Nhiều chủng loại thép của Việt Nam bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu
Bộ Công Thương cho biết, cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số mặt hàng dây thép carbon và hợp kim thép nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Dựa trên số liệu từ nguồn Trademap, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2023 lần lượt đạt 1,6 triệu USD, 543 nghìn USD và 860 nghìn USD.
CBSA sẽ ban hành Bản tuyên bố lý do trong vòng 15 ngày (dự kiến vào ngày 7 tháng 5 năm 2025) để cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc điều tra. Dự kiến Kết luận sơ bộ vụ việc sẽ được ban hành trong vòng 90 ngày kể từ ngày khởi xướng (dự kiến vào ngày 21 tháng 7 năm 2025) và có thể áp dụng thuế tạm thời trong thời gian này.
Ngoài ra, Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) sẽ tiến hành điều tra về thiệt hại đối với ngành công nghiệp Canada và đưa ra Kết luận sơ bộ trong vòng 60 ngày kể từ ngày khởi xướng (dự kiến vào ngày 21 tháng 6 năm 2025). Nếu CITT kết luận không có thiệt hại theo quy định, việc điều tra sẽ được chấm dứt.
Trước đó, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) cũng đã ra thông báo Kết luận sơ bộ điều tra tự vệ đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim hoặc không hợp kim (Non-alloy and alloy steel flat products) nhập khẩu vào Ấn Độ.
Ngày 21 tháng 4 năm 2025, trên cơ sở đề xuất của DGTR, Cục Thuế - Bộ Tài chính Ấn Độ đã ban hành Quyết định số 01/2025-Hải quan (SG) về việc áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim nhập khẩu theo đúng như đề xuất của DGTR trong Kết luận sơ bộ.
DGTR cho rằng có sự gia tăng đột ngột, với số lượng đáng kể sản phẩm thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim nhập khẩu vào Ấn Độ; việc này đã gây tổn hại nghiêm trọng và có nguy cơ gây tổn hại đến ngành sản xuất trong nước; sự chậm trễ trong việc áp dụng biện pháp tự vệ sẽ gây ra thiệt hại khó có thể khắc phục. Do đó, cần thiết áp dụng thuế tự vệ tạm thời.
Thuế tự vệ này không áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam do thị phần nhập khẩu trên mức tối thiểu.
Thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời là 200 ngày (trừ khi được bác bỏ, sửa đổi) tính từ ngày 21 tháng 4 năm 2025 và mức thuế được tính bằng đồng Rupee Ấn Độ.
Mức thuế tự vệ tạm thời áp dụng là 12% đối với các mặt hàng thuộc mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7212, 7225, 7226.
Các sản phẩm thép bị áp dụng thuế là cuộn, tấm và bản thép cán nóng; Tấm thép cán nóng dạng tấm lớn; Cuộn và tấm thép cán nguội; Cuộn và tấm thép phủ kim loại (kể cả mạ kẽm, nhôm-kẽm, kẽm-nhôm-magiê); Cuộn và tấm thép phủ màu.
Căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp. Việc các thị trường có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu cũng được các chuyên gia và Bộ Công Thương cảnh báo từ lâu.
Việc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ khiến hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh hơn tại thị trường nước ngoài và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu.
Để ứng phó hiệu quả với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra của từng thị trường và xác định chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin cho thị trường nhập khẩu, tránh trường hợp như một số doanh nghiệp bất hợp tác đã bị áp các mức thuế rất cao.
Hà Linh