Rà soát kỹ lưỡng các nhóm chỉ tiêu, bảo đảm hiệu quả thực hiện chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2030

Rà soát kỹ lưỡng các nhóm chỉ tiêu, bảo đảm hiệu quả thực hiện chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2030
5 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Yên Bái, Quảng Trị, Bình Phước và Bình Thuận). Ảnh: Hạnh Nhung
Theo ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận), thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp, biện pháp rất quyết liệt để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn ma túy. Song, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tiếp xúc cử tri và nghiên cứu hồ sơ do Chính phủ trình, thì rõ ràng tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khiến nhân dân lo lắng, bức xúc.
Số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy còn cao với trên 224 nghìn người (chiếm 0,23% dân số cả nước); người nghiện ma túy cũng có ở mọi thành phần, đặc biệt là giới trẻ, lực lượng thanh thiếu niên, sinh viên… Do đó việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là hết sức cần thiết, cấp bách.
Cơ bản thống nhất mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu cụ thể của Chương trình, nhưng đại biểu Bố Thị Xuân Linh còn băn khoăn về tính khả thi, tính cấp thiết của một số mục tiêu, chỉ tiêu do Chính phủ đề xuất.
ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung
Để đạt được chỉ tiêu các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100% và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá…, đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, phân tích kỹ lưỡng về cơ sở xác định, tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu đề xuất, nhất là các chỉ tiêu đặt ra ở mức tuyệt đối.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng nêu rõ, các loại tội phạm liên quan đến ma túy thường rất liều lĩnh, manh động; trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn và đầy đủ hơn tới việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại cho cán bộ, chiến sĩ chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm ma túy.
Đại biểu đề nghị nâng chỉ tiêu tại điểm c khoản 1 Điều 2 từ 80% lên 100%. Theo đó, “100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Hải quan được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; 100% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy”.
ĐBQH Hồ Thị Minh (Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung
Đồng tình với sự cần thiết của chủ trương đầu tư Chương trình, ĐBQH Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nêu vấn đề, thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030. Trong đó, năm 2025 là thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình. Và giai đoạn 2026-2030 sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Tuy nhiên, thực tế chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ bước sang năm 2025, thì có bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2025 hay không? Nêu vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Minh đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, tránh chồng chéo với các Chương trình về công tác phòng, chống ma túy đang thực hiện, như Quyết định số 140/QĐ-TTg về Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên đến 2030; Quyết định số 100/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến 2020 và định hướng đến năm 2030…
Về nhóm mục tiêu cần đạt đến năm 2030, đại biểu Hồ Thị Minh đề nghị cân nhắc kỹ hơn về các chỉ tiêu đạt 100% để bảo đảm tính khả thi, vì những chỉ tiêu đề ra chúng ta đều mong muốn đạt được, nhưng trên thực tế có thể sẽ khó thực hiện do những yếu tố khách quan và chủ quan.
ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung
Cũng liên quan đến các chỉ tiêu cụ thể, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho biết, trong nhóm chỉ tiêu giảm cầu có chỉ tiêu: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc đạt trên 20%.
Thực tế hiện nay, theo báo cáo là 8.865/10.598 xã, phường có tệ nạn ma túy, chiếm 83,7%; số xã không có ma túy chỉ 16,3%. Trong khi nguồn vốn bố trí cho Chương trình khoảng 22.450 tỷ đồng và sau 5 năm sau chỉ tăng 3,7% số xã là chưa tương xứng với nguồn lực bỏ ra.
Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu nâng chỉ tiêu tỷ lệ xã phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc cao hơn 20%, đồng thời, đề nghị bổ sung chỉ tiêu số thôn, bản không có ma túy trên toàn quốc, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị.
Hạnh Nhung
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ra-soat-ky-luong-cac-nhom-chi-tieu-bao-dam-hieu-qua-thuc-hien-chuong-trinh-phong-chong-ma-tuy-den-nam-2030-post395789.html