Tránh để trục lợi cơ chế, chính sách đặc biệt trong phát triển kinh tế tư nhân

Tránh để trục lợi cơ chế, chính sách đặc biệt trong phát triển kinh tế tư nhân
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Chủ trì phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Chủ trì phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai. Ảnh: Như Ý
Không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế
Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thống nhất nhận định, các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ tinh thần thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đưa ra nhiều chính sách rất đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như đổi mới về thể chế, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, hỗ trợ cho khoa học chuyên sâu, không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế... Đây là động lực cho toàn dân phấn khởi tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh và đổi mới công nghệ, dám dấn thân và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.
Quan tâm đến vấn đề hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công cho doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Lê Quân đề xuất, quy định này cần giao Chính phủ hướng dẫn đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cho thuê nhà, đất là tài sản công cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung trong quy định về thí điểm chỉ định thầu, đặt hàng đối với các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chứng minh được hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường thảo luận tại tổ. Ảnh: Như Ý
Góp ý vào quy định miễn kiểm tra tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện tốt quy định pháp luật, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cần có tiêu chí cụ thể hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết. Đối với quy định về quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu cho rằng cần cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách để cấp bổ sung vốn điều lệ của quỹ; đồng thời quy định bảo lãnh cho vay để cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn; khuyến khích quỹ tư nhân tham gia hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Liên quan đến khuyến khích các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu kể từ khi cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu sẽ dẫn đến tình trạng “trục lợi” chính sách.
“Lập doanh nghiệp, hoạt động hết 3 năm được miễn thuế xong, đến năm thứ 4 phải đóng thuế thì lại xóa doanh nghiệp rồi đăng ký dưới tên vợ, con, thậm chí thuê xe ôm đứng tên chủ doanh nghiệp, bởi đăng ký thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng. Từ đó, sẽ không tạo ra được doanh nghiệp hoạt động ổn định” - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói. Đồng thời cho rằng sẽ xảy ra bất hợp lý với các doanh nghiệp không trục lợi như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bị phá sản thì sẽ không được hưởng chính sách miễn thuế này nữa nếu tiếp tục lập doanh nghiệp.
“Do đó, không nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa liên tục trong 3 năm mà năm đầu tiên nên miễn thuế, những năm sau chỉ miễn 50%” - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan thảo luận tại tổ. Ảnh: Như Ý
Số tiềnđể xây dựng các bộ luật quá lớn
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan cho rằng, để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ này như thế nào cho hiệu quả; cần có các chính sách rất cụ thể, rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ, rõ nguồn tài chính vì từ trước tới nay cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc áp dụng vào thực tiễn vẫn còn chưa được như mong muốn hoặc thực hiện chưa thực sự đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy góp ý về cơ chế khoán chi cho một số nhiệm vụ đặc biệt, trong đó có hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được dự thảo Nghị quyết đưa ra.
Theo đại biểu, mức khoán được đưa ra kèm phụ lục văn bản và tỷ lệ phân chia giữa xây dựng, thẩm tra có điều chỉnh so với trước. Nếu xây dựng một bộ luật mới thay thế luật hiện hành thì tổng mức chi cho đến khi thông qua dự kiến lên tới 20 tỷ đồng. Đối với dự án luật là 18 tỷ đồng, còn với luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quyền con người, quyền công dân thì mức chi là 9 tỷ đồng. Số tiền để xây dựng một bộ luật thực sự rất lớn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Như Ý
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, hiện chưa rõ căn cứ, cơ sở nào để xác định mức chi lớn đến vậy, nhất là khi đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật hiện đã được ngân sách nhà nước trả lương và có hưởng các chế độ hỗ trợ, ưu đãi. Nếu làm những việc như thế này nữa, thành ra lại được hưởng thêm một lần nữa, thì có phải là trùng chi hay không?
Từ đó, đại biểu cho rằng cần có cơ chế kiểm soát để đảm bảo việc chi là phù hợp, tạo hiệu quả, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. “Hỗ trợ tài chính để anh em yên tâm công tác là cần thiết, nhưng không chỉ riêng người làm công tác xây dựng hay thi hành pháp luật, mà cán bộ, công chức nói chung đều cần được quan tâm chế độ, chính sách” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.
Hồng Thái
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tranh-de-truc-loi-co-che-chinh-sach-dac-biet-trong-phat-trien-kinh-te-tu-nhan.705051.html