Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của dân tộc trong giai đoạn mới

Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của dân tộc trong giai đoạn mới
8 giờ trướcBài gốc
Hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XIII - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên
Mục đích, nội dung rèn luyện bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng và là phẩm chất đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải “Trung thành thẳng thắn là lập trường vững vàng tin tưởng sâu sắc vì đã trung thành thẳng thắn thì bao giờ cũng đặt lợi ích chung của Đảng của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Vì Đảng, vì cách mạng, vì dân mà ra sức phấn đấu, dù phải hy sinh cả tính mệnh của mình cũng vui lòng”1.
Bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung là hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng, đó là vinh dự, trách nhiệm, sứ mệnh của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi vì, “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác… Phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là "tính Đảng”2.
Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, Người yêu cầu: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết cần đoàn kết hơn nữa. Mọi người hãy nêu cao chí khí phấn đấu, tinh thần cách mạng, không sợ gian khổ khó khăn, phát huy ý thức làm chủ tập thể, dám nghĩ, dám làm, hăng hái vươn lên làm tròn nhiệm vụ”3.
Để phát huy những thuận lợi, xây dựng đất nước, vượt qua mọi khó khăn, “sáng tạo nên những thành tích to lớn”, “phải vì lợi ích chung mà dốc lòng học tập những điểm tốt ấy để cải tiến công tác một cách thường xuyên”4 để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung là trong bất luận hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích chung của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, “Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”5. Luôn xung phong và sẵn sàng nhận, thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân “việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”6. Luôn lấy lợi ích của tập thể và quốc gia - dân tộc làm mục tiêu để tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác. Bởi vì “lợi ích nhỏ phải phục tùng ích lợi to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể”7.
Người chỉ rõ: “Chính vì đã sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản cao đẹp mà biết bao đảng viên cộng sản và quần chúng nhân dân đã trở thành anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ mẫu mực, tiêu biểu trên mặt trận sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trong chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong các ngành hoạt động khác. Họ không đòi danh, đòi lợi. Họ một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Họ là những đảng viên bình thường nhưng phẩm chất cách mạng của họ thật là cao quý. Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng ấy của giai cấp và của dân tộc”.
Để có bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung, trước hết mỗi người cần phải thấm nhuần, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phải “Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Chí công vô tư”8, “Dĩ công, vi thượng”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải dám chịu trách nhiệm với những quyết định của mình, kết quả công việc, lĩnh vực, ngành mà mình đảm trách, và dám nhận lỗi, sửa sai, chịu trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc và Nhân dân.
Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh các biểu hiện của “Chủ nghĩa cá nhân chỉ thấy lợi ích riêng của mình, không thấy lợi ích chung của tập thể. Về vật chất thì chỉ muốn hưởng thụ, công việc làm thì không dám xung phong”9 và các biểu hiện “tranh công, đổi lỗi”, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, “Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”10.
Biện pháp rèn luyện bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (năm 1958). Ảnh: Tư liệu
Thứ nhất, “phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái” của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao. Phải phát huy “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”11. Đồng thời, cần phải gạt bỏ những thái độ sai lầm như: thỏa mãn với thành tích bước đầu, bảo thủ, tự mãn với những kinh nghiệm đã có, có ít nhiều tri thức thì kiêu căng, coi khinh quần chúng, hoài nghi những sáng kiến bình thường của quần chúng; lười biếng, không tích cực học tập cái mới.
Thứ hai, có cơ chế khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để “cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng”12.
Để khuyến khích, động viên cán bộ hăng hái dám hành động để hướng đến mục tiêu chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn và thực hành “năm cách” đối với cán bộ, đó là: chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo và giúp đỡ13. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo; những biểu hiện làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm”. Người chỉ rõ, nếu cán bộ, đảng viên “nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”14.
Thứ ba, “mở rộng dân chủ” và “làm theo cách quần chúng”. Người khẳng định: “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân”, “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Vì thế, “phải phát triển quyền làm chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân”, “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân”, thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ tự do biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.
Theo Người, để cán bộ, đảng viên hiểu thấu và thực hành dân chủ phải đi đúng đường lối quần chúng nhưng “tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”. Do đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, “Phải đưa chính trị vào giữa nhân gian”15 để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thứ tư, ra sức thực hành “cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”16. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta có một vũ khí sắc bén để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh là tự phê bình và phê bình”17. Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, “Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí”18.
Thứ năm, phải “khéo kiểm soát”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi... Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”19. Công tác kiểm tra là một nội dung quan trọng được ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các khâu trong quy trình lãnh đạo của Đảng.
Lãnh đạo phải có kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Thông qua công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái trong Đảng; loại trừ các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng; nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; góp phần bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được xác định đúng đắn, kiểm nghiệm chính xác và được triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để trong thực tế. Và, qua đó, tạo ra cơ chế, khung khổ chính trị vững chắc để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám hành động vì mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng.
Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên
Đường lối đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hành động vì lợi ích chung của đất nước là kết quả quá trình tìm tòi, thử nghiệm, bám sát thực tiễn, vừa làm vừa tổng kết, phấn đấu gian khổ của Đảng và Nhân dân ta. Đường lối đó được hình thành dựa trên những thử nghiệm và quyết sách quan trọng trong đấu tranh giành giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những kinh nghiệm của gần 40 năm đổi mới đất nước.
Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, với ý chí tự lực tự cường, phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc và bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung, Đảng ta đã sáng suốt lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức hiểm nghèo làm nên những chiến thắng vẻ vang đi vào lịch sử của dân tộc và nhân loại như: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Đặc biệt, sau gần 40 năm đổi mới đất nước, với tinh thần và quyết tâm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung. Bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tôc của Nhân dân lên trên hết, trước hết là nguồn lực, động lực to lớn góp phần đưa đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có uy tín, đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” nhằm mục tiêu khơi dậy khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”20.
Đặc biệt, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, xác định nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung.
Quán triệt và thể chế hóa các quan điểm của Đảng, ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo Nghị định, cán bộ trong cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các doanh nghiệp nhà nước phải có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hành động vì lợi ích chung trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Nghị định đã quy định cụ thể về nguyên tắc, điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục đề xuất và phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo; chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và trách nhiệm của mỗi cán bộ, tổ chức, cơ quan trong đề xuất và thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, vì sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của đất nước, địa phương, đơn vị.
Giải pháp rèn luyện bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới
Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, toàn diện, thống nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích, nội dung, biện pháp rèn luyện cán bộ, đảng viên có bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, sáng tạo để nâng cao trình độ mọi mặt, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, sẵn sàng nhận và giải quyết công việc một cách thấu đáo, năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung của Đảng, của Nhân dân.
Rèn luyện phong cách làm việc có kế hoạch, thường xuyên tìm tòi, mạnh dạn đề xuất những ý kiến, sáng kiến hay, cách làm hiệu quả; không giáo điều, rập khuôn, máy móc; nâng cao năng lực sáng tạo và sức mạnh của tập thể để giải quyết nhanh, đúng, trúng, có hiệu quả mọi việc đáp ứng tốt yêu cầu và điều kiện thực tiễn đòi hỏi. Luôn có quyết tâm, bản lĩnh chính trị vững vàng để đương đầu với những hậu quả, thách thức phát sinh, góp phần xóa bỏ tình trạng trì trệ, lúng túng trong giải quyết công việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hai là, luôn đề cao trách nhiệm nêu gương về bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên cần làm gương trong công việc từ việc nhỏ đến việc lớn; từ việc học tập, rèn luyện, tu dưỡng cho đến việc làm trong thực tiễn, trong quan hệ với Nhân dân, luôn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng”. Phải luôn lấy “danh dự là điều thiêng liêng và cao quý nhất”; luôn liêm chính, không tư lợi, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đồng thời, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, các hiện tượng “an phận thủ thường”, “tư duy nhiệm kỳ”, “té nước theo mưa”, “tranh công, đổ lỗi”, trốn tránh trách nhiệm, chủ nghĩa cá nhân.
Ba là, thực hiện đúng các khâu, các bước trong công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ uy tín, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ là “then chốt của của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Thực hiện tốt các khâu, các bước trong công tác cán bộ không chỉ xây dựng được đội ngũ ngang tầm nhiệm vụ mà còn phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích và bảo vệ được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung, luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc, của Nhân dân và của tập thể lên trên hết, trước hết.
Do đó, cần ghi nhớ lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “đừng thấy đỏ tưởng chín”, “đừng nhìn gà, hóa quốc” trong đánh giá, xem xét cán bộ, nhất là đánh giá bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên. Mạnh dạn bố trí, bổ nhiệm cán bộ năng động, sáng tạo, dám hành động quyết liệt, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” vì lợi ích chung. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, có tư tưởng lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước để trục lợi, vụ lợi.
Bốn là, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, trong sáng, đoàn kết, đồng thuận ở cơ quan, đơn vị. Đây chính là “chất keo” kết dính, gắn bó tình cảm đồng chí, đồng nghiệp, chân thành, trung thực, tin tưởng nhau, tin tưởng vào tổ chức, vào lãnh đạo; thể hiện tinh thần công bằng, khách quan, dân chủ cơ sở được phát huy, mọi người được tôn trọng và đối xử bình đẳng, quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để cống hiến và phát triển về mọi mặt. Tạo động lực để khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo và bản lĩnh dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, thông qua môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, lành mạnh để sàng lọc cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tinh thần tập thể, không dám làm vì sợ sai hoặc suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Năm là, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Cấp ủy các cấp thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu và có quyết sách đúng đắn kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; bảo vệ khi cán bộ gặp rủi ro trong quá trình dám hành động vì lợi ích chung bị cản trở, gây khó khăn, vướng mắc. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, ý tưởng, cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung; phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những sai sót, vi phạm.
Kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời phát hiện, điều chuyển hoặc cho thôi chức vụ đối với cán bộ lợi dụng, “khoác áo lợi ích chung” để cấu kết, hình thành “lợi ích nhóm”, tạo điều kiện cho người thân trục lợi. Đồng thời, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung, các quan điểm xuyên tạc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích, bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 209.
2,5,7,10,11,12,13,14,15,16,18,19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 290 - 296, 284 - 335, 272, 636.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 285.
4,9,17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 527, 335.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 487.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 434.
20. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr. 226.
NGUYỄN ĐÌNH TƯƠNG - Tiến sĩ, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Nguồn Mặt Trận : http://tapchimattran.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich/quan-triet-va-van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-ban-linh-cua-nguoi-can-bo-dang-vien-dam-nghi-dam-lam-vi-loi-ich-chung-cua-dan-toc-trong-giai-doan-moi-58704.html