Thu hoạch sả trong mùa hạn mặn ở xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Ông Bùi Thái Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, cho biết nhằm ứng phó hạn mặn, nông dân địa phương chuyển đổi 3.780ha đất trồng lúa một vụ bấp bênh sang trồng sả, hình thành vùng chuyên canh sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang với sản lượng thu hoạch đạt trên 60.000 tấn sả thương phẩm mỗi năm.
Theo ông Bùi Thái Sơn, sả vừa là cây gia vị vừa là cây dược liệu, có ưu điểm thích nghi thổ nhưỡng vùng đất cù lao nhiễm mặn Tân Phú Đông, chịu hạn, dễ trồng, cho thu hoạch gần như quanh năm, năng suất cao, chi phí thấp trong khi lợi nhuận cao, đầu ra thuận lợi.
Thương lái thu mua bình quân 4.500-5.000 đồng/kg sả tại ruộng tùy theo thời điểm. Với giá này, mỗi ha sả đạt giá trị trên 100 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân còn lãi ròng khoảng 60 triệu đồng/ha, cao gấp từ 3-4 lần so với trồng lúa một vụ năng suất bấp bênh trước đây nên nông dân rất phấn khởi.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất vùng chuyên canh, huyện Tân Phú Đông đã đầu tư trên 15 tỷ đồng thi công nâng cấp gần 15.000m đê bao hoàn thiện dự án thủy lợi Phú Thạnh-Phú Đông; xây dựng mới 5 công trình cống, nạo vét 62 tuyến kênh, rạch nội đồng lấy nước tưới tiêu với chiều dài trên 95.000m và kinh phí trên 22,2 tỷ đồng.
Các công trình trên đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, ứng phó thiên tai hạn mặn, giảm nhẹ thiệt hại.
Nhờ vậy, đã góp phần bảo vệ tốt vùng trồng sả chuyên canh, ổn định cuộc sống người dân trong mùa khô hạn thời tiết rất khắc nghiệt trên đất cù lao nhiễm mặn.
Huyện Tân Phú Đông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông."
Đồng thời, địa phương quan tâm phát triển kinh tế hợp tác trên lĩnh vực trồng sả gắn liên kết tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh.
Tân Phú Đông hiện thành lập được 6 Hợp tác xã chuyên canh sả, 3 Tổ hợp tác trồng sả ở các xã trọng điểm cùng với hàng trăm cơ sở thu mua sả lớn nhỏ. Thời gian qua, mạng lưới trên đảm nhận tốt vai trò tiêu thụ, thu mua sả thương phẩm đưa đi tiêu thụ khắp các nơi trong ngoài tỉnh.
Các Hợp tác xã chuyên canh sả Phú Thạnh và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Đông còn chuyển giao quy trình canh tác VietGAP trên cây sả cho nông dân.
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Đông Dương Minh Sơn cho biết, hợp tác xã quy tụ 53 thành viên với diện tích canh tác 53ha.
Không chỉ tập hợp nông dân, chuyển giao kỹ thuật trồng sả theo quy trình VietGAP, Hợp tác xã còn thu mua, tiêu thụ sả thương phẩm cho bà con vùng trồng xã Phú Đông.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung ứng thị trường từ 200 - 300 tấn sả thương phẩm. Nhờ vậy, nông dân an tâm đầu tư thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng nông sản hàng hóa tốt tham gia thị trường.
Nông dân Võ Huỳnh Hà, cư ngụ tại ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông là thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Đông canh tác 2ha sả. Theo ông Hà, sả dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất nhiễm mặn nơi đây.
Sả trồng sau 5 tháng đã có thể thu hoạch; mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ đến 3 vụ; năng suất bình quân đạt 15-20 tấn/ha.
Với giá sả khoảng 4.500 đồng/kg, mỗi năm, trừ chi phí, ông Hà còn lãi ròng hàng trăm triệu đồng. Nhiều năm nay, nhờ vào cây sả, kinh tế gia đình ông Võ Huỳnh Hà có thu nhập ổn định, thu nhập khá, cất nhà cửa khang trang, dựng nên cơ nghiệp bền vững.
Ông Cao Minh Đức, trú tại ấp Lý Quàn 1, xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) là một điển hình làm giàu trên miền đất nhiễm mặn Tân Phú Đông nhờ chuyển đổi sang trồng sả trên nền đất lúa một vụ.
Trên diện tích đất ruộng hơn 1ha chuyển sang trồng sả cho thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng 22 tấn; với giá bán bình quân 5.000 đồng/kg, thu khoảng 100 triệu đồng/vụ từ nguồn lợi sả chuyên canh.
Theo ông Đức, đưa cây sả xuống chân ruộng trên vùng đất cù lao nhằm hưởng ứng phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp, ứng phó với biến đổi khí hậu là hướng đi phù hợp giúp nông dân Tân Phú Đông tạo dựng cơ nghiệp, nông thôn đổi mới, ngày càng thịnh vượng và giàu đẹp./.
(TTXVN/Vietnam+)