Tình mẹ trong tim người lính

Tình mẹ trong tim người lính
4 giờ trướcBài gốc
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê đến thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuân.
Giờ đây, trong căn nhà nhỏ nép mình giữa đại ngàn, họ sống cùng ký ức, sống giữa tình yêu thương của những người lính hôm nay – những người con Biên phòng luôn bên mẹ, như chưa từng có một khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, giữa máu xương và lòng tri ân.
Căn nhà nhỏ nằm trên con đường thôn 8, xã Ia Rvê, tỉnh Đắk Lắk, là nơi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuân sống lặng lẽ suốt mấy mươi năm qua. Từng tiễn chồng ra trận rồi nhận lại tờ giấy báo tử, chưa kịp nguôi ngoai, mẹ tiếp tục nhận thêm tin người con trai duy nhất hy sinh nơi chiến trường. Đau thương chất chồng, nhưng mẹ không oán than. Mẹ sống lặng thầm, kiên cường, tựa như những gốc rừng già trên đất Tây Nguyên.
Ở tuổi ngoài 90, mẹ không còn nhớ nhiều điều, nhưng mỗi lần cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ghé thăm, khuôn mặt mẹ lại rạng rỡ, đôi mắt sáng lên niềm vui.
Thiếu tá Nguyễn Đức Hậu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Rvê, xúc động: “Với chúng tôi, mẹ là gia đình. Chỉ cần thấy mẹ khỏe, được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa là chúng tôi thấy lòng mình ấm lại”.
Nếu mẹ Xuân là sự lặng lẽ bền bỉ, thì mẹ Trần Thị An, nay sống ở phường Sông Cầu, lại khiến người ta xúc động bởi nghị lực và tấm lòng nhân hậu sau mất mát. Mẹ sinh ra ở Phú Yên (cũ), gắn bó cả đời với mảnh đất miền biển mặn mòi. Sáu người con lớn lên bằng tay mẹ, bốn người trong đó nhập ngũ. Hai người trở về, hai người nằm lại. Mỗi lần nhắc đến, mẹ không khóc, chỉ lặng yên, rưng rưng: “Tôi còn được sống, là để thắp hương cho các con. Và để thấy Tổ quốc mình yên bình”.
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thường xuyên đến thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị An.
Từ năm 2015, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Hòa đã trở thành điểm tựa cho mẹ. Không ồn ào, không phô trương, họ đến với mẹ như con về thăm mẹ già – lau dọn nhà cửa, trồng thêm luống rau, đun ấm nước, thắp cho mẹ nén nhang vào mỗi dịp giỗ hai liệt sĩ. Có những ngày Tết, khi cả đơn vị quây quần bên mâm cơm cùng mẹ, mọi người im lặng nghe mẹ đọc lại tên từng người con, từng năm hy sinh, từng kỷ niệm vụn vặt mà đầy ắp yêu thương. Những lời kể như dòng sử nhỏ len qua từng nếp gấp áo xanh.
Và ở vùng biển Ô Loan, nơi sóng xô mặn mòi và lòng người luôn rộng mở, mẹ Lê Thị Tha vẫn giữ dáng ngồi quen thuộc bên cửa sổ nhỏ, nhìn ra khoảng sân trồng đầy hoa dại. Mẹ từng tiễn chồng – liệt sĩ Hồ Sang – rồi con trai – liệt sĩ Hồ Trạng – ra đi không trở về. Nhưng nỗi mất mát ấy chưa từng khiến mẹ gục ngã. Mẹ gượng dậy, nuôi dạy những đứa con còn lại, gồng gánh cả gia đình bằng một tình thương không đong đếm được.
Những ngày này, căn nhà nhỏ của mẹ như ấm hơn bởi tiếng cười, tiếng bước chân của những người lính Biên phòng An Hải và thanh niên trong xã. “Bữa cơm tri ân” được nhóm lửa bằng nghĩa tình – mâm cơm đơn sơ mà rưng rưng nước mắt. Mẹ nắm tay từng người lính trẻ, tay run run mà ánh mắt vẫn ấm nồng: “Con của mẹ ngày xưa cũng cao lớn, cũng mặc áo lính như vậy…”.
“Bữa cơm tri ân” tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tha.
Chị Phan Thị Thúy Hằng, Bí thư Đoàn xã Ô Loan, nghẹn ngào: “Đến với mẹ Tha, chúng tôi học được cách yêu thương mà không oán trách. Mỗi nếp nhăn trên gương mặt mẹ là một trang lịch sử sống, là lời nhắc nhở không lời dành cho thế hệ hôm nay".
Thượng úy Đỗ Ngọc Hoàng Sang, Đồn Biên phòng An Hải, cũng không giấu nổi sự xúc động: “Chúng tôi yêu quý mẹ bằng cả tấm lòng. Phụng dưỡng mẹ không chỉ là trách nhiệm – đó là sự tri ân từ trái tim những người lính”.
Ba người mẹ – ba mảnh đời, ba ngọn nến thắp giữa tháng Bảy tri ân – không chỉ đại diện cho sự hy sinh thầm lặng, mà còn là cội nguồn tinh thần cho thế hệ hôm nay tiếp bước. Như Đại tá Rơ Lan Ngân, Phó Chính ủy Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang nhận phụng dưỡng ba Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Việc làm này không chỉ mang ý nghĩa đạo lý, mà còn là cách để chúng tôi giáo dục cán bộ, chiến sĩ về lòng biết ơn, trách nhiệm và bản lĩnh”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tha được Quân y Đồn Biên phòng An Hải chăm sóc sức khỏe.
Một bữa cơm tri ân, một bàn tay run run nắm lấy bàn tay chai sạm, một lời hỏi han giữa trưa hè... Tất cả hòa thành bản nhạc trầm nhưng ngân mãi giữa núi rừng biên cương. Ở nơi mà những người lính không chỉ giữ đất, giữ trời, mà còn gìn giữ ký ức – ký ức của một dân tộc đã đi qua chiến tranh bằng nước mắt và máu, và bước tiếp bằng tình người, bằng đạo lý không phai.
Chu Phương
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/tinh-me-trong-tim-nguoi-linh-487135.html