Từ 'đòn bẩy' phân cấp, TP.HCM phát huy tối đa nội lực để phát triển

Từ 'đòn bẩy' phân cấp, TP.HCM phát huy tối đa nội lực để phát triển
3 giờ trướcBài gốc
Nghị định 84/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM thay thế Nghị định 93/2001 Chính phủ ban hành mới đây được xem là chìa khóa quan trọng, gỡ các nút thắt trong thực tiễn phát triển tại TP.HCM mà pháp luật chưa quy định. Điều này càng quan trọng khi TP.HCM đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội và cần thiết có nghị định nhằm phân cấp thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho TP, giúp TP thực hiện tốt các nhiệm vụ Trung ương giao phó.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định TP.HCM sẽ nắm bắt những cơ chế, chính sách này để vận dụng triệt để, tháo gỡ tồn tại, vướng mắc bấy lâu nay, thúc đẩy TP ngày càng phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.
Gỡ nhiều nút thắt
. Phóng viên: Không phải đến Nghị định 84 mà trước đây Trung ương đã có nhiều nghị định, nghị quyết cho phép TP.HCM được quyết định một số vấn đề cụ thể nhằm rút ngắn thời gian phải trình Trung ương. Cụ thể thế nào, thưa ông?
+ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: Đảng, Nhà nước ta luôn có chủ trương đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương và được cụ thể hóa qua các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ quản lý chuyên ngành.
Với TP.HCM, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2001 để phân cấp quản lý trên bốn lĩnh vực. Sau đó, Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng cho phép TP lần đầu tiên được tự thực hiện nhiều quyền hạn. Với cơ chế này, TP.HCM được tự quyết định nhiều nhiệm vụ về quy hoạch, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức bộ máy… và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trên hết, TP.HCM đã phát huy tính trách nhiệm, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐND, UBND TP. Từ đó khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của TP trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với vị trí, vai trò của TP đối với cả nước và khu vực.
Song đi cùng tiến trình phát triển TP có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà các quy định của pháp luật trước đây chưa dự liệu. Quá trình điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, chúng tôi nhận thấy cần thiết cần có nghị định mới để phân cấp thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho TP trên thẩm quyền của Chính phủ và bộ, ngành, thay thế Nghị định 93.
Điều này càng cấp thiết hơn khi TP.HCM đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98/2023 và rất cần một nghị định về phân cấp giúp TP thực hiện tốt nhất “Nghị quyết đặc thù”.
Và như thế, TP có thể tận dụng tối đa nguồn lực, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng, lợi thế vốn có của mình, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, khẳng định vị trí đầu tàu, “cùng cả nước, vì cả nước”.
Tám lĩnh vực được phân cấptại Nghị định 84
(1) Quản lý nhà nước về đầu tư; (2) quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước; (3) quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường; (4) quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
(5) Quản lý nhà nước về y tế; (6) quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; (7) quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp; (8) quản lý nhà nước về nội vụ.
. Việc phân cấp của Chính phủ trong Nghị định 84 sẽ tháo gỡ những tồn tại, điểm nghẽn nào cho TP.HCM, thưa ông?
+ Nghị định 84 phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền TP.HCM trên tám nhóm ngành, lĩnh vực. So với Nghị định 93/2001, lần này TP.HCM được phân quyền nhiều hơn, mạnh mẽ hơn với nhiều lĩnh vực và nội dung hơn. Trong đó, nhiều nội dung lần đầu tiên được giao trách nhiệm, quyền hạn cho HĐND, UBND TP, các cơ quan chuyên môn TP thực hiện thay vì thẩm quyền thuộc Chính phủ, điều này đã tháo gỡ được các nút thắt bấy lâu nay của TP.
Chẳng hạn Nghị định 84 cho phép TP được tổ chức đấu giá cho thuê đối với mặt bằng sản xuất, kinh doanh, cơ sở nhà đất thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 167/2017. Cơ chế này dự kiến sẽ giúp TP khai thác nhà đất công đang được các cơ quan, tổ chức “giữ hộ”, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm lãng phí tài sản nhà nước.
Hay quyền được cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh với một số nhóm đã giải bài toán chờ đợi, lệ thuộc trong việc nhập khẩu thuốc cấp bách trong điều trị, đặc biệt đối với các thuốc cấp cứu, chống độc. Qua đó, phục vụ tốt hơn cho khám chữa bệnh ở một TP có cơ sở y tế hàng đầu.
TP cũng được quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc TP.HCM, đảm bảo phù hợp với đặc thù TP, không làm tăng số lượng cơ quan chuyên môn hiện có. Tôi cho rằng việc này sẽ giúp đảm bảo thống nhất đầu mối quản lý, làm công tác quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tinh gọn bộ máy, hóa giải tình trạng các cơ quan chuyên môn còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ do đặc thù của trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội…
Nghị định 84 phân cấp cho TP.HCM được quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh đối với một số nhóm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Phát huy các cơ chế để TP ngày càng phát triển
. Vậy TP phải chuẩn bị những gì để thực thi, tận dụng hết những ưu thế từ cơ chế này, thưa ông?
+ Ngay khi nghị định được Chính phủ thông qua, UBND TP.HCM đã họp để phân công, triển khai ngay các nhiệm vụ, sớm đưa nghị định đi vào thực tiễn. Tinh thần là TP sẽ tận dụng, phát huy tất cả những gì Trung ương trao cũng như những nguồn lực vốn có của TP, giúp TP ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tôi khẳng định rằng TP sẽ nắm bắt những cơ chế, chính sách này để vận dụng triệt để, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, thúc đẩy TP phát triển.
Bên cạnh việc khẩn trương triển khai Nghị định 84 gắn với Nghị quyết 98 đảm bảo mang lại hiệu quả nhất, hiện TP đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức để tăng cường sự chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương.
TP đang xây dựng riêng đề án về phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, chủ tịch UBND TP nhằm tăng tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Về cơ bản, cán bộ, công chức TP.HCM đã được quán triệt để thực hiện tốt nhất các cơ chế, chính sách Trung ương giao phó. TP cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, sửa đổi quy chế làm việc và ban hành nhiều chính sách khuyến khích, động viên cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Để thực hiện tốt và nhanh chóng Nghị định 84, UBND TP sẽ phân công trách nhiệm, xác định các nội dung công việc trọng tâm và thời gian hoàn thành cho từng sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để khẩn trương thực hiện, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện.
Nghị định 84 sẽ giúp TP khai thác nhà đất công đang để trống do vướng cơ chế, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm lãng phí tài sản nhà nước. Trong ảnh: Căn nhà 570 Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, quận 1) đang bỏ trống gây lãng phí. Ảnh: THUẬN VĂN
Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
. Điều này liệu có khắc phục tình trạng dù được phân cấp nhưng khi thực hiện TP vẫn phải theo quy trình, xin ý kiến của Trung ương, thưa ông?
+ Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho địa phương chủ động, năng động, sáng tạo hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Trong những lần làm việc với TP.HCM gần đây, Thủ tướng có quan điểm rất quyết liệt về việc phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho TP.HCM. Thủ tướng từng nói cái gì thuộc quyền của Thủ tướng là phân cấp hết và đề nghị phân cấp, phân quyền của bộ, ngành cho TP, hạn chế cơ chế “xin-cho”, tránh môi trường tiêu cực.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tập trung xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách kiểm tra, giám sát, hạn chế và giảm tối đa việc trực tiếp thực thi. Việc thực thi nên để cho chính quyền địa phương, đặc biệt là địa phương có đầy đủ điều kiện về con người, cơ sở vật chất… như TP.HCM.
Với tinh thần quyết liệt đó của Thủ tướng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương cùng với quyết tâm chính trị của TP.HCM mà Nghị định 84 được ra đời.
Trong nghị định, Chính phủ đã quy định quy trình, trình tự, thủ tục rất rõ ràng. Trong đó, khẳng định “không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính (TTHC)” đối với những nội dung phân cấp đã quy định TTHC.
Còn những nội dung phân cấp chưa quy định TTHC thì thực hiện theo trình tự, TTHC do bộ, ngành đã quy định. Tuy nhiên, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại TP, đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện TTHC.
Ngay cả trường hợp có thay đổi quy trình, trình tự, thủ tục của các nội dung được Chính phủ phân cấp tại nghị định này thì UBND TP sẽ chủ động trình HĐND TP để ban hành quy định quy trình, trình tự, thủ tục tại TP, không cần phải gửi bộ, ngành, Chính phủ điều chỉnh quy trình.
Đối với những TTHC đã được phân cấp, UBND TP sẽ công bố, công khai sau khi có hướng dẫn của bộ, ngành liên quan. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp tuân thủ theo quy định, không để phát sinh thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định. Qua đó, hướng đến việc cắt giảm 1-2 bước trong quy trình giải quyết hồ sơ, đưa các TTHC đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
. Xin cảm ơn ông.
Tập trung mọi tâm lực để thực hiện nhiệm vụ
Hiện nay, TP.HCM đã thể chế hóa gần như xong tất cả cơ chế, chính sách đặc thù mà Nghị quyết 98 giao. Cùng với việc phân cấp từ Nghị định 84 này, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cộng hưởng, giúp TP thực hiện thắng lợi các cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là thời điểm mà cán bộ, công chức TP phải dồn hết tâm lực để sớm đưa các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống.
Tôi cho rằng cơ chế đã có, vấn đề là hành động ra sao. Chỉ cần nỗ lực làm cho hay, cho đúng, làm đủ những việc này là cơ bản đã tạo ra những diện mạo mới cho TP. Thực tiễn vốn dĩ luôn chuyển động, nhất là đối với TP năng động nhất của cả nước thì chắc hẳn trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh những nội dung mới.
Lúc đấy, TP sẽ tiếp tục kiến nghị, đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới cho TP. Có thể là thời điểm TP sơ kết hai năm hoặc ba năm thực hiện Nghị quyết 98.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM VÕ VĂN HOAN
******
Ý KIẾN
NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG, Chủ tịch UBND quận 10:
Kỳ vọng giao quyền cho quận để phát triển nguồn nhân lực
Nghị định 84 là một bước tiến quan trọng trong thí điểm phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền TP.HCM. Với việc được trao quyền tự chủ rộng rãi hơn ở tám lĩnh vực, đặc biệt là nội vụ sẽ giúp TP tăng sự chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc cải cách hành chính và giảm bớt các TTHC không cần thiết.
Có thể thấy rằng việc phân cấp quản lý nhà nước đã tạo điều kiện cho chính quyền TP.HCM phát huy tính năng động và sáng tạo, đồng thời giải quyết kịp thời các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân.
Tôi kỳ vọng từ Nghị định 84, TP có thể xem xét giao quyền tự chủ cho các quận, huyện trong tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cấp huyện, phù hợp với định hướng cũng như nhu cầu phát triển đặc thù của từng đơn vị. Điều này cũng giúp tăng cường khả năng tự quản và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại cơ sở.
------
Một lãnh đạo UBND quận Gò Vấp:
Phân cấp, ủy quyền giúp giải quyết nhanh các thực tiễn phát sinh ở địa phương
Thời gian qua, theo phân cấp, ủy quyền của chủ tịch UBND TP.HCM, quận Gò Vấp lập và tổ chức hội đồng thẩm định giá đất cụ thể để thực hiện các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Qua thực hiện cho thấy việc phân cấp, ủy quyền này đã giúp địa phương chủ động hơn, quy trình thực hiện nhanh hơn, chính xác, kịp thời hơn.
Giá đất bồi thường sát với giá thị trường cũng tạo được sự đồng thuận cao của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư sớm triển khai dự án, giảm áp lực của các cơ quan chuyên môn liên quan đến giải quyết kiến nghị, khiếu nại về bồi thường dự án.
Bên cạnh đó, việc chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho chủ tịch UBND quận quyết định đầu tư dự án nhóm C cũng là bước tiến mới nhằm rút ngắn trình tự, thủ tục trong quy trình thực hiện dự án đầu tư công, tăng tính chủ động cho cấp quận.
Hiện quận Gò Vấp đã đề xuất chủ tịch UBND TP thí điểm ủy quyền cho chủ tịch UBND quận phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu được phê duyệt, nguồn thu từ việc này sẽ giúp đơn vị ngày càng tự chủ, có nguồn lực để tái đầu tư tại cơ sở vật chất, phát huy hiệu quả việc sử dụng tài sản công, tránh lãng phí.
Thực tế cũng cho thấy việc phân cấp, ủy quyền cho người đứng đầu cấp quận giúp địa phương có thể ra quyết định nhanh, giải quyết bức xúc của người dân trên địa bàn cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh…
BẢO PHƯƠNG
******
Triển khai 16 nội dung phân cấp theo Nghị định 84
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 84/2024. Kế hoạch nhằm thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các nội dung Chính phủ thí điểm phân cấp.
Đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gần với Nghị quyết 98/2023. Cùng với đó là phân công trách nhiệm, xác định các nội dung công việc trọng tâm và thời gian hoàn thành cho các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện hiệu quả nghị định này.
Theo kế hoạch, UBND TP.HCM đã phân công 16 nhiệm vụ cụ thể, giao cho các đơn vị chủ trì tham mưu và thời gian thực hiện, sản phẩm cụ thể. Các nội dung cũng được phân công cho Thường trực UBND TP trực tiếp chỉ đạo.
Trong đó, Sở Tài chính được giao chủ trì tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chỉ tiêu do Trung ương ban hành. Đồng thời tham mưu quyết định mức chi đặc thù thêm cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; chế độ công tác phí; chế độ chi hội nghị, tiếp khách so với các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định hiện hành.
Cán bộ, công chức khi làm tốt nhiệm vụ, có thành tích vượt trội… sẽ được khen thưởng thêm ngoài mức theo quy định. Ảnh: THUẬN VĂN
Sở Nội vụ được giao tham mưu trình UBND TP trình HĐND TP ban hành quyết định thưởng thêm đối với tập thể, cá nhân lập thành tích vượt trội hoặc đặc biệt xuất sắc đột xuất trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh TP ngoài mức thưởng theo quy định…
UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải thực hiện các nội dung được phân cấp đi đôi với cải cách hành chính ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước của TP. Từ đó giải quyết kịp thời các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân…
UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan rà soát, tham mưu UBND TP trình HĐND TP quy định hoặc điều chỉnh trình tự, thủ tục hành chính, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quy định trong Nghị định 84 tại kỳ họp HĐND TP cuối năm 2024.
Đối với nhiệm vụ, Chính phủ chỉ quy định thẩm quyền của UBND TP, chưa quy định giao cho các cơ quan chuyên ngành thực hiện thì cơ quan chuyên ngành tham mưu UBND TP triển khai theo đúng quy định tại nghị định này. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần được UBND TP phân cấp, ủy quyền thì tham mưu UBND TP xem xét, quyết định.
Các cơ quan, đơn vị cũng được yêu cầu rà soát, tham mưu UBND TP sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu hoạt động của các cơ quan, đơn vị mình cho phù hợp, đồng bộ với các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 84 và các quy định khác liên quan trước ngày 30-9...
LÊ THOA
LÊ THOA thực hiện
Nguồn PLO : https://plo.vn/tu-don-bay-phan-cap-tphcm-phat-huy-toi-da-noi-luc-de-phat-trien-post811357.html