Sáng 5-5, tại phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo trước Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội những tháng đầu năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.
“Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát”- Thủ tướng nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại Kỳ họp 9, sáng 5-5. Ảnh: QH
Gỡ vướng cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỉ đồng
Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, trọng tâm.
Khái quát những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cho hay tăng trưởng GDP quý I-2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số .
Trong bốn tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỉ giá ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm…
Đáng chú ý, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
“Đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp” - Thủ tướng cho biết.
Chính phủ cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, người nước ngoài, chuyên gia nước ngoài.
Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
“Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 235 tỉ USD và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha”- Thủ tướng nói thêm.
Thủ tướng khẳng định nếu xử lý được sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện tình hình lãng phí rất tốt. Vừa qua rất quyết liệt, các bộ ngành, địa phương mạnh dạn chỉ ra dự án tồn đọng kéo dài; còn vướng mắc pháp lý và tổ chức thực hiện. "Đây là nguồn lực rất lớn, tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ”- ông nói thêm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: QH
Không tạo khoảng trống pháp lý
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỉ USD, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD…, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 11 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết mới đây của Trung ương, Bộ Chính trị. “Tổng Bí thư Tô Lâm nói đây là ‘bộ tứ chiến lược’. Trong vòng bốn tháng, chúng ta ban hành bốn nghị quyết, đó là sự nỗ lực rất lớn của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, các đồng chí trong Ban Bí thư và các đồng chí Trung ương” - theo Thủ tướng.
Thủ tướng cũng đề cập đến việc nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh.
Cùng với đó, tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, nhất là các cơ chế, chính sách Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới...
“Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính…”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và lưu ý tới việc giải quyết thủ tục hành chính không giới hạn bởi địa giới hành chính trong cấp tỉnh.
Ông cũng yêu cầu cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”.
Ông cũng yêu cầu hoàn thành việc rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30-6, bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý và đứt gãy các hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm “Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh”.
“Quan trọng nhất là chúng ta chuyển trạng thái từ thụ động giải quyết các vấn đề hành chính của người dân sang trạng thái tích cực, chủ động phục vụ Nhân dân và hướng đến cơ sở, tăng cường cho cơ sở”- Thủ tướng nói và nhấn mạnh “đây là cải cách mang tính cách mạng”.
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH
Triển khai hiệu quả phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém
Thủ tướng đề nghị rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt “không ngừng, không nghỉ”.
Song song với đó, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là các kết luận thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo…
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nêu năm bài học kinh nghiệm. Trong đó, ông nhấn mạnh việc tăng cường đoàn kết, thống nhất; không lùi bước trước khó khăn; kiên định mục tiêu đề ra nhưng với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
“Rút kinh nghiệm, đề xuất triển khai áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc các cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Nghị quyết 170/2024 của Quốc hội”- theo Thủ tướng.
Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính. “Triển khai hiệu quả các phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được phê duyệt” - Thủ tướng nói đồng thời yêu cầu tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân…
Ông lưu ý sớm ban hành chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học cơ bản, văn hóa, nghệ thuật với lãi suất ưu đãi và hạn mức vay phù hợp với học phí, chi phí sinh hoạt.
“Bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngay từ năm học 2025 – 2026” - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhắc đến mục tiêu tiếp tục đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chuyển từ công tác khám, chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân.
"Đây là việc làm khó nhưng nếu chúng ta làm tốt, tăng trưởng tốt thì có thể làm được với tốc độ thu ngân sách như hiện nay"- Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động trong năm 2025.
Đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư cao tốc
Chúng ta phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển.
Cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án quan trọng, động lực khác; phấn đấu đến cuối năm 2025 thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Hoàn thành thủ tục và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn Vinh - Thanh Thủy); cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và cảng Hòn Khoai…
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH
NHÓM PHÓNG VIÊN