Sầu riêng Đắk Lắk được dán tem, sẵn sàng xuất khẩu.
Khi thị trường nhập khẩu càng yêu cầu khắt khe về chất lượng, người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang chú trọng chăm sóc vườn cây, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, ứng phó với biến động thị trường.
Kiểm soát chất lượng ngay từ vườn
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 40.000 ha sầu riêng, sản lượng dự kiến của mùa vụ năm nay khoảng 400.000 tấn. Chuẩn bị cho mùa vụ thu hoạch sầu riêng, nông dân Đắk Lắk đang “chạy nước rút” chăm sóc vườn cây nhằm tạo ra những trái sầu riêng chất lượng, mang lại vụ mùa bội thu.
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, phường Tân An trồng hơn 74 ha sầu riêng, trong đó có 14 ha chuyên canh. Năm nay, sầu riêng của hợp tác xã cho thu hoạch muộn hơn các năm trước khoảng 1 tháng, vào tầm tháng 9 thì thu hoạch rộ. Theo ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã, đây là giai đoạn quan trọng trong khâu chăm sóc để quyết định chất lượng trái sầu riêng. Do đó, thành viên hợp tác xã đang đầu tư chăm sóc tỉ mỉ, tạo thông thoáng cho gốc và thoát nước cho vườn cây để đề phòng trời mưa kéo dài. Nếu chăm sóc vườn cây tốt, chất lượng sản phẩm tốt thì sẽ không lo về đầu ra.
Vụ sầu riêng năm nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương có vùng trồng sầu riêng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo luôn duy trì các yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu. UBND các xã, phường phối hợp với cơ quan chuyên ngành kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, thu mua, chế biến sầu riêng. Các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, đóng gói sầu riêng phải tuân thủ những quy định về an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất cấm, hóa chất không có trong danh mục...
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, vấn đề ưu tiên hàng đầu trong ngành hàng sầu riêng của tỉnh hiện nay là quan tâm đến chất lượng. Sở đang triển khai nhiều giải pháp kiểm soát, quản lý chất lượng từ vườn trồng đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, Sở phối hợp với Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk họp bàn với các doanh nghiệp xuất khẩu để chủ động tìm giải pháp “nói không với chất cấm” trong ngành hàng cũng như tránh tình trạng “tranh mua, tranh bán”, thổi giá sầu riêng, sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định trong mùa vụ thu hoạch năm nay.
Hướng đến xuất khẩu “luồng xanh”
Chuẩn bị cho vụ thu hoạch sầu riêng, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Đắk Lắk đang thể hiện vai trò chủ lực trong việc nâng tầm chất lượng ngành hàng. Không chỉ tập trung mở rộng thị trường, nhiều đơn vị đã chủ động triển khai kiểm tra, phân tích tồn dư hóa chất, kim loại nặng tại vùng trồng để kịp thời xử lý, đồng thời bắt tay xây dựng chuỗi sầu riêng xuất khẩu an toàn, minh bạch và bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm chia sẻ, đơn vị sẽ triển khai lấy mẫu trái non và mẫu đất tại các hợp tác xã liên kết, sau đó phân tích và khoanh vùng các vùng trồng, các vườn nhiễm Cadimi để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Doanh nghiệp tham gia xây dựng “luồng xanh” xuất khẩu từ vùng nguyên liệu đến nhà máy. Đây là xu thế cũng là nền tảng để định vị, hoàn thiện, giúp ngành hàng sầu riêng phát triển theo một chuỗi bao gồm vùng trồng, nhà máy và thị trường...
Theo ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm, thị trường sầu riêng Việt Nam gần đây có sự sụt giảm về giá. Một số doanh nghiệp giảm sản lượng thu mua hoặc tạm ngưng thu mua là điều dễ hiểu vì sầu riêng Thái Lan thu hoạch rộ, giá bán rẻ. Tuy nhiên, Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm vẫn đang thu mua với sản lượng hơn 100 tấn sầu riêng/ngày (cao điểm 300 - 400 tấn/ngày). Để sầu riêng Đắk Lắk giữ được thị trường xuất khẩu ổn định cần thúc đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói vì các mã số này hiện đang còn ít so với diện tích, sản lượng hiện có.
Với vai trò kết nối và dẫn dắt ngành hàng, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đang tích cực phát huy chức năng điều phối giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu bền vững. Hiệp hội phát động phong trào “Chung tay xây dựng chuỗi sầu riêng xuất khẩu luồng xanh - Vì nền sầu riêng Việt an toàn và bền vững”. Mục tiêu xây dựng, nhân rộng ít nhất 15 chuỗi sản xuất - đóng gói - xuất khẩu “luồng xanh”.
Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk Lê Anh Trung cho biết, Hiệp hội đã phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã lấy mẫu, xác định vùng trồng của Đắk Lắk không nhiễm Cadimi để thực hiện thủ tục công bố vùng an toàn. Về chuỗi “luồng xanh”, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ đúng luật và chứng minh năng lực cung ứng, tài chính. Hiệp hội cũng tổ chức 3 lớp tập huấn cho khoảng 500 nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về kỹ thuật và quy định xuất khẩu.
Sự chủ động và hợp tác của các bên đang mang lại những tín hiệu lạc quan cho ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk trước mùa vụ thu hoạch. Đặc biệt, việc xây dựng, thực hiện các chuỗi liên kết bền vững với cam kết “lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro” thời điểm này càng quan trọng hơn bao giờ hết để sầu riêng Đắk Lắk khẳng định uy tín, phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)