'Trái ngọt' giảm nghèo từ chanh dây vàng

'Trái ngọt' giảm nghèo từ chanh dây vàng
8 giờ trướcBài gốc
Đứng giữa vườn chanh dây trĩu quả, chị Phạm Thị Thương – một hộ dân làng Ko (xã Chư Đang Ya, nay là xã Biển Hồ) không giấu được niềm vui: “Trước đây, đất này, chúng tôi trồng ngô, sắn, rồi thử với giống chanh dây tím nhưng giá cả bấp bênh. Giờ chuyển sang chanh dây vàng, mỗi vụ gia đình tôi thu được cả trăm triệu đồng”.
Từ triền đồi hoang đến nông nghiệp sạch
Điều làm nên sự khác biệt chính là hướng đi bài bản, quy trình hữu cơ nghiêm ngặt và sự đồng hành chặt chẽ từ HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Du lịch Chư Nâm. Mô hình trồng chanh dây vàng tại đây được khởi động từ năm 2023, xuất phát từ mong muốn của HTX là tìm kiếm giống cây phù hợp với khí hậu – thổ nhưỡng Tây Nguyên nhưng có giá trị kinh tế cao, ổn định đầu ra.
Chanh dây đang trở thành cây xóa nghèo ở nhiều vùng đất tỉnh Gia Lai (Ảnh: GLO).
Anh Phạm Văn Bền – Phó Giám đốc HTX cho biết: “Thay vì chạy theo số lượng như trước kia, chúng tôi định hướng canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, làm nhỏ nhưng chắc, vừa bảo vệ đất, vừa tạo giá trị bền vững”.
Sau thời gian khảo sát, giống chanh dây vàng hương mật ong được chọn vì thích hợp với vùng đất đỏ bazan của Chư Đang Ya, cho chất lượng vượt trội so với nhiều nơi khác.
Ban đầu chỉ có vài hộ tham gia trồng thử nghiệm, nhưng sau vụ đầu tiên, năng suất và giá trị kinh tế rõ rệt đã tạo động lực lan tỏa. Chị Thương kể: “Chanh dây vàng dễ tiêu thụ, giá ổn định quanh mức 15.000 – 25.000 đồng/kg, lại có thể bán trực tiếp cho khách hàng nên không bị thương lái ép giá như trước”. Hiện nay, gia đình chị đã mở rộng diện tích lên gần 2 ha.
Trong khi đó, anh Đỗ Văn Phước – thành viên liên kết của HTX Chư Nâm – cho biết: “Chúng tôi không chỉ trồng cho mình mà còn cung cấp giống, chia sẻ kỹ thuật cho bà con trong làng. Mỗi nhà làm vài sào, vài ha, nhưng cùng một hướng đi nên rất thuận lợi”.
Mở cánh cửa thị trường
Từ một mô hình thử nghiệm, đến nay HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Du lịch Chư Nâm đã quy tụ được 20 thành viên cùng tham gia, phát triển vùng nguyên liệu chanh dây vàng hữu cơ rộng 50 ha. Trong tương lai gần, con số này sẽ tiếp tục mở rộng nhờ hiệu quả kinh tế rõ rệt và tiềm năng tiêu thụ lớn.
Một bước ngoặt quan trọng giúp sản phẩm chanh dây vàng của HTX Chư Nâm “cất cánh” chính là đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây không chỉ là sự khẳng định về chất lượng mà còn là “giấy thông hành” để nông sản vươn tới các kênh phân phối cao cấp như siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại.
Để đạt được điều đó, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ: làm luống cao để tránh ngập úng mùa mưa, chỉ sử dụng phân hữu cơ như phân bò hoai mục, trùn quế, đất vi sinh; tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Thay vào đó, cỏ được giữ lại để tạo độ ẩm và cải tạo đất, trong khi cây được trồng thưa nhằm đảm bảo độ thoáng khí, hạn chế sâu bệnh tự nhiên.
Nhờ sự tỉ mỉ đó, 1 ha chanh dây vàng của HTX có thể cho sản lượng tới 50 tấn/vụ, tỷ lệ quả loại 1 cao, giúp thu nhập bình quân mỗi hộ trồng từ 250 – 500 triệu đồng mỗi năm. “Chúng tôi từng không đủ hàng để cung cấp cho khách quen, chứ chưa nói đến các siêu thị và đối tác lớn”, Phó Giám đốc HTX Phạm Văn Bền cho hay.
Định hướng sản xuất hữu cơ giúp nâng cao giá trị trái chanh dây (Ảnh: GLO).
Sự thành công của mô hình không chỉ nhờ sự nỗ lực của HTX và các thành viên, mà còn có sự đồng hành tích cực của chính quyền địa phương và các chương trình hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Gia Lai.
Cụ thể, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các HTX như tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh sinh học, hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các doanh nghiệp chế biến và phân phối.
Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Gia Lai đẩy mạnh hỗ trợ các HTX đưa sản phẩm vào các hội chợ OCOP, sàn thương mại điện tử, giúp HTX tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh; Hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giúp HTX và thành viên đầu tư mở rộng sản xuất, mua thiết bị sơ chế, đóng gói.
Giấc mơ làm giàu trên đất đỏ bazan
Được biết, thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ các HTX điển hình trên địa bàn tỉnh xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ trồng – sơ chế – bảo quản – tiêu thụ, không chỉ với chanh dây mà còn với nhiều loại nông sản khác.
Đặc biệt, chọn mô hình chanh dây vàng làm mô hình điểm để các HTX khác học hỏi, nhân rộng, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương trong toàn tỉnh.
Có thể thấy, không còn là vùng đất nghèo trồng sắn, trồng mì như trước kia, các địa phương vùng cao của tỉnh Gia Lai đang chuyển mình từng ngày. Dưới chân núi Chư Nâm, những giàn chanh dây xanh mướt trải dài không chỉ là biểu tượng của một giống cây đặc sản, mà còn là minh chứng thành công cho một hướng đi mới: nông nghiệp hữu cơ, gắn với OCOP và chuỗi giá trị bền vững.
Hơn cả giá trị vật chất, mô hình trồng chanh dây vàng hữu cơ còn góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ làm ăn nhỏ lẻ sang liên kết HTX, từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và thị trường.
“Người dân làm ra nông sản sạch, HTX làm đầu mối bao tiêu, Liên minh HTX hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra – đó là chuỗi liên kết không thể thiếu để người nông dân Biển Hồ nói riêng, nông dân Gia Lai nói chung thoát nghèo bền vững”, lãnh đạo ngành nông nghiệp xã Biển Hồ nhấn mạnh.
Chanh dây vàng hương mật ong không chỉ là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng đất Chư Đang Ya trước đây hay Biển Hồ hiện tại, mà còn là minh chứng sinh động cho hiệu quả của mô hình kinh tế hợp tác, gắn với nông nghiệp hữu cơ, chương trình OCOP và sự đồng hành của các cấp, ngành.
Từ mô hình này, có thể kỳ vọng vào những “trái ngọt” tiếp theo của nông nghiệp Tây Nguyên – nơi nông dân không chỉ biết trồng trọt, mà còn biết làm thương hiệu, biết liên kết để vươn xa.
Nam Phong
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//mo-hinh/trai-ngot-giam-ngheo-tu-chanh-day-vang-1108216.html