Nghị quyết này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ và Quốc hội trong việc thúc đẩy các động lực phát triển mới, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư mạnh vào hạ tầng chiến lược và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức. Mục tiêu tăng trưởng 8% không chỉ đòi hỏi sự ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà còn cần các chính sách đột phá nhằm khơi thông nguồn lực, cải thiện hiệu quả đầu tư và nâng cao năng suất lao động.
Theo đó, Nghị quyết đưa ra các chỉ tiêu quan trọng như quy mô GDP năm 2025 vượt 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD, tốc độ tăng CPI bình quân 4,5-5%, đồng thời nhấn mạnh sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng và an ninh.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết xác định một loạt nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy cũ “không quản được thì cấm”, đồng thời đẩy mạnh phương pháp quản lý theo kết quả, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm giảm thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một loạt luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ sẽ được sửa đổi, hoàn thiện để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế số, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Cùng với cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng chiến lược là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững. Trong năm 2025, hàng loạt công trình trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Lạch Huyện sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Chính phủ cũng sẽ bổ sung 84.300 tỷ đồng từ ngân sách 2024 để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc, đường sắt, cảng biển. Đồng thời, với mục tiêu tăng tốc giải ngân đầu tư công lên 95% kế hoạch, Chính phủ sẽ áp dụng các cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có khả năng hấp thụ vốn cao.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố then chốt để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ cam kết cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, tháo gỡ ngay các điểm nghẽn của thị trường vốn, thị trường bất động sản, đồng thời nâng cấp thị trường chứng khoán để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới nâng hạng trong năm 2025.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy doanh nghiệp dân tộc vươn ra thị trường toàn cầu cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các tập đoàn công nghệ cao, triển khai cơ chế “luồng xanh” cho các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh.
Bên cạnh các động lực truyền thống, Nghị quyết cũng đặt ra các động lực tăng trưởng mới, trong đó có chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử, công nghiệp bán dẫn.
Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài, đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn. Đồng thời, việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh, khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, cùng với việc mở rộng các hiệp định thương mại tự do với Trung Đông, Thụy Sỹ, Na Uy, Phần Lan… sẽ giúp Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với lĩnh vực du lịch và tiêu dùng nội địa, Nghị quyết đặt mục tiêu đón 22-23 triệu khách quốc tế, 120-130 triệu khách nội địa, đồng thời mở rộng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước châu Âu, Trung Đông.
Thương mại điện tử, bán lẻ kỹ thuật số cũng sẽ là những mũi nhọn phát triển, với mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, đồng thời yêu cầu tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết, nâng cao trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, Quốc hội kêu gọi sự đồng lòng của toàn dân, doanh nghiệp và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cùng chung tay đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững.
Với chiến lược tổng thể và các giải pháp đồng bộ, Nghị quyết năm 2025 không chỉ đặt nền móng cho một năm tăng trưởng mạnh mẽ, mà còn tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển dài hạn, giúp Việt Nam vươn tầm trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới.
Trần Hương