Sáng 12/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 47/98 điều nhằm tinh gọn bộ máy, tăng tính chủ động của địa phương và rút ngắn quy trình bầu cử.
Sáng 12/5/2025, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường. Ảnh: VPQH
Bỏ cấp huyện, tăng quyền cấp xã
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 11 theo hướng: “Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định. Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu”. Điều này bãi bỏ vai trò phê chuẩn từ cấp huyện, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, từng bước thực hiện mô hình chính quyền đô thị hai cấp.
Đáng chú ý, tại khoản 2 Điều 22, số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã được điều chỉnh từ “từ 9 đến 11 người” thành “từ 9 đến 15 người” để đáp ứng khối lượng công việc tăng lên sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Điều 24 được sửa đổi để bổ sung chức danh Thư ký trong Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử nhằm xác định rõ đầu mối chịu trách nhiệm trong công tác chuyên môn.
Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 36, Dự thảo bổ sung quy định xử lý trường hợp đặc biệt về chuyển hồ sơ ứng cử trong trường hợp cán bộ chuyển công tác sau khi đã nộp hồ sơ ứng cử. Hội đồng Bầu cử Quốc gia được giao hướng dẫn thủ tục thực hiện.
Tại khoản 6 Điều 4, quy định về thẩm quyền tổ chức bầu cử được làm rõ: Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội tại địa phương. Đồng thời, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng. Các Ban bầu cử, Tổ bầu cử thực hiện công tác bầu cử theo quy định.
Tại Điều 9, Dự thảo quy định rõ việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp xã. Trong đó, bảo đảm tỷ lệ nữ từ 35% trở lên và người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình từng địa phương. Đây là điểm kế thừa và phát triển các chủ trương về nâng cao vai trò phụ nữ và bình đẳng giới trong đời sống chính trị.
Cụ thể hóa quy trình tổ chức, tăng minh bạch
Dự thảo Luật cũng điều chỉnh, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 21, xác lập lại hệ thống Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử theo hướng loại bỏ khâu trung gian cấp huyện, giao quyền trực tiếp cho cấp xã và cấp tỉnh. Các nội dung như thành lập tổ bầu cử (Điều 25), tổ chức hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri, công bố danh sách người ứng cử, công bố kết quả, xử lý khiếu nại... đều được cụ thể hóa, đảm bảo tính chặt chẽ, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: VPQH
Một điểm đổi mới đáng chú ý nằm ở khoản 1 Điều 65 và toàn bộ Điều 66, khi Dự thảo cho phép tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Điều này giúp thích ứng tốt hơn với tình hình dịch bệnh, thiên tai hoặc những nơi vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp xúc hạn chế. Thành phần tham dự, nội dung chương trình, báo cáo kết quả sau tiếp xúc cũng được quy định rõ, thể hiện tính minh bạch, dân chủ trong vận động bầu cử.
Rút ngắn thời gian bầu cử gần 40 ngày
Điểm mới nổi bật là Dự thảo sửa đổi khoản 1 Điều 35, thay cụm “70 ngày” bằng “42 ngày”, qua đó rút ngắn đáng kể thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày bầu cử. Các mốc thời gian cụ thể được rút ngắn gồm: Hiệp thương lần 1: từ 65 ngày rút còn 40 ngày (khoản 1 Điều 43); Hiệp thương lần 2: từ 55 ngày rút còn 38 ngày (Điều 47); Hiệp thương lần 3: từ 35 ngày rút còn 23 ngày (khoản 1 Điều 48); Công bố danh sách chính thức người ứng cử: từ 25 ngày còn 17 ngày (khoản 4 Điều 57); Niêm yết danh sách đến ngày bầu cử: từ 20 ngày rút còn 16 ngày (khoản 7 Điều 57); Công bố kết quả bầu cử: từ 20 ngày còn 10 ngày (khoản 1 Điều 86); Giải quyết khiếu nại: từ 30 ngày còn 07 ngày (khoản 2 Điều 87).
Như vậy, tổng thời gian tổ chức bầu cử có thể rút ngắn gần 40 ngày, tạo thuận lợi cho việc sớm tổ chức kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới. Đồng thời, quá trình chuẩn bị bầu cử cũng sẽ linh hoạt hơn, giúp giảm áp lực cho các tổ chức phụ trách bầu cử tại địa phương.
Về tổ chức bầu cử lại hoặc bầu cử thêm, Điều 24 bổ sung nhiệm vụ cho Ban bầu cử trong việc tổ chức các cuộc bầu cử lại, bầu cử thêm khi có yêu cầu, đảm bảo không bị động trong các tình huống đặc biệt.
Một điểm mới về xử lý hồ sơ và tài liệu bầu cử là tại khoản 3 Điều 24, quy định rõ trách nhiệm chuyển hồ sơ từ Ban bầu cử về các cấp Ủy ban bầu cử, đồng thời yêu cầu lập biên bản xác định kết quả ở từng đơn vị bầu cử. Điều này đảm bảo tính kịp thời, minh bạch trong toàn bộ quy trình kiểm phiếu và công bố kết quả.
Cơ cấu đại biểu nữ, người dân tộc thiểu số được chú trọng, cụ thể hóa trong các điều khoản 8, 9 và 52, với yêu cầu danh sách người ứng cử phải đảm bảo tối thiểu 35% là phụ nữ và tỷ lệ người dân tộc thiểu số phù hợp đặc điểm từng địa phương. Đây là điểm tiến bộ, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách bình đẳng giới và nâng cao vai trò đại diện trong cơ quan dân cử.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử được trình theo quy trình rút gọn, dự kiến xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Nếu được thông qua, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, kịp thời phục vụ cho công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Hoàng Nhưỡng