Quang cảnh cảng hàng hóa tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong vài năm qua, Mỹ đã áp dụng các khái niệm dịch chuyển sản xuất về gần (nearshoring) và dịch chuyển sản xuất sang các nước bạn bè (friendshoring), chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và hướng tới Mỹ, các đồng minh hoặc các quốc gia lân cận. Mục tiêu là giảm sự phụ thuộc vào đối thủ chiến lược, củng cố ngành công nghiệp trong nước và liên kết chuỗi cung ứng với các đối tác địa chính trị.
Ban đầu, chiến lược này tỏ ra hứa hẹn. Dòng vốn đầu tư đổ vào Mexico, Ấn Độ,... khi Washington đưa ra các ưu đãi và các giám đốc điều hành doanh nghiệp điều chỉnh lại bản đồ rủi ro. Nhưng giờ đây, với sự trỗi dậy của các cuộc chiến thuế quan và áp lực bảo hộ ngày càng gia tăng, đặc biệt là với những lời lẽ mạnh mẽ mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chiến lược này đang đối mặt với một rủi ro nghịch lý: sự đảo ngược.
Nói cách khác, điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty bắt đầu làm ngược lại những gì Mỹ dự định? Điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty, thay vì rời khỏi Trung Quốc, lại bắt đầu định vị lại gần hơn với quốc gia này?
Các tập đoàn đa quốc gia ngày càng lo ngại rằng thị trường Mỹ có thể trở nên bất ổn và khó tiếp cận hơn nếu thuế quan vẫn tiếp diễn. Nếu chi phí vận hành hoặc xuất khẩu vào Mỹ tăng đáng kể, một số công ty có thể bắt đầu coi châu Á không chỉ là cơ sở sản xuất mà còn là thị trường chính để đầu tư. Trong bối cảnh này, các công ty có thể quyết định mở rộng hoạt động gần Trung Quốc, tận dụng chuỗi cung ứng đã hoàn thiện và cơ hội phục vụ một thị trường tiêu dùng rộng lớn và đang phát triển.
Một số trường hợp đã cho thấy xu hướng này. Một công ty lớn trước đây phụ thuộc vào các cảng biển Mỹ để tiếp cận Bắc Mỹ đã chuyển hoạt động sang Canada để tránh thuế quan kép. Một công ty khác đã đầu tư mạnh vào Mexico như một phần trong chiến lược giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi Mexico bất ngờ bị nhắm mục tiêu bởi các mức thuế quan mới của Tổng thống Trump, công ty đã chuyển hướng. Thay vì sử dụng cơ sở tại Mexico để phục vụ Mỹ, họ đã chuyển xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh và Nam Mỹ. Lập luận lý giải quyết định này rất đơn giản. Khi Mỹ trở thành nút thắt cổ chai, các công ty sẽ đa dạng hóa sản xuất khỏi nước này. Hậu quả không mong muốn là một sự dịch chuyển ngược, đẩy chuỗi cung ứng trở lại châu Á.
Đây không chỉ là một phản ứng chiến thuật mà có thể đại diện cho một sự thay đổi cấu trúc trong thương mại toàn cầu. Nếu thuế quan của Mỹ trở thành hiện thực lâu dài, nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ tăng cường sự hiện diện của họ ở châu Á, bao gồm cả ở các nền kinh tế lân cận Trung Quốc. Vì vậy, có thể đó sẽ là một bước thụt lùi chiến lược đối với Mỹ, vốn ban đầu đặt mục tiêu "tách rời" khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ không phải là đặc trưng của nước Mỹ trong lịch sử. Trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là sau Thế chiến II, Mỹ đã ủng hộ thị trường mở, dẫn đầu việc thành lập Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do trên toàn cầu.
Mỹ coi thương mại tự do là nguồn sức mạnh và vị thế lãnh đạo. Sự chuyển dịch sang chủ nghĩa bảo hộ "Nước Mỹ trên hết" đã phá vỡ di sản này. Và mặc dù đã đạt được một số lợi ích chính trị ngắn hạn, nhưng những tổn thất dài hạn, đặc biệt là về uy tín và sự ổn định, đang trở nên rõ ràng hơn.
Nếu các công ty toàn cầu coi Mỹ là một quốc gia khó lường về mặt thương mại, họ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, mà khả năng dự đoán và nhu cầu vẫn còn phát triển mạnh. Châu Á, với chuỗi cung ứng tích hợp và môi trường kinh doanh thuận lợi, trở thành lựa chọn thay thế tự nhiên.
Bằng cách đẩy các công ty trở lại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ có thể đang củng cố chính sự phụ thuộc mà nước này đang tìm cách xóa bỏ. Việc chuyển dịch gần Trung Quốc hơn có thể mang lại hiệu quả, nhưng đồng thời cũng củng cố vị thế chiến lược của Bắc Kinh.
Hiện Đông Nam Á và Trung Á đang định vị mình một cách mạnh mẽ. Indonesia, Thái Lan và Malaysia đang nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của lực lượng lao động và các thỏa thuận thương mại khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để thu hút thêm đầu tư công nghiệp.
Các nước Trung Á như Kazakhstan và Uzbekistan, bằng cách mở ra khả năng tiếp cận các hành lang cung ứng mới nổi như tuyến đường xuyên Caspi, đặt mục tiêu thu hút đầu tư đa dạng từ phương Tây.
Tóm lại, nếu Mỹ tăng cường cô lập, các nước khác sẽ sẵn sàng vào cuộc. Bàn cờ toàn cầu đang thay đổi. Việc đảo ngược chiến lược chuyển sản xuất về nước bạn bè không còn là giả thuyết – đó là một kịch bản đang được âm thầm phác thảo trong các phòng họp từ Singapore đến Sao Paulo.
Hà Linh/BNEWS/vnanet.vn