Thuốc dị ứng có an toàn khi dùng mỗi ngày?

Thuốc dị ứng có an toàn khi dùng mỗi ngày?
9 giờ trướcBài gốc
Có 2 loại thuốc trị dị ứng cơ bản là thuốc xịt mũi steroid và thuốc kháng histamine (có dạng viên uống, thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi).
1. Thuốc dị ứng nào an toàn để sử dụng hàng ngày?
Thuốc xịt mũi steroid cần được sử dụng hàng ngày để có hiệu quả, nhưng không nên sử dụng quá 3 tháng trong năm để điều trị dị ứng. Một số loại thuốc xịt mũi steroid như flonase (có thể mua không cần đơn) hay azelastine (cần phải có đơn thuốc).
Ngoài thuốc xịt mũi steroid, các loại thuốc dị ứng khác, như thuốc đối kháng thụ thể leukotriene, cũng an toàn khi dùng hàng ngày. Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene là thuốc theo toa được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn và dị ứng trong nhiều năm và có hồ sơ an toàn tốt, ngay cả sau khi sử dụng kéo dài.
Mặc dù các loại thuốc này được chỉ định sử dụng lâu dài, nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy montelukast (một thuốc đối kháng thụ thể leukotriene) có liên quan đến nguy cơ mắc các vấn đề về thần kinh và tâm thần tăng cao, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.
Thuốc xịt xịt mũi steroid và thuốc đối kháng thụ thể leukotriene như montelukast (singulair), là những loại thuốc dị ứng an toàn nhất để sử dụng lâu dài.
Ngoài ra còn có một số tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng steroid xịt mũi flonase, nasacort có thể làm tăng nguy cơ thủng vách ngăn mũi và chảy máu mũi. Bên cạnh đó, có mối liên hệ với tình trạng đục thủy tinh thể và bệnh tăng nhãn áp trở nên trầm trọng hơn khi dùng steroid xịt mũi. Vì vậy những người có vấn đề về mắt cần phải cẩn thận khi dùng. Việc sử dụng steroid đường mũi trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề về tăng trưởng ở trẻ em, mặc dù cần phải nghiên cứu thêm.
Nếu bạn bị dị ứng nặng và muốn dùng thuốc an toàn trong thời gian dài, nên trao đổi với bác sĩ để được dùng thuốc an toàn, thích hợp.
2. Những loại thuốc nào không an toàn để sử dụng hàng ngày?
Nhìn chung, thuốc kháng histamin đơn lẻ cũng như thuốc kháng histamin kết hợp với thuốc thông mũi không được khuyến khích sử dụng trong thời gian dài, cụ thể:
2.1 Thuốc kháng histamin đơn lẻ
Người bệnh không nên sử dụng thuốc kháng histamin hàng ngày vì có thể làm mất tác dụng điều trị nhanh chóng (nếu sử dụng kéo dài) và có thể trở nên phụ thuộc vào thuốc. Theo đó, thuốc kháng histamin chỉ nên được sử dụng khi cần thiết và chỉ khi các triệu chứng hắt hơi, ngứa và chảy nước mũi ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Thuốc kháng histamin được chia thành hai nhóm dựa trên tác dụng của chúng lên hệ thần kinh trung ương: Thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên (có tác dụng an thần) như benadryl, atarax và thuốc kháng histamin không an thần (thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai) như claritin, allegra…
Thuốc kháng histamin thế hệ đầu như benadryl do dễ dàng vượt qua hàng rào máu não, nên có xu hướng khiến người dùng buồn ngủ. Đối với một số thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên như diphenhydramine (benadryl), có mối liên hệ với nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ tăng lên khi sử dụng lâu dài. Nguy cơ này có thể tránh được bằng cách chuyển sang dùng thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai và thứ ba như cetirizine (zyrtec), levocetirizine (xyzal), loratadine (claritin), desloratadine (clarinex) và fexofenadine (allegra)… Thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai ít có khả năng vượt qua hàng rào máu não (hàng rào giữa các mạch máu não và mô não có chức năng ngăn ngừa các chất có hại đến não).
Trong khi tất cả các thuốc kháng histamin đều được dùng trong thời gian ngắn, thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai được coi là an toàn hơn thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất vì chúng ít có khả năng gây ra tác dụng phụ như an thần, khô miệng và kích ứng dạ dày. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên sử dụng thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai hàng ngày trong thời gian dài trừ khi bác sĩ chỉ định.
2.2 Thuốc kháng histamin kết hợp với thuốc thông mũi
Một số thuốc kháng histamin được kết hợp với thuốc thông mũi như pseudoephedrine trong một sản phẩm (ví dụ như claritin-D). Thuốc thông mũi có thể gây tăng huyết áp, hồi hộp, lo lắng và mất ngủ; có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn trở lại được gọi là viêm mũi do thuốc khi dùng hơn ba ngày trở lên.
Nếu bạn cần thông mũi, nên dùng thuốc thông mũi riêng với liều lượng thấp hơn nhiều so với liều lượng có trong hầu hết các thuốc kháng histamin có thành phần thông mũi.
Có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng dị ứng mà không cần dùng thuốc.
3. Những cách khác để kiểm soát các triệu chứng dị ứng
Có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng dị ứng mà không cần dùng thuốc. Một số biện pháp thay thế không dùng thuốc sau đây có thể kiểm soát các triệu chứng dị ứng hàng ngày:
- Đóng cửa sổ trong nhà và xe hơi để giảm thiểu tiếp xúc với phấn hoa.
- Kiểm tra lượng phấn hoa tại nơi ở hoặc địa phương trước khi ra khỏi nhà và lên kế hoạch ra đường (bên ngoài) khi lượng phấn hoa thấp hơn.
- Sử dụng bình xịt mũi nước muối hoặc rửa mũi thường xuyên để loại bỏ các chất gây dị ứng khỏi mũi.
- Làm sạch không khí bạn hít thở bằng máy lọc không khí hoạt động 24/7
- Làm ẩm không khí bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm…
- Hãy cân nhắc cởi bỏ quần áo và giày dép dính đầy phấn hoa trước khi vào sâu trong nhà.
- Giảm thiểu bụi bẩn tích tụ trong nhà bằng cách lựa chọn sàn gỗ cứng thay vì sàn thảm.
- Không cho vật nuôi vào phòng ngủ.
- Ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ để giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Mặc dù nhiều người có thể kiểm soát hiệu quả các triệu chứng dị ứng mà không cần dùng thuốc, nhưng những người bị dị ứng nghiêm trọng hơn có thể cần dùng thuốc. Nếu bạn đang vật lộn với các triệu chứng dị ứng và dường như không thể giảm bớt, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Bác sĩ có thể xác nhận tình trạng và thảo luận các chiến lược quản lý khác, có thể bao gồm thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như liệu pháp miễn dịch dị ứng.
DS. Nguyễn Phương Thu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/thuoc-di-ung-co-an-toan-khi-dung-moi-ngay-16925051922444111.htm