Thủy sản là một trong những lĩnh vực bị tác động lớn bởi mức thuế mới của Mỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Rạng sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế tối thiểu và bổ sung lên 180 thị trường nhập khẩu. Trong đó, đối với riêng Việt Nam, mức thuế theo công bố là 46%, thuộc tốp cao thế giới. Chính sách thuế mới của Mỹ đã tạo ra thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam bởi các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Ấn Độ đang có lợi thế hơn nhờ vào mức thuế thấp hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã có những chia sẻ về việc triển khai các giải pháp kịp thời để ngành nông nghiệp vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu.
Vận dụng triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”
- Thưa Thứ trưởng, việc Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46% sẽ có những tác động như thế nào với ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nông lâm thủy sản?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản đi hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, năm 2024, Mỹ đạt kim ngạch 13,8 tỷ USD và là thị đứng đầu, tiếp theo là Trung Quốc với 13,6 tỷ USD xếp thứ hai. Cơ cấu này cho thấy những lợi thế của Việt Nam khi tham gia vào thị trường Mỹ.
Khi nông sản Việt Nam vào thị trường Mỹ đã phải đối mặt với rất nhiều rào cản như chống bán phá giá, yêu cầu tương đương tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua được những trở ngại này. Với mức thuế 46%, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, theo tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến,” chúng ta cần tập trung chỉ đạo sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng đồng thời giảm giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác.
Đương nhiên, trong quá trình tăng thuế, Việt Nam vẫn cần tiếp tục kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước của Mỹ để điều chỉnh. Mỹ hiện là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, vì vậy các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, được hưởng lợi từ mối quan hệ này.
Thông tin về mức thuế mới được công bố nên chiều nay (3/4), Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ lắng nghe phản ánh từ các hiệp hội, doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.
- Vậy mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu của ngành nông nghiệp có điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu không thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngày 1/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã họp về mục tiêu tăng trưởng 4% cho năm 2025. Hết quý I, ngành nông nghiệp đạt dự kiến 3,69%. Thông thường, quý II tăng trưởng cao hơn quý I và quý IV tăng trưởng cao hơn quý III. Do đó, mục tiêu tăng trưởng của quý I là 3,7% và chúng ta đã đạt xấp xỉ mức này.
Về xuất khẩu, năm nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường phấn đấu đạt 65 tỷ USD và đến hết quý I xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1%.
Nếu thị trường Mỹ bị tác động mạnh, chúng ta sẽ cần bàn giải pháp tổ chức thực hiện trong các ngành, lĩnh vực để xuất khẩu phấn đấu vẫn đạt mục tiêu 64-65 tỷ USD mà Chính phủ giao.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
- Xin Thứ trưởng cho biết ngành nông nghiệp cần tập trung vào những giải pháp gì ngay lúc này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành nông nghiệp cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Mỹ. Song với đó là mở rộng các thị trường khác để giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Ví dụ, Trung Quốc với 1,4 tỷ dân là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ hai và còn nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt, chúng ta cần tập trung vào các mặt hàng đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như sầu riêng đông lạnh, cá sấu, khỉ và nhiều sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản.
Ngoài Trung Quốc, thị trường châu Âu cũng chiếm tới 44% kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và cần tiếp tục phát triển thị trường này.
Như vậy, ngành nông nghiệp cần vừa tổ chức lại sản xuất, vừa ứng dụng công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57 để nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, giảm giá thành, đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ đồng thời mở rộng các thị trường tiềm năng khác.
Khơi thông "điểm nghẽn" để gia tăng giá trị
- Bên cạnh mở rộng thị trường, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nào sẽ có thể bứt phát để bù đắp vào những tác động của mức thuế đối ứng của Mỹ?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong cơ cấu xuất khẩu, giá trị xuất khẩu của lâm nghiệp là trên 17 tỷ USD, lúa gạo gần 6 tỷ USD, càphê phấn đấu đạt 6 tỷ USD. Năm ngoái, tổng kim ngạch thủy sản đạt 14,07 tỷ USD, năm nay dự kiến đạt 10,5 tỷ USD.
Cà phê năm nay giảm 28% về lượng nhưng tăng 26% về giá trị, phấn đấu đạt 6 tỷ USD. Cao su, hạt điều đều tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu gạo và sầu riêng có thể giảm, nhưng các "nút thắt" đang được tháo gỡ để hai ngành này tăng trưởng trở lại. Nhìn chung, các ngành hàng chủ lực đều duy trì mức tăng trưởng cao.
Ngành nông nghiệp cần mở rộng các thị trường khác để giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. (Ảnh: PV/Vietnam+)
- Thủy sản là lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc áp dụng mức thuế đối ứng mới, vậy theo Thứ trưởng ngành thủy sản cần triển khai giải pháp gì để vượt qua khó khăn này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 vào thị trường Mỹ đạt trên 300 triệu USD, còn lại là thị trường châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và các thị trường khác. Đối với các ngành hàng như cá tra và tôm đang là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và thị trường Mỹ, chúng ta cần đánh giá kỹ.
Hiện nay, tôm Việt Nam có sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn, đạt kim ngạch 4,3 tỷ USD. Cá tra đạt sản lượng 1,65 triệu tấn, giá trị trên 2 tỷ USD. Động lực mới cho hai ngành này cần được bàn thảo kỹ lưỡng để có thể cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador.Còn cá tra đã có lợi thế và cần phát huy thêm.
Trong quy mô xuất khẩu trên 300 triệu USD chúng ta phải “mổ xẻ” cặn kẽ, thứ nhất Mỹ vẫn cần công nhận sự tương đương về tiêu chuẩn của cá tra; thứ hai đối với tôm, hàng năm Mỹ kiểm tra an toàn thực phẩm của Việt Nam thì chúng ta vẫn đảm bảo được các tiêu chuẩn này; thứ ba là các lô hàng xuất khẩu cần hạn chế đến mức tối thiểu chỉ số kim loại nặng, vi sinh vật, kháng sinh… để duy trì sản lượng và giá trị.
Mỗi đối tượng xuất khẩu có "điểm nghẽn" riêng cần khơi thông bằng cách nâng cao năng lực, chủ động hội nhập, tăng sản lượng và giá trị, góp phần đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 64-65 tỷ USD vào năm 2025 và các năm tiếp theo.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(Vietnam+)