Rà soát, bổ sung đầy đủ việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương

Rà soát, bổ sung đầy đủ việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương
5 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu dành sự quan tâm về các quy định phân cấp, phân quyền, bảo đảm trách nhiệm của chính quyền nhân dân các cấp tỉnh, cấp xã.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) quan tâm đến phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương tại khoản 4 Điều 11: “Trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã”.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI
Đại biểu cho rằng, việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương là rất quan trọng để UBND các cấp thấy rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, để chủ động trong thực thi nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Quy định như dự thảo luật chưa rõ những trường hợp nào là cần thiết để cấp trên chỉ đạo giải quyết những công việc của cấp dưới, dẫn đến sẽ không chủ động trong giải quyết công việc của cả cấp trên và cấp dưới. Hơn nữa, khi phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn để cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các xã, phường phải chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Đánh giá việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết trong tình hình hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) nêu, thực tế qua theo dõi thì đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ chủ trương này.
Đại biểu cũng cho biết, tới đây sẽ có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã; 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cho cấp tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ việc đảm bảo phân cấp Trung ương cho chính quyền địa phương và các cấp chính quyền địa phương; quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp...
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI
Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định cụ thể về thẩm quyền của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp, để đảm bảo chủ trương phân cấp, phân quyền, bảo đảm hợp lý quyền hạn của chính quyền địa phương tỉnh, xã. Đại biểu nhấn mạnh: Dự thảo luật cần đảm bảo chủ trương phân quyền hết sức mạnh mẽ, đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, nhưng đề xuất thêm quy định về trách nhiệm giải trình của chủ tịch UBND.
Góp ý ở góc độ khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc tinh gọn bộ máy đạt được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hay không, phụ thuộc rất lớn vào HĐND và chính quyền nhân dân cấp xã. Bởi theo mô hình mới, cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách và tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần tăng số lượng Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã cũng như đại biểu chuyên trách cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TRỌNG HẢI
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo luật. Các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, toàn diện, thực tiễn, xác đáng, để cùng tham gia vào một dự thảo có ý nghĩa của nền hành chính nhà nước.
Đây được coi là dấu mốc lịch sử của công tác lập pháp ở Việt Nam, một cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện mang tính kiến tạo sâu sắc, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới để đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
VŨ DUNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ra-soat-bo-sung-day-du-viec-phan-dinh-tham-quyen-cua-chinh-quyen-dia-phuong-828262