Thấp thỏm đợi phương án tuyển sinh đại học năm 2025

Thấp thỏm đợi phương án tuyển sinh đại học năm 2025
3 giờ trướcBài gốc
Học sinh lớp 12 sốt ruột chờ phương án tuyển sinh đại học 2025
Hiện các nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học và ôn tập cho học sinh, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo yêu cầu mới. Thời điểm này, mối quan tâm của cả phụ huynh, học sinh là phương thức và tổ hợp tuyển sinh của các trường đại học sẽ thay đổi ra sao, khi năm đầu tiên có một số môn học tự chọn trở thành môn thi tốt nghiệp THPT.
Tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào giữa tháng 8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã đề nghị các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024 - 2025. Song hiện chỉ có một số cơ sở đào tạo đã chủ động công bố phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2025.
Mong ngóng về đề án tuyển sinh năm 2025, Trần Tùng Lâm - học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) băn khoăn, liệu các trường đại học có điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển so với những năm trước hay không. "Lúc đầu em muốn thi 2 môn mới với ý định xét tuyển đại học, nhưng do chưa biết những môn này sẽ có trong tổ hợp nào nên em định chuyển hướng sang học môn khác. Em mong các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh chính thức để chúng em biết rõ hơn về phương thức, chỉ tiêu cũng như các điều kiện cụ thể và cả tiêu chí phụ (nếu có), từ đó chủ động chuẩn bị để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của từng trường".
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Hà Nội.
Với vai trò là giáo viên dạy lớp 12, cô Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, đến thời điểm này, cả cô và trò đều lúng túng trong việc lựa chọn thêm 2 môn tự chọn bởi gần như chưa có thông tin gì về tổ hợp môn xét tuyển của nhiều trường đại học. Ngoài phù hợp với năng lực, sở thích, còn phải gắn liền với định hướng nghề nghiệp của các em để tăng hiệu quả trong xét tuyển sinh đại học.
Theo cô Dung, không ít học sinh có định hướng thi vào các ngành khối kỹ thuật hoặc y học và đã lựa chọn nhóm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học để đăng ký theo học từ lớp 10. Thế nhưng, với phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhóm này chỉ có thể chọn 1 trong 2 nhóm môn Vật lý, Hóa học hoặc Hóa học, Sinh học để đăng ký dự thi. Do chưa có phương án tuyển sinh năm 2025 của cơ sở giáo dục đại học nên giáo viên cũng loay hoay".
"Học sinh không nên lo lắng"
Về vấn đề này, ThS. Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, học sinh không nên lo lắng bởi mọi điều chỉnh (nếu có) sẽ không ngoài chương trình học và thi. "Tổ hợp xét tuyển tùy thuộc vào từng trường. Đơn cử, tại Trường ĐH Luật TP.HCM, phương thức tuyển sinh năm 2025 không khác nhiều so với năm 2024. Để thuận lợi hơn cho thí sinh, nhà trường dự kiến đưa ra nhiều tổ hợp hơn theo chương trình mới, tùy thuộc lựa chọn của học sinh".
TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết, công tác xét tuyển đại học của các trường hiện không thể tách rời với kỳ thi tốt nghiệp THPT (kết quả kỳ thi) và quá trình học THPT (kết quả học bạ). Do đó, năm 2025 kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới với sự thay đổi các môn thi (môn thi tự chọn) thì chắc chắn các tổ hợp xét tuyển của các trường phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Điều dễ nhận thấy là dù phương thức xét tuyển ổn định nhưng các tổ hợp xét tuyển mới sẽ tăng lên do phải bổ sung thêm các môn học của chương trình GDPT. Hiện các cơ sở đào tạo cũng đang chờ quy chế tuyển sinh đại học mới do Bộ GD&ĐT ban hành để chốt những điều chỉnh, thay đổi trong công tác tuyển sinh năm 2025.
Trường đại học nào đã công bố đề án tuyển sinh 2025?
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những trường đầu tiên công bố đề án tuyển sinh năm 2025. Nhà trường giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp của trường gồm 3 đối tượng: Nhóm 1: Thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế SAT/ACT; Nhóm 2: Thí sinh xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM; điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; Nhóm 3: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của môn Toán và 1 môn khác không phải tiếng Anh.
Đáng chú ý, năm 2025, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ dành 15% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, giảm 3% so với năm 2024. Trong khi đó, phương thức xét tuyển kết hợp tăng 3% chỉ tiêu so với năm ngoái. Đồng thời, nhà trường thông báo thêm, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường chỉ sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển là A00, A01, D01 và D07 thay vì 9 tổ hợp như năm ngoái.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ 50% (năm 2024) xuống còn dự kiến 40% trong năm 2025 để tăng chỉ tiêu cho các phương thức khác. Trường vẫn giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển là xét tuyển tài năng; xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy do Đại học này tổ chức và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, rất có thể nhà trường sẽ bổ sung một số tổ hợp xét tuyển để tuyển sinh thay vì chủ yếu dùng 2 tổ hợp A00 và A01 như hiện nay. Bởi nhà trường dự đoán, số lượng thí sinh lựa chọn 2 tổ hợp này năm nay giảm hoặc không cao.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành so với năm 2024: Y học cổ truyền (tăng 20%), Điều dưỡng (tăng 10%), Dược học (tăng 30%).
Về phương thức tuyển sinh, nhà trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển trong năm 2025 - tăng 3 phương thức so với năm ngoái. Các phương thức xét tuyển của trường: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Sử dụng phương thức khác
Một điểm mới nữa của năm 2025 là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch không áp dụng môn ngoại ngữ trong tiêu chí phụ khi xét đồng điểm như 2024 trở về trước.
Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi riêng cũng là xu hướng tuyển sinh năm 2025. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, các trường Công an... tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để lấy đó làm cơ sở xét tuyển.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thông báo sẽ tổ chức kỳ thi riêng trong năm 2025 và sẽ không sử dụng kết quả thi do các đơn vị khác tổ chức để xét tuyển đầu vào.
Theo quy định, học sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. 2 môn còn lại học sinh tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Công nghệ và Tin học
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/sot-ruot-cho-phuong-an-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-169241024213309476.htm