'Sát thủ' âm thầm của người trẻ

'Sát thủ' âm thầm của người trẻ
11 giờ trướcBài gốc
Các bác sĩ Khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh Quảng Trị can thiệp tim mạch cho bệnh nhân - Ảnh: BVĐK TỈNH CUNG CẤP
Chị H.T.L. (30 tuổi), ở xã Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xuất hiện những cơn đau ngực âm ỉ sau quãng thời gian dài chịu áp lực bởi công việc. Mãi đến khi cơn đau thắt trở nên dữ dội hơn đi kèm với khó thở, chị mới được người thân đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh (BVĐK) tỉnh Quảng Trị để kiểm tra sức khỏe.
Quá trình thăm khám lâm sàng, nhận thấy điện tim có bất thường, bác sĩ chỉ định chị thực hiện thêm các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp dù trước đó chị L. không mắc bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác. Chị được các bác sĩ tại Khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh Quảng Trị can thiệp kịp thời, được điều trị, theo dõi tích cực cho đến khi xuất viện.
Tương tự, anh L.T.H. (35 tuổi), ở phường Đồng Hới nhập viện trong tình trạng ngất lịm đi, môi tím tái và được các bác sĩ tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới chẩn đoán bị sốc tim, nhồi máu cơ tim nặng.
Trong quá trình nằm điều trị tích cực tại đây, nhiều lần bệnh nhân bị ngừng thở, tim ngừng đập. Các bác sĩ đã tiến hành sốc điện và phát hiện người bệnh có nhịp tim trở lại. Sau khi tiến hành hội chẩn và chụp động mạch vành cho bệnh nhân, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị hẹp động mạch thân chung > 95%. Ngay lập tức, các bác sĩ đã quyết định nong, đặt stent động mạch vành và kịp thời cứu sống cho người bệnh.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân bị các căn bệnh liên quan đến tim mạch được cấp cứu kịp thời thời gian qua. Được biết trong những năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp nhận nhiều ca bệnh liên quan đến bệnh lý tim mạch, trong đó có không ít bệnh nhân dưới 40 tuổi, thậm chí dưới 30 tuổi.
Nhiều bệnh nhân bệnh diễn tiến rất nặng. Riêng tại Khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh Quảng Trị tiếp nhận khoảng 12% bệnh nhân mạch vành nhập viện dưới 45 tuổi; 7% - 8% bệnh nhân suy tim dưới 40 tuổi, trong đó có bệnh cơ tim giãn do bất thường về gen, bệnh tim thoái hóa bột, hoặc sau viêm cơ tim, nghiện rượu...
Tỉ lệ tăng huyết áp ở người 18 - 30 tuổi chiếm hơn 10% trong các chương trình tầm soát. Đáng lưu ý là các ca rối loạn nhịp do stress hoặc chất kích thích ở người trẻ cũng đang có chiều hướng gia tăng. Điều này cho thấy bệnh tim mạch không còn là vấn đề của người cao tuổi nữa mà đang có xu hướng trẻ hóa rõ rệt.
Theo thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 3 người trên 25 tuổi thì có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tỉ lệ này đang có xu hướng gia tăng ở nhóm người trẻ tuổi
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, bệnh lý tim mạch là một nhóm bệnh rất đa dạng, bao gồm trên 10 nhóm chính, được phân loại theo cơ chế bệnh sinh và giải phẫu học. Hoặc cũng có thể phân loại theo 2 nhóm chính là: Bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải.
Bệnh lý tim mắc phải thường gặp là tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, thiếu máu cơ tim do tổn thương động mạch vành, các bệnh lý về động mạch chủ hoặc động mạch ngoại biên. Bên cạnh đó còn có bệnh lý hở van tim, tim bẩm sinh. Các tình trạng như suy tim, rối loạn nhịp tim cũng là tình trạng phổ biến có thể gây ra tử vong do bệnh tim mạch.
Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường gặp trong trường hợp cấp cứu như nhồi máu cơ tim cấp, phình tắc động mạch chủ hoặc các trường hợp gây tắc mạch gồm đột quỵ não, tai biến mạch máu não, xuất huyết não. “Bệnh tim mạch thường được ví như “sát thủ thầm lặng” vì diễn biến âm thầm.
Người bệnh có thể cảm nhận đau thắt ngực, cảm giác bóp nghẹt vùng ngực trái hoặc lan ra tay, hàm; hồi hộp, đánh trống ngực bất thường. Ngoài ra, người bệnh xuất hiện cảm giác khó thở khi gắng sức, nằm đầu thấp; mệt mỏi kéo dài, giảm khả năng gắng sức; chóng mặt, ngất không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, một số bệnh không có triệu chứng cụ thể, chỉ khi kiểm tra sức khỏe mới phát hiện được. Điều này khiến người bệnh chủ quan trong điều trị và theo dõi tình trạng bệnh. Do bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên có nhiều biến chứng, tăng nguy cơ tử vong”, bác sĩ Thành nói.
Giải thích về nguyên nhân khiến bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa, Ths.Bs. Nguyễn Hữu Đức, Trưởng khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh Quảng Trị, Phó Tổng Thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam cho hay, do người trẻ thường xuyên gặp các vấn đề căng thẳng trong công việc, hay hút thuốc lá, bị béo phì, lạm dụng thực phẩm chế biến. Ngoài ra còn có yếu tố khác như mắc bệnh tiểu đường, thường xuyên sử dụng rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
“Đa số người trẻ quan niệm bệnh tim mạch chỉ gặp ở người lớn tuổi nên chủ quan, không quan tâm đến những yếu tố nguy cơ của bệnh, không tầm soát phát hiện bệnh sớm, khiến hiệu quả điều trị không cao và có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm”, bác sĩ Đức cho hay.
Cũng theo bác sĩ Đức, người trẻ cần thay đổi thói quen sống lành mạnh như: bỏ thuốc lá, vận động ít nhất 150 phút/tuần, ăn nhiều rau xanh, ít muối, hạn chế rượu bia. Kiểm soát tốt các bệnh nền và khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có tiền sử gia đình.
“Bệnh tim mạch không còn là bệnh của riêng người cao tuổi. Việc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và thay đổi lối sống từ trẻ tuổi sẽ quyết định chất lượng tim mạch cả đời. Ngành y tế và mỗi người dân cần hành động từ hôm nay để tránh gánh nặng bởi các biến cố tim mạch”, bác sĩ Đức nói.
Nam Phương
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/sat-thu-am-tham-cua-nguoi-tre-195721.htm