TP HCM: 'Quán bánh canh 1 giờ' sắp đóng cửa, nhiều người tiếc hùi hụi

TP HCM: 'Quán bánh canh 1 giờ' sắp đóng cửa, nhiều người tiếc hùi hụi
một ngày trướcBài gốc
Xưa còn là cậu học sinh phổ thông, tôi thường đạp xe ra đường Nguyễn Văn Giai (quận 1, TP HCM) để thưởng thức tô bánh canh cua giò heo xì xụp nóng hổi. Quán ngày đó bán đâu khoảng 6-7 con cua mỗi ngày, nước dùng ngọt thanh, giò heo được làm kỹ, mềm và sạch.
Quán không có biển hiệu, chỉ là một gánh hàng ngay trước cửa nhà số 12C Nguyễn Phi Khanh (quận 1)
Những lần ngồi ăn, tôi vừa xuýt xoa vừa trò chuyện rôm rả với mấy cô, mấy chú riết thành quen mặt, có cả cô Mùi, cô Lành, bà Ba… Lúc ấy, mấy cô còn hay gọi tôi là "em ba lô" – vì thuở nhỏ đi học, lúc nào cũng mang chiếc ba lô lóc xóc đến quán, cái tên gắn luôn với tôi tới giờ.
Bẵng đi mười mấy năm, một hôm tình cờ chạy ngang đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1), chợt nhìn thấy dáng quen quen nơi góc phố – là mấy người bán hàng năm xưa.
Không chần chừ, tôi tấp vào, làm ngay một tô bánh canh "đầu gối" – cái tên gọi vui mà chỉ khách quen mới hiểu. Lạ là hương vị năm nào vẫn còn nguyên: nước trong, đậm đà, móng giò béo ngậy mà không ngán. Khác chăng là không còn những chú cua chắc thịt ngày nào.
Quán bánh canh ấy – giờ người ta hay gọi bằng cái tên vui: "bánh canh 1 giờ" hay "bánh canh 60 phút" – thực chất chẳng có biển hiệu gì, chỉ là một gánh hàng ngay trước cửa nhà số 12C Nguyễn Phi Khanh (quận 1). Cứ đúng 3 giờ chiều là bán nhưng tầm 2 giờ đã có người đến ngồi kín chỗ. Đúng 3 giờ bắt đầu lên tô và chỉ tầm 20 phút sau thông báo "hết hàng", ai đến sau đành hẹn mai quay lại.
Khách ngồi san sát trên những chiếc ghế nhựa nhỏ xíu, đôi khi phải chờ cả chục phút dù đến sớm. Người đến ăn thì đông, người đứng đợi mua mang về cũng nườm nượp.
Bên trong, đồ nghề bán hàng vẫn giản dị như ngày nào: một chiếc quang gánh với nồi bánh canh nghi ngút khói, thùng giò heo được gắp múc liên tục. Khách bước qua, gọi "nạc, gân, gối, móng" – là 4 phần quen thuộc của móng giò, người bán gật đầu, múc liền tay.
Tô bánh canh hương vị đậm đà
Mỗi tô bánh canh ở đây thường có 2 miếng móng giò, ăn kèm nước mắm tiêu ớt đặc chế của quán – thứ nước chấm mà chỉ cần chạm môi đã biết là "hàng độc quyền". Bánh canh mềm, dai nhẹ, nước dùng sánh ngọt, thêm hành lá, miếng ớt và miếng chanh vắt vào là chuẩn bài.
Ngồi đó, ăn bằng muỗng, gặm móng giò bằng tay – một kiểu ăn đầy bản năng và niềm vui. Những người nấu bếp, phục vụ hay lấy chỗ đều là các cô chú lớn tuổi và quen mặt tôi từ hồi nhỏ xíu. Thế nhưng, ai nấy vẫn nhanh nhẹn, vui vẻ và hay cười. Có chú đứng ngoài vừa trấn an khách đợi, vừa dắt xe chờ vừa hỏi thăm câu chuyện. Có cô cầm khay trà đá, miệng tươi rói gọi "trà đá đây, trà đá đây" – tiếng rao nghe thân thương lạ.
Từ quán bánh canh này, nhiều người con trong gia đình đã được trưởng thành một cách đàng hoàng, thậm chí có cô còn cho con qua Nhật du học.
Có lần tôi hỏi đùa sao không bán thêm giờ, chứ khách cứ tiếc hoài vì tới muộn là hết, các cô chỉ cười: "Già rồi con ơi, bán vậy là mệt lắm rồi, đủ vui rồi! Với lại làm móng giò sạch sẽ rất cực!"
Có lẽ chính sự giới hạn ấy – bán đúng 1 giờ, không hơn – lại là điều khiến người ta háo hức, mong chờ.
Mấy hôm nay hay tin quán dừng bán, trong lòng tôi chùng xuống. Không phải vì thiếu một chỗ ăn ngon – bánh canh thì đâu mà chẳng có – mà vì mất đi một phần ký ức, một mảnh thanh xuân được gói trong tô nước dùng nóng hổi, tiếng cười của cô chú bán hàng, và những chiều ngồi chen chân trên vỉa hè TP HCM.
Tạm biệt quán bánh canh thanh xuân!
Cảm ơn vì đã là một phần ký ức đẹp trong đời.
Bài và ảnh: QUANG LIÊM
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tp-hcm-quan-banh-canh-1-gio-sap-dong-cua-nhieu-nguoi-tiec-hui-hui-196250527204848503.htm