Phối cảnh nhà máy sản xuất sinh phẩm từ huyết tương của Công ty TNHH Bình Việt Đức. Ảnh: Quang Phương chụp lại
Ngày 6.1, Công ty TNHH Bình Việt Đức (Công ty Bình Việt Đức) tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án tổ hợp nhà máy sản xuất sinh phẩm từ huyết tương tại Lô I-9-1, Khu công nghệ cao Quận 9, phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Tổ hợp gồm: Nhà máy sản xuất sinh phẩm phân đoạn huyết tương, Nhà máy sản xuất vắc xin và insulin, Nhà máy sản xuất thuốc gây tê, gây mê, Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 82.000m2, tổng diện tích xây dựng 126.000m2, tổng vốn đầu tư: 2.700 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 2.2026.
Đại diện chủ đầu tư cho biết đây là dự án chiến lược, kỳ vọng góp phần quan trọng vào việc tự chủ nguồn cung ứng y tế tại Việt Nam, đồng thời đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành công nghiệp sinh học của đất nước. Dự án được thiết kế và triển khai bởi các đối tác: Công ty Glatt và Công ty Exyte (Cộng hòa Liên bang Đức), ứng dụng công nghệ hiện đại và tự động hóa. Hệ thống kho tự động tiêu chuẩn EU-GDP đảm bảo chất lượng sản phẩm ở mức tối ưu: Kho mát (15°C - 25°C): 10.000m2, Kho lạnh (2°C - 8°C): 1.000m2, Kho âm sâu (-35°C): 7.000m2.
Phối cảnh Dự án tổ hợp nhà máy sản xuất sinh phẩm từ huyết tương của Công ty Bình Việt Đức. Ảnh: Quang Phương chụp lại
Ông Ngô Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Bình Việt Đức cho biết, dự án là bước đột phá chiến lược trong việc chủ động cung ứng thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế cho Việt Nam. Đây là giải pháp quan trọng nhằm: bảo đảm nguồn dự trữ y tế chiến lược cho quốc gia, sẵn sàng ứng phó trước dịch bệnh và thiên tai; giảm phụ thuộc vào nguồn dược phẩm nhập khẩu, hướng tới sự tự chủ y tế toàn diện, đáp ứng đúng định hướng và chủ trương của Chính phủ về tự sản xuất và tự cung ứng dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm bảo đảm sức khỏe cho người dân trên cả nước; ứng dụng định hướng và chủ trương của Chính phủ về tự sản xuất và tự cung ứng dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm bảo đảm sức khỏe cho người dân trên cả nước.
Cũng theo đại diện Công ty Bình Việt Đức, với công suất phân đoạn 600.000 lít huyết tương mỗi năm, dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu điều trị cho 250 triệu người trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Glatt và Exyte sẽ đảm bảo tính bền vững, chất lượng và hiệu quả.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Quang Phương
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu, việc khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sinh phẩm huyết tương là một chủ trương bám sát chủ trương của Nhà nước, của Chính phủ để đưa lĩnh vực này phát triển. Hiện nay, Việt Nam chưa có nhà máy nào sản xuất sinh phẩm từ huyết tương cả. Chúng ta thu gom huyết tương rồi đưa ra nước ngoài, họ chế tạo thành những sản phẩm và chúng ta phải nhập lại với giá cao. Chúng ta có nguyên liệu nhưng lại phụ thuộc thành phẩm vào nước ngoài. Vì thế sau khi khởi công cần phải tiến hành xây dựng ngay và có lộ trình thi công cụ thể từng giai đoạn để đến năm 2026 phải có lô sản phẩm đầu tiên. Sau khi có sản phẩm phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh của người dân Việt Nam, chúng ta phải xuất khẩu được ra nước ngoài.
Quang Phương