Thuốc AZT (hay zidovudine) là một loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị nhiễm HIV. AZT hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình sao chép của HIV, khiến virus không thể tạo ra các bản sao mới. Điều này giúp làm giảm lượng virus trong cơ thể và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh AIDS.
Bằng cách giảm tải cho hệ miễn dịch, AZT giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở người nhiễm HIV.
1. Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc AZT trị nhiễm HIV
Giống như nhiều loại thuốc khác, AZT cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ở người lớn và trẻ em tương tự như nhau. Tác dụng không mong muốn nghiêm trọng nhất gồm: Thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính và giảm bạch cầu. Ðôi khi xảy ra tổn thương cơ, rối loạn chuyển hóa lipid và nhiễm sắc tố móng khi dùng lâu dài. Các tác dụng phụ rất thường gặp khi dùng AZT như: Đau đầu, buồn nôn...
Các tác dụng phụ này có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người. Bạn nên thông báo cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc AZT.
Thực phẩm giàu sắt tốt cho người điều trị AZT bị thiếu máu.
2. Khắc phục thiếu máu ở người dùng thuốc AZT
Trong số các triệu chứng và tác dụng không mong muốn đã được nêu trên, nếu người bệnh xảy ra thiếu máu mức độ nhẹ và trung bình (hemoglobin 70 - 94g/l) cần bổ sung vi chất (vitamin B12, sắt, acid folic), không cần ngưng sử dụng thuốc. Kiểm tra xét nghiệm lại máu sau 1 và 3 tháng.
Nếu thiếu máu mức độ nặng hoặc đe dọa tính mạng (hemoglobin < 70g/l), phải truyền máu và bổ sung vi chất, đổi sang điều trị bằng thuốc khác.
Người bệnh cần chú trọng tới chế độ ăn, thay đổi thói quen ăn uống là biện pháp bổ sung dinh dưỡng, vi chất bền vững và an toàn nhất; đa dạng hóa thực đơn bằng cách kết hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn của mình.
Kết hợp bổ sung vi chất dưới dạng sản phẩm chức năng trong trường hợp thiếu vi chất nặng, chế độ ăn chưa hiệu quả theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
Người bệnh dùng AZT bị thiếu máu cần tránh dùng cà phê.
Trong ăn uống, người bệnh cần, tăng cường sử dụng nhóm thực phẩm cung cấp đạm có chứa nhiều sắt, acid folic và các vitamin, đặc biệt là vitamin B12 theo nhu cầu khuyến nghị (theo tuổi, giới).
Đạm động vật:
- Nhóm thịt: Nên lựa chọn các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt bê, thịt lợn… sử dụng 45 - 60g protein/ngày tương đương 200 - 300g thịt/ngày. Theo nguyên tắc chung, hãy chọn loại thịt nạc hơn, có chứa hàm lượng vitamin cao hơn.
- Nhóm nội tạng: Gan dự trữ lượng vitamin B12 nhiều nhất (gan lợn, gan bò, gan bê, tiết). Tuy nhiên, đây là nhóm thực phẩm không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là những người thừa cân, béo phì hoặc đang có vấn đề về mỡ máu.
- Nhóm thủy hải sản:Cá thu, cá hồi, cá mòi... giàu omega 3, vitamin B12 hoặc nhóm nhuyễn thể có vỏ (hàu, sò, ốc…), đảm bảo ăn 2 - 3 bữa thủy hải sản/tuần. Chỉ một nửa miếng phi lê cá hồi nấu chín, khoảng 150g chứa hơn 200% giá trị vitamin B12 hàng ngày.
- Trứng: Trong trứng có đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt trong lòng đỏ của trứng còn có chứa một lượng đáng kể sắt, canxi, kẽm, vitamin B12… Một tuần một người lớn nên ăn 2 - 3 quả trứng. Đối với người có cholesterol cao, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng trứng có thể ăn trong mỗi bữa.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…): Khi uống một ly sữa nguyên chất, bạn đã có thể bổ sung khoảng 46% nhu cầu vitamin B12 của cơ thể. Nếu là người bị dị ứng hoặc không dung nạp sữa có thể uống các loại sữa hạt thay thế sữa như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, sữa yến mạch hoặc sữa hạt điều...
Đạm thực vật (đậu, đỗ và các loại hạt): Đậu Hà Lan, đậu tương, lạc, hạt điều, hạnh nhân…
Nhóm rau, củ, quả:
- Nhóm rau lá màu xanh đậm: Họ cải như rau cải chân vịt (cải bó xôi), cải xoong, súp lơ xanh… Một ngày nên sử dụng từ 300 - 400g (tương đương với 1 bát con rau/bữa).
- Các loại quả chín, quả mọng: Cam, quýt, bưởi, cherry, dâu tây, nho, việt quất, lựu… chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt. Nên sử dụng từ 100 - 200g quả chín/ngày.
Người bệnh nên hạn chế sử dụng trà, cà phê vì có chứa tannin làm ức chế khả năng hấp thu sắt.
AZT không phải là thuốc chữa khỏi HIV mà là thuốc giúp kiểm soát virus và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Người bệnh không tự ý ngưng sử dụng thuốc, việc ngưng dùng thuốc đột ngột có thể khiến virus kháng thuốc và làm giảm hiệu quả điều trị.
Cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để có những lời khuyên về chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giảm các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
CNDD. Đỗ Thị Minh Anh