Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Nêu rõ tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, khó lường, người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề "chúng ta có khả năng để làm, có tự tin để làm và có dám làm không" trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.
Thủ tướng nhắc lại, sau gần 40 năm Đổi mới, đi lên từ nghèo khó, đổ nát của chiến tranh, bị bao vây, cấm vận, từ "đáy giếng và chân tường", chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thủ tướng nhận định, qua đó, chúng ta thấy có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định chúng ta có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để tăng trưởng bứt phá. Ảnh: VGP
Về cách làm, Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm mới để tạo động lực phát triển mới, huy động nguồn lực từ nhân dân, vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp...
Sau khi phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo, điều hành.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Tăng trưởng kinh tế phải nhanh và bền vững, phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế phải hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, bao trùm, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân. Các bộ, ngành, địa phương phải khai thác hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Phát huy tính chủ động, tích cực, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
Nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; xử lý công việc có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô trương, hình thức. Không đầu tư dàn trải, dồn nguồn lực đầu tư công để tập trung cho các công trình, dự án lớn mang tính xương sống, xoay chuyển tình thế, thay đổi trạng thái.
Phát huy tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là đối với những vấn đề liên ngành, liên vùng; chủ động đề xuất giải pháp đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá" và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Bộ trưởng, trưởng ngành cần trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đề cao phương pháp quản lý theo kết quả, chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm".
Cần tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Phấn đấu vượt mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025. Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu…
Khẩn trương khởi động các dự án lớn, trọng điểm như điện hạt nhân, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khẩn trương hướng dẫn, tập trung triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các chính sách thí điểm mới, đột phá về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát; phát huy hiệu quả các quỹ khoa học công nghệ, khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc cho Việt Nam.
Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi (như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp internet, internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...).
Xây dựng cơ chế, chính sách khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm (xây dựng tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TPHCM và giữa sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành).
Khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án; sớm khơi thông nguồn lực của các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xử lý các vấn đề phát sinh cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đặc biệt là già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự biến động khó lường và rủi ro từ tình hình quốc tế, khu vực.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hướng tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, yêu cầu đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững có chất lượng, yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước trên 50%.
Bộ KH&CN đề nghị các địa phương đưa mục tiêu TFP đóng góp vào tăng trưởng GRDP chiếm 50-55%, từ đó có kế hoạch cụ thể kinh phí đầu tư đổi mới KHCN, triển khai các cơ chế, chính sách mới đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt trong đó có nội dung cho phép tính chi tiêu nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp (DN) được trừ vào chi phí tính thuế thay vì trước đây chỉ cho DN trích quỹ tối đa 10% lợi nhuận sau thuế (con số này nhỏ hơn nhiều tổng doanh thu của DN).
Với cơ chế mới này, DN có thể đầu tư nghiên cứu phát triển 10 thậm chí đến 20 lần, đặc biệt giai đoạn này, hỗ trợ tốt khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng công nghệ DN.
Trần Thường