Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm nhũng nhiễu, phiền hà để DN tư nhân phát triển

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm nhũng nhiễu, phiền hà để DN tư nhân phát triển
6 giờ trướcBài gốc
'Quá nhiều thủ tục, rất khó tiếp cận'
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Kim Yến thông tin, khi có Nghị quyết này, các doanh nghiệp rất vui mừng. Theo đại biểu, hiện rất cần những chính sách như thế này, đã thể hiện đúng tinh thần cái gì tư nhân làm được thì nhà nước không cần làm, vừa tạo việc làm cho người lao động, vừa thu được thuế cho nhà nước.
“Hiện có những bạn trẻ rất giỏi, có CEO, KOL kinh doanh trên mạng mà mỗi tháng kiếm cả trăm tỷ, giỏi hơn cả doanh nghiệp nhà nước, nên cần có chính sách tạo điều kiện để họ phát triển” - đại biểu đề nghị.
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, về nội dung cải thiện môi trường kinh doanh (Chương 2), theo đại biểu Trần Thị Kim Yến, nên sửa là: “Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”, mục đích là giảm những nhũng nhiễu, phiền hà, làm trong sạch môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ
Về nội dung Chương 3 quy định việc hỗ trợ đất đai, mặt bằng, đại biểu đánh giá đây là những nội dung doanh nghiệp tư nhân rất mong muốn được tiếp cận vì thời gian qua, để tiếp cận được hầu như “đếm trên đầu ngón tay”.
“Liên quan đến tài sản công thì anh em giải quyết rất ngại và doanh nghiệp tư nhân hầu như rất khó tiếp cận”-thẳng thắn chia sẻ, đại biểu nêu ví dụ về việc Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mới đây đã tiến hành khảo sát tài sản công trên địa bàn TP, thấy còn nhiều công trình bỏ hoang lãng phí nhiều năm, nếu để xây dựng trường học rất tốt nhưng hầu như không “đụng” đến được, việc sử dụng gần như 'đếm sao trên trời' vì quá nhiều thủ tục, đều rất khó tiếp cận.
Về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo luật quy định doanh nghiệp tư nhân được miễn 2 năm đầu và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo, đại biểu đề nghị cần có chính sách ưu đãi hơn.
Góp ý cụ thể vào quy định việc thanh kiểm tra doanh nghiệp tư nhân không quá 1 lần/1 năm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi, vậy quy định này có áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước không?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Đại biểu cho biết, dù rất đồng tình với việc không nên nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhưng nếu quy định mỗi năm chỉ được phép thanh tra 1 lần, dễ dẫn đến tình trạng 1 tháng có thanh tra thì tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, 11 tháng còn lại thì “thoải mái làm gì thì làm”. Trong khi mỗi lần thanh tra phải lên kế hoạch trước, rồi khi tìm đến được địa chỉ đăng ký thì cũng rất mất thời gian, dễ dẫn đến đối phó.
Nêu ví dụ về vụ “lòng se điếu”, đại biểu cho biết, để đối phó với cơ quan chức năng thì để “ăn chắc”, khi được hỏi có lòng se điếu không, quán nào cũng trả lời là không có, đã hết…
Đại biểu nhìn nhận, trong điều kiện hiện nay, khi thực hiện sắp xếp hành chính thành chính quyền 2 cấp, lực lượng thanh tra đã lược bỏ rất nhiều tại các cấp thì việc kiểm tra thực hiện pháp luật sẽ ngày càng khó khăn.
Theo đại biểu, mọi tổ chức, cá nhân đều phải bình đẳng trước pháp luật, sai thì phải chịu, chứ không phải khi bị thanh tra thì tìm cách “lách”. Đặt câu hỏi, có phải vì thanh tra mà kinh tế tư nhân không thể phát triển được hay không, đại biểu cho rằng, chúng ta nên tìm cách phát triển tư nhân bằng những cách như tạo điều kiện về vốn, về đầu ra cho sản phẩm,...
Đồng tình với ý kiến góp ý của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Trần Anh Tuấn cũng đề nghị, doanh nghiệp cần được quyền có cơ chế phản hồi, kể cả các phán quyết của tòa án, chứ mỗi khi doanh nghiệp đề nghị được làm rõ, được giải thích kết luận thanh tra thì rất lâu sau vẫn không được phản hồi, như phản ánh của nhiều doanh nghiệp.
Cần phải có nghị quyết xứng tầm
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức lại đánh giá, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân rất ngắn gọn, chưa thể hiện hết được tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân. Theo đại biểu, Nghị quyết 68-NQ/TW có tính đột phá, có mục tiêu rất lớn, nhằm tạo điều kiện để xây dựng được những tập đoàn kinh tế tư nhân mang tầm quốc tế như Toyota, Daewoo, Mitsubishi… Còn dự thảo Nghị quyết này của Quốc hội đang quy định những nội dung mà luật đã có rồi. “Vậy liệu Nghị quyết này của Quốc hội có thể giải quyết được không?”-đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức
Theo đại biểu, tất cả các bộ ngành cần ngồi lại với nhau để xem xét lại hệ thống pháp luật, xem xét lại tổng thể mọi lĩnh vực xem còn điểm nghẽn, rào cản gì, cần giải quyết thế nào…”Nếu chúng ta không có tổng kết về những điểm nghẽn, nghiên cứu kĩ thì Nghị quyết này chưa thể giải quyết được”-đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu cũng nêu một khái niệm mà báo chí phản ánh rất nhiều, đó là “doanh nghiệp ma”, tức là lập doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, mua bán hóa đơn, chuyển giá…Vì vậy, đại biểu cho rằng cần phải phân loại, quy định cụ thể, chặt chẽ, để các doanh nghiệp kiểu này không thể được hưởng lợi từ Nghị quyết.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đánh giá những quy định trong dự thảo Nghị quyết đều là những quy định pháp luật hiện hành, có những quy định chung với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, không phải quy định đặc thù, đặc biệt gì đối với kinh tế tư nhân.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, thời gian dự kiến thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp này rất ngắn, cho thấy nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ trong việc phối hợp làm sao đưa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vào cuộc sống nhanh nhất, trong bối cảnh chúng ta tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Chỉ ra vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đất nước, đồng thời cho biết, nếu khu vực kinh tế này không phát triển mạnh thì chúng ta không thể đạt tốc độ đề ra, đại biểu cho rằng, cần nhanh chóng đưa các Nghị quyết này vào cuộc sống.
Thanh Hòa
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/tin-chinh/tao-moi-truong-kinh-doanh-binh-dang-giam-nhung-nhieu-phien-ha-de-dn-tu-nhan-phat-trien_178047.html