. Từ đó, chị em có thể tiếp cận nhiều hơn với công nghệ số, các lĩnh vực của đời sống xã hội và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của Hội phát động. Đơn cử như việc thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”; xóa bỏ hủ tục lạc hậu; các vấn đề bình đẳng giới; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; quảng bá sản phẩm, livetream bán hàng, kinh doanh khởi nghiệp.
Phụ nữ thôn Yên Lập, xã Yên Thành (Quang Bình) nhân rộng mô hình trồng cây quế, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hoàng Thị Hương, thôn Yên Lập, xã Yên Thành (Quang Bình) chia sẻ: “Khi mạng viễn thông phủ sóng rộng khắp, những chiếc điện thoại thông minh không chỉ là phương tiện liên lạc, mà còn là công cụ giúp phụ nữ chủ động tìm hiểu các thông tin, phương pháp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giá cả thị trường. Trước kia, nhiều diện tích đất đồi, núi còn bỏ trống nhưng bây giờ gia đình tôi đã biết khai thác để trồng 3 ha quế. Ngoài ra, tôi còn trồng lạc, ngô và nuôi lợn đen bản địa. Thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/năm. Không chỉ riêng tôi, chị em trong thôn rất nhanh nhẹn, tháo vát, tự tin làm chủ cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ”.
Đồng chí Trần Thị Yến Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: “Dù còn những khó khăn do điều kiện đặc thù, vùng miền, song để hỗ trợ phụ nữ tham gia các nền tảng số, các cấp Hội tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong chương trình chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ phụ nữ là những người đi đầu tuyên truyền, hỗ trợ các hội viên cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng, tiện ích số như: Sổ tay đảng viên điện tử, sổ sức khỏe điện tử; định danh điện tử… Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ hội viên đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và phổ cập kỹ năng số cơ bản cho phụ nữ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động Hội”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/xa-hoi/202410/phu-nu-sang-tao-hoa-cung-nhip-song-hien-dai-28b5cd2/