Trên xứ sở của những câu chuyện 'thần tiên'

Trên xứ sở của những câu chuyện 'thần tiên'
3 ngày trướcBài gốc
Nhà văn hóa làng Tri Thiện, xã Nga Thiện (Nga Sơn).
"Phong cảnh hữu tình"
Nga Thiện vốn được xem là xứ sở của những câu chuyện “thần tiên”. Nơi đây có sông Hoạt, không chỉ đem phù sa bồi đắp làm cho đất đai thêm màu mỡ mà còn là tuyến giao thông đường thủy quan trọng nối liền Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ở hai bên bờ sông có nhiều ngọn núi, trong đó đáng kể nhất là ngọn núi Thần Phù (thuộc dãy núi Tam Điệp) và núi Thần Đầu (còn có tên gọi khác là núi Giáp Sơn). Bên cạnh dãy núi là các ngọn đồi như đồi Hồ (nơi đóng quân của hoàng đế Hồ Quý Ly khi đi đánh giặc), đồi Lang...
Nhà thơ Nguyễn Trãi khi nói về cảnh sông núi ở đây đã viết: “Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn. Trung lưu nhất thủy tẩu thanh xà” (Hai bờ sông có nhiều ngọn núi đứng thẳng lên như măng ngọc bày/ Giữa dòng có một lối nước chảy xoáy hình như rắn xanh lội).
Cũng vì phong cảnh hữu tình, lại thuận lợi về giao thông mà nhiều người đã đến Nga Thiện khai phá sinh sống từ sớm. Một trong những bằng chứng nói lên điều đó là có dấu vết của người Việt cổ ở thời kỳ Văn hóa Hoa Lộc, thần tích nói về việc khai phá vùng đất và lập làng của bà Lê Thị Hoa ở thế kỷ I.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” sau này khẳng định, ở Nga Thiện ngoài đường thủy còn có một con đường bộ khá quan trọng, “con đường mà các huyện hạ du thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình phải qua” và “từ thời Lê về trước hành quân phần nhiều đi qua đường này”, đó là lối mòn đi qua dãy núi Tam Điệp tại Eo Bún.
Nhờ quá trình khai phá để xây dựng xóm làng, các thế hệ người dân ở đây đã thau chua, rửa mặn, cải tạo đồng đất, vì thế mà ở Nga Thiện không còn hoàn toàn là vùng chiêm trũng mà bên cạnh đó là những cánh đồng trồng hoa màu. Nhờ cây lúa và hoa màu đã giúp cho đời sống người dân thay đổi, kinh tế phát triển.
Văn hóa làng Tri Thiện
Trong các làng của Nga Thiện thì Tri Thiện là làng có diện tích lớn nhất, dân số đông nhất. Cũng bởi quá trình lập làng và sau này là việc chia tách, sáp nhập địa giới hành chính.
Làng Tri Thiện, trước cách mạng có tên là Trị Nội. Sau này với quá trình chia tách, sáp nhập địa giới hành chính mà tên gọi có nhiều thay đổi. Tuy vậy, người dân Tri Thiện hôm nay vẫn khắc ghi tên làng với ý nghĩa rằng, biết về điều thiện để làm những việc tốt đẹp.
Tự hào là làng có nhiều cảnh đẹp, bởi ở đây có hang Từ Thức (hay còn gọi là động Bích Đào) ở núi Thần Đầu, rồi ngắm nhìn chữ “Thần” khắc nơi mỏm đá nhô ra ở ngọn núi Thạch Bi (thuộc dãy núi Thần Phù). Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: “Tương truyền, vua Lê Thánh Tông ngự đề chữ đó”. Tính đến ngày nay, nhiều đoàn nghiên cứu đã về khảo sát tấm bia này nhưng vẫn chưa xác thực được cụ thể nguồn gốc, lịch sử... Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ ấy đã cuốn hút nhiều bậc quân vương và thi sĩ như: Lý Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sĩ... Khi đi qua chốn này, họ đều đã dừng chân ngắm cảnh mà sinh tình, để lại những tuyệt phẩm thi ca.
Một góc làng Tri Thiện.
Cũng như nhiều làng quê cách mạng khác, Tri Thiện ngay từ buổi đầu cách mạng đã thành lập “Hội truyền bá chữ Quốc ngữ” do thầy giáo Nguyễn Huy Lan và các ông Mai Văn Kinh, Nguyễn Văn Phan, Mai Văn Tiếp chủ trì. Ông Mai Mậu Dinh, Trưởng thôn Tri Thiện cho biết: “Hội truyền bá chữ Quốc ngữ” ngoài việc xóa mù chữ cho thanh, thiếu nhi và một bộ phận nông dân, còn là một tổ chức công khai để tuyên truyền, phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Các hoạt động truyền bá chữ Quốc ngữ chủ yếu tổ chức vào ban đêm nhằm tránh sự theo dõi của kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tham gia. Kể từ đó, ngay trong làng, nhiều nhóm đọc sách báo đã được thành lập.
Để nâng cao dân trí, xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng đời sống mới, chính quyền và Nhân dân trong xã đã hưởng ứng tích cực việc thanh toán nạn mù chữ. Ở thôn Tri Thiện, ông Lã Văn Thuận được bầu làm trưởng ban. Từ đây hàng chục lớp học đã được mở với hàng trăm người tham gia.
Hầu hết, các sự kiện lớn của làng trước kia đều được tổ chức ở đình làng. Làng Tri Thiện trước kia có ngôi đình làng to đẹp, ngoài ra còn có miếu, chùa,... nhưng do thời gian và chiến tranh tàn phá nên các địa điểm sinh hoạt tâm linh này giờ đây chỉ còn là phế tích. Năm 2005, làng đã tổ chức xây dựng nhà văn hóa làng để có chỗ thờ cúng thành hoàng làng và tổ chức các hoạt động cộng đồng. Nhà văn hóa làng Tri Thiện tiếp nhận “sứ mệnh” đó. Ông Mai Mậu Dinh, Trưởng thôn Tri Thiện cho biết: "Làng tôi, người dân đều chăm chỉ, cần cù. Đặc biệt, các thành viên trong làng luôn có sự đoàn kết, chia sẻ, thể hiện rõ nhất là trong các sự kiện lớn của làng như lễ hội, đám hiếu, đám hỉ...".
Ngay tại nhà văn hóa làng, cũng có bàn thờ, thờ các vị thành hoàng làng là An Trạch tôn thần và Cung Mang tôn thần, ngoài ra còn thờ Từ Thiện phu nhân tôn thần (Lê Thị Hoa) và Linh Sơn tôn thần.
Làng Tri Thiện nay gồm 4 thôn: Tri Thiện 1, Tri Thiện 2, Tri Thiện 3 và thôn Từ Sơn, với hơn 1.000 hộ. Hằng năm, cứ đến hội làng – ngày mùng 8 tháng Giêng là con cháu dù ở xa hay gần cũng đều tụ về làng để xem hội và tế lễ, cầu mong bình an, may mắn. Ngoài hội làng, người dân còn tham dự lễ hội Từ Thức diễn ra trong 2 ngày 15 và 16 tháng 3 (âm lịch) tại động Từ Thức và lễ hội chùa Bạch Á.
“Nhờ những giá trị văn hóa mà người dân làng Tri Thiện luôn sống hòa nhã, vui vẻ, kính trên nhường dưới. Sau những giờ lao động vất vả, cùng ngắm phong cảnh làng quê, như tiếp thêm nguồn năng lượng trong lao động sản xuất...", ông Mai Mậu Dinh, Trưởng thôn Tri Thiện chia sẻ.
Bài và ảnh: CHI ANH
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/tren-xu-so-nbsp-cua-nhung-cau-chuyen-than-tien-36313.htm