Trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc kiến tạo tương lai

Trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc kiến tạo tương lai
3 giờ trướcBài gốc
Hiệp ước Tương lai - kế hoạch tham vọng cho thế kỷ XXI
Theo Liên hợp quốc, tình hình toàn cầu hiện nay là “vô cùng nguy hiểm” với khả năng chiến tranh hạt nhân bùng nổ cao hơn nhiều so với nhiều thập niên trước và cuộc khủng hoảng khí hậu thúc đẩy làn sóng di cư càng làm trầm trọng thêm những căng thẳng. Xung đột, bạo lực, nhu cầu nhân đạo và di dời đã lên đến mức cao chưa từng có. Ước tính 25% dân số thế giới, trong đó có 20% trẻ em, đang sống ở những khu vực xảy ra xung đột. Năm 2023 đã chứng kiến số người chết liên quan đến xung đột cao nhất trong gần 3 thập niên.
Thế giới của chúng ta đang đi chệch hướng và chúng ta cần những quyết định cứng rắn để đưa mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo. Xung đột đang lan rộng và leo thang, từ Trung Đông đến Ukraine và Sudan mà không thấy hồi kết. Hệ thống an ninh tập thể của chúng ta đang bị đe dọa bởi các chia rẽ địa chính trị, nguy cơ hạt nhân và sự phát triển của các loại vũ khí và chiến trường mới. Các nguồn lực, vốn được kỳ vọng mang lại cơ hội và hy vọng, thì nay lại được đầu tư vào sự hủy diệt.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Mối nguy hiểm của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với con người và Trái đất rõ nét hơn bao giờ hết, khi nhiệt độ cao kỷ lục, lượng mưa thất thường và mực nước biển dâng cao làm giảm năng suất mùa màng, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng và buộc nhiều cộng đồng phải rời bỏ nhà cửa. Mặc dù đây không phải là những vấn đề mới, khi thế giới đã có nhiều thỏa thuận đột phá nhằm giải quyết dứt điểm như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay Mục tiêu Phát triển bền vững, song không thể phủ nhận hoạt động của các thể chế Liên hợp quốc, với đa phần trong số đó đã được thành lập cách đây nhiều thập niên, không còn như mong đợi.
Các đô thị ven biển ở châu Á trở thành điểm nóng mới khi mực nước biển dâng cao. Ảnh: Antara /Aditya Pradana Putra.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng đi kèm với những mối đe dọa mới. Các chuyên gia cho biết, các sự cố liên quan đến công nghệ kỹ thuật số đang gia tăng cả về phạm vi và mức độ. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử có nguy cơ bị lợi dụng. Các công ty truyền thông xã hội buông lỏng quản lý, dẫn tới phát tán thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước những thách thức này, nhu cầu cải cách càng trở nên cấp thiết.
Được đánh giá là một văn kiện đầy tham vọng cam kết hành động hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau, Hiệp ước Tương lai dài 42 trang, nêu rõ 56 hành động. Hiệp ước nhấn mạnh cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương Liên hợp quốc và gìn giữ hòa bình; kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với kế hoạch cải thiện hiệu quả và tính đại diện của hội đồng, bao gồm cả việc khắc phục tình trạng thiếu hụt đại diện từ châu Phi; nhấn mạnh việc thực hiện những nỗ lực mới để ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy giải trừ vũ khí và nêu định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo. Hiệp ước còn bao gồm cả hai phụ lục, được gọi là thỏa thuận kỹ thuật số toàn cầu và tuyên bố về các thế hệ tương lai, với mục tiêu thúc đẩy quá trình ra quyết định quốc gia và quốc tế tập trung vào việc đảm bảo phúc lợi cho các thế hệ mai sau.
Các cam kết thể hiện trong hiệp ước và các phụ lục đi kèm phản ánh ý chí chung của các quốc gia thành viên. Hiệp ước không chỉ định hướng hành động, mà còn khuyến khích chúng ta duy trì các cam kết về hòa bình và an ninh quốc tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy xã hội công bằng và toàn diện và đảm bảo rằng công nghệ luôn phục vụ lợi ích chung của nhân loại. Chúng ta phải cùng nhau tiến lên dựa trên tinh thần đoàn kết và hợp tác đa phương.
Ông Philemon Yang, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, Hiệp ước Tương lai, giống như nhiều văn bản khác của Liên hợp quốc, đưa ra những mục tiêu và cam kết cao cả nhưng lại chưa xác định các bước cụ thể, thực tế, khả thi mà cơ quan này có thể triển khai để hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Do đó, điều quan trọng là các thành viên Liên hợp quốc phải cần chủ động xây dựng một kế hoạch thực hiện phù hợp cho các điều khoản của hiệp ước.
Nỗ lực cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Liên hợp quốc từ lâu đã trở thành biểu tượng cho nỗ lực gìn giữ hòa bình và an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, trật tự quyền lực bên trong tổ chức này, đặc biệt trong Hội đồng Bảo an, vẫn còn mang dấu ấn đậm nét của các thập kỷ trước. Hội đồng Bảo an gồm 5 thành viên thường trực là Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Pháp và Vương quốc Anh, những quốc gia có quyền phủ quyết và giữ vai trò then chốt trong các quyết định quốc tế. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia từ Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latinh, và Caribe - nơi có nhiều xung đột và cần hỗ trợ quốc tế - lại không có tiếng nói mạnh mẽ trong việc định hình các chính sách của Liên hợp quốc.
Trật tự quyền lực này đã kéo dài gần 8 thập kỷ mà không có thay đổi lớn, dù thế giới đã có nhiều thay đổi. Trước thực trạng này, hàng loạt lời kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an đã làm nóng kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng khó tìm kiếm sự đồng thuận trong nhiều vấn đề cấp thiết toàn cầu.
Trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), một cuộc chiến mới nhằm cải tổ Hội đồng Bảo an đã được khởi động. Nhiều quốc gia từ châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh đã lên tiếng kêu gọi cải cách nhằm đảm bảo sự đại diện công bằng hơn. Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio đề xuất rằng các quốc gia châu Phi nên có ít nhất hai suất thành viên thường trực mới, có quyền phủ quyết, nhằm đảm bảo tiếng nói của lục địa này được lắng nghe và tôn trọng trong các quyết định quốc tế.
Hội đồng Bảo an đã bị mắc kẹt trong thời gian dài. Thành phần mất cân bằng của Hội đồng Bảo an không còn phù hợp với thực tế hiện tại, làm suy yếu tính hợp pháp và hiệu quả của cơ quan này. Việc châu Phi lâu nay không có đại diện thường trực là một sai lầm lịch sử, làm suy yếu khả năng giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu một cách công bằng.
Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio.
Theo các chuyên gia, đề xuất này xuất phát từ thực tế rằng châu Phi chiếm gần một phần tư số thành viên của Liên hợp quốc và gần 50% hoạt động thường nhật của Hội đồng Bảo an liên quan đến các vấn đề hòa bình và an ninh trên lục địa này. Tuy nhiên, hiện tại châu Phi chỉ có ba ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an, không có quyền phủ quyết, và điều này không phản ánh đúng vai trò to lớn của "lục địa đen" trong các quyết định quan trọng.
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy cải cách Hội đồng Bảo an là nhu cầu giải quyết "bất công lịch sử đối với châu Phi". Các quốc gia trong nhóm châu Phi đã nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an cần phải dân chủ hóa hơn nữa để phản ánh sự phát triển của thế giới. Điều này cũng phù hợp với những cuộc tranh luận đã kéo dài hàng thập kỷ về việc mở rộng Hội đồng Bảo an để đại diện công bằng hơn cho các khu vực khác nhau trên thế giới. Các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ Latinh và Caribe, cũng có cùng quan điểm.
Khóa họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Ảnh: UN.
Tuy nhiên, cải cách Hội đồng Bảo an không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên thường trực, đặc biệt là giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, đã gây bế tắc trong việc giải quyết những vấn đề lớn như xung đột ở Ukraine, bạo lực ở Gaza, và biến đổi khí hậu. Các thành viên thường trực thường sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia hoặc bảo vệ các đồng minh thân cận, dẫn đến sự thất vọng ngày càng tăng về tính hiệu quả của Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, các quốc gia như Brazil và Ấn Độ mong muốn có ghế thường trực, nhưng lại vấp phải sự phản đối từ các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Việc đạt được đồng thuận giữa các thành viên Liên hợp quốc về việc quốc gia nào sẽ được bổ sung vào Hội đồng Bảo an, quy mô mở rộng và quyền hạn của các thành viên mới vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, sự thừa nhận của các nước thành viên Liên hợp quốc về nhu cầu cải tổ Hội đồng Bảo an là tín hiệu đáng mừng cho tinh thần đoàn kết, hợp tác vì hòa bình và ổn định trên thế giới. Sau những lời kêu gọi này, nhiều sáng kiến cải cách sẽ được đưa ra, và thế giới cần một chặng đường dài để thực hiện những thay đổi này.
Biến cam kết về khí hậu thành hành động
Trong bối cảnh các thảm họa khí hậu gia tăng nghiêm trọng, vấn đề biến đổi khí hậu tiếp tục là chủ đề chính tại nhiều cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo thế giới tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay. Đáng chú ý, câu chuyện tài chính dành cho khí hậu và các đóng góp tự quyết của mỗi quốc gia (gọi tắt là NDC) nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi theo Liên hợp quốc, các cam kết hiện tại của cộng đồng quốc tế đã đi chệch hướng và nhiều khả năng sẽ đưa thế giới vào quỹ đạo nóng lên thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này.
Phiên họp của Liên hợp quốc bàn về vấn đề biến đổi khí hậu đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước đang phát triển vốn đang chịu đựng những thiệt hại nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng lại thiếu nguồn lực để khắc phục và các nước công nghiệp phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch. Đáng chú ý là lời cảnh báo từ các nước quốc đảo ở Thái Bình Dương, yêu cầu nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải hành động nhiều hơn để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu khi đây không còn là vấn đề môi trường mà đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.
Các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải hành động nhiều hơn để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh:AFP.
Lý giải về cảnh báo này, các nhà quan sát cho biết, các nước phát triển luôn đưa ra nhiều cam kết cả về giảm lượng phát thải hiệu ứng nhà kính cũng như đóng góp tài chính, hỗ trợ các nước nghèo chống chọi với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy, họ không đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí còn liên tiếp cắt giảm sự đóng góp tài chính.
Chỉ còn hai tháng nữa là đến Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc COP29 tại Baku (Azerbaijan), việc đạt được mục tiêu tài chính toàn cầu mới để thay thế cam kết 100 tỷ USD hằng năm sẽ hết hạn vào năm 2025 trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo Công ty Moody’s Ratings, các khoản đầu tư vào khí hậu trên toàn cầu đang thiếu hàng nghìn tỷ USD so với mức cần thiết để đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng với các tác động khí hậu.
Có thể nói, thế giới đang ở một thời điểm đầy thách thức, với hàng loạt rủi ro đan xen phức tạp, cùng các bất ổn địa chính trị khó lường. Do đó, hợp tác và đoàn kết quốc tế sẽ là nền tảng để giải quyết các thách thức toàn cầu. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách xã hội, đáp ứng nhu cầu người dân và ứng phó hiệu quả hơn với các vấn đề cấp bách. Đó là cách để mỗi quốc gia thể hiện trách nhiệm trong việc kiến tạo tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau.
Ngọc Mai
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/trach-nhiem-cua-moi-quoc-gia-trong-viec-kien-tao-tuong-lai-268838.htm