Theo dự thảo, công chức sẽ được xếp loại theo 4 mức, gồm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ. Đây là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức nhằm sàng lọc và đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đáng chú ý là, dự thảo đề xuất với trường hợp công chức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể xem xét điều chuyển công chức sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp sẽ bị buộc thôi việc. Như vậy, so với dự thảo gần nhất, đề xuất mới đã bỏ quy trình “theo dõi 6 tháng đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ” và cho phép xem xét xử lý ngay.
Điều này cho thấy sự quyết liệt, quyết tâm sàng lọc nhằm nâng tầm chất lượng cán bộ, công chức. Cũng thật dễ hiểu, bởi hiện nay đang tồn tại tư duy vào cơ quan Nhà nước là chắc chân, tờ quyết định biên chế đồng nghĩa công chức sẽ gắn bó với Nhà nước đến khi về hưu. Vì suy nghĩ ấy mà một bộ phận không hề nhỏ công chức làm việc cầm chừng theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối xách về”, không có sự đột phá, không chịu đổi mới sáng tạo. Thậm chí, có công chức còn thách thức cơ quan quản lý, không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên làm giảm sút chất lượng công việc chung, làm xấu xí hình ảnh cơ quan, đơn vị.
Việc đề xuất xếp loại cán bộ gắn với sử dụng cán bộ mà cơ quan soạn thảo đề xuất lần này là bước tiến rất đáng hoan nghênh nhằm xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời” và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các thay đổi này hướng tới việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại, quản lý công chức theo hướng minh bạch, bảo đảm sử dụng đúng người, đúng việc, sàng lọc những người không đáp ứng yêu cầu, để bộ máy ngày càng trở nên tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng việc đánh giá công chức sắp tới cần dựa trên kết quả và sản phẩm cụ thể, có bộ tiêu chí minh bạch, định lượng và ứng dụng công nghệ số để bảo đảm sự khách quan khi đánh giá. Có như vậy mới đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức một cách thực chất, sàng lọc đưa ra khỏi bộ máy những người không xứng đáng, phát huy cao nhất giá trị của luật.
Tuệ Minh