Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng của một quốc gia có bờ biển dài, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng lớn, giao thông vận tải đường biển phát triển..., ngành Hàng hải vẫn không ngừng phấn đấu để giữ vững vai trò xung kích đối với sự nghiệp đổi mới và mở cửa kinh tế của đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ sự hòa nhập nền kinh tế Việt Nam với các nước trên thế giới....
Phóng viên đã buổi trò chuyện với ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam về chặng đường xây dựng và dấu ấn phát triển ngành Hàng hải Việt Nam.
Vai trò xung kích mở cửa nền kinh tế
- Sau ngày giải phóng miền Nam (ngày 30/4/1975), thống nhất đất nước, xin ông cho biết ngành Hàng hải đã trải qua công cuộc phát triển ra sao?
Ông Lê Đỗ Mười: Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà hòa bình trở lại trên toàn nước Việt Nam, là ngày đoàn tụ Non sông thu về một mối, Bắc-Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến Đất mũi Cà Mau.
Từ cơ sở vật chất-kỹ thuật ban đầu của ngành đã tạo dựng được cùng với tinh thần yêu nước nồng nàn của đội ngũ cán bộ công nhân thủy thủ... là những nhân tố, “nội lực” cơ bản, thúc đẩy sự ra đời của tổ chức quản lý ngành đường biển Việt Nam.
Với chức năng của mình, ngành đường biển đã tập hợp, quản lý lực lượng chuyên môn của ngành trong cả nước, ngành đường biển đã phục vụ đắc lực nhiệm vụ cơ bản, hàng đầu là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; xây dựng bảo vệ miền Bắc-hậu phương lớn, vận chuyển chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.
Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam về chặng đường xây dựng và dấu ấn phát triển ngành Hàng hải Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, ngành đường biển đã thực hiện thắng lợi phương châm “vừa xây dựng, vừa chiến đấu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ vận tải hàng hóa chi viện cho các chiến trường; góp phần xứng đáng vào truyền thống vẻ vang của ngành giao thông vận tải: dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo.
Khi nhân dân ta bước sang kỷ nguyên mới - nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất, chúng ta phải phấn đấu làm chủ toàn bộ đất đai, bầu trời và biển cả.
Ngay từ đầu, ngành đường biển đã đề ra kế hoạch, tập trung lực lượng mở rộng và xây dựng hệ thống cảng biển, thống nhất và liên doanh đội tàu vận tải biển trong và ngoài nước, mở rộng công nghiệp sửa chữa trong và ngoài ngành.
Với địa vị của một quốc gia có bờ biển dài, vùng biển rộng lớn, Việt Nam có những điều kiện cơ bản thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển
Những giai đoạn tiếp theo, ngành Hàng hải vạch chiến lược phát triển như: đầu tư phát triển đội tàu mới theo xu thế phát triển của thế giới và đón bắt kịp nguồn xuất nhập khẩu của cả nước, thiết lập tổ chức mô hình khai thác quản lý hợp lý; xây dựng quy hoạch cụm cảng nước sâu; xây dựng quy hoạch phát triển hàng hải, theo định hướng mới của Chính phủ nhằm hỗ trợ và phối hợp phát triển kinh tế biển; tiếp tục đưa sự nghiệp hàng hải tiến lên những bước mới, xứng đáng là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Việt Nam có những điều kiện cơ bản thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trước đây, từ chỗ ngành mới chỉ quản lý gần 1.000km bờ biển, các hải đảo, hệ thống cảng biển trên miền Bắc, nay nước ta có khoảng 3.260km bờ biển, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây-Nam, chưa kể bờ biển của các đảo, với các cảng biển lớn, vùng biển rộng, nhiều đảo, quần đảo rất quan trọng như Côn Đảo, Phú Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa... Vùng biển đặc quyền về kinh tế có diện tích trên 1,2 triệu, gấp ba lần diện tích đất liền.
Với địa vị của một quốc gia có bờ biển dài, vùng biển rộng lớn, Việt Nam có những điều kiện cơ bản thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển, các công trình ven biển, phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại quốc tế. Trước đây cũng như hiện nay, ngành hàng hải và giao thông vận tải đường biển cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc mở cửa về kinh tế của đất nước, hòa nhập với nền kinh tế thị trường thương mại quốc tế.
Kinh tế hàng hải sẽ được ưu tiên
- Việt Nam đang trên đà bước vào kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh ấy, ông đánh giá lĩnh vực hàng hải đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng nào, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế?
Ông Lê Đỗ Mười: Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 đã xác định Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.
Nghị quyết cũng đề ra chủ trương lớn đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển, trong đó kinh tế hàng hải là lĩnh vực có thứ tự ưu tiên số 2.
Sau mỗi thập kỷ phát triển, năng lực hạ tầng cảng biển tăng gấp 3 lần, thông qua 90% tổng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, ngành hàng hải không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Sau mỗi thập kỷ phát triển, năng lực hạ tầng cảng biển tăng gấp 3 lần, thông qua 90% tổng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong đó, cảng biển được đầu tư hiện đại, góp phần định hình những hành lang vận tải. Cảng biển cũng là đầu mối tổ chức vận tải đa phương thức kết nối với các trung tâm sản xuất tiêu thụ hàng hóa, là cửa ngõ giao thương và hội nhập quốc tế.
Sau mỗi thập kỷ phát triển, năng lực hạ tầng cảng biển tăng gấp 3 lần, thông qua 90% tổng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhiều bến cảng khu vực Cái Mép, Lạch Huyện, Cát Lái… đã được đầu tư hiện đại, cho phép đón các tàu vận tải lớn nhất hiện nay.
Năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 865 triệu tấn và hàng container đạt 29,92 triệu Teu. Đặc biệt, 100% thủ tục hành chính cho tàu thuyền tại cảng biển được giải quyết bằng điện tử. Điều đó đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cảng biển đã tạo động lực thu hút đầu tư tại các địa phương và các ngành, lĩnh vực có liên quan.
Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển năm 2024 ước đạt 140,9 triệu tấn, chiếm 16,2% tổng hàng hóa qua cảng biển. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Thị phần đội tàu biển Việt Nam trung bình 5 năm qua đảm nhận khoảng 6,5% hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Trong bối cảnh xung đột địa chính trị, sự cạnh tranh về kinh tế biển giữa các quốc gia, theo ông, đâu sẽ là thách thức lĩnh vực hàng hải sẽ đối mặt?
Ông Lê Đỗ Mười: Ngành hàng hải đang phải đối mặt với một số thách thức lớn.
Thứ nhất, sự căng thẳng về chính trị giữa một số quốc gia. Điều này gây ảnh hưởng đến giao dịch thương mại toàn cầu, tác động đến chuỗi cung ứng vận tải toàn cầu. Có thể kể đến như cuộc xung đột vũ trang tại biển Đỏ, kéo dài hành trình tàu làm giá dịch vụ vận tải biển tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Thứ hai, căng thẳng thương mại sau lệnh áp thuế của Mỹ đang gia tăng. Các loại thuế có thể làm giảm khối lượng thương mại toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Một số cảng biển của Việt Nam đã lọt Top 100 cảng biển của Thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng từ các nước láng giềng sang Việt Nam, góp phần tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Để đón được các xu thế, tôi cho rằng các doanh nghiệp phải tích lũy nguồn lực để đầu tư vào công nghệ mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Tiếp tục mở rộng thị trường
- Vậy, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam sẽ có những giải pháp, chính sách gì để tháo gỡ các khó khăn cũng như hoạch định chính sách, chiến lược của ngành?
Ông Lê Đỗ Mười: Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường công tác quản lý nhà nước với ngành hàng hải, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cho sự phát triển ngành đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cục sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, thu hút hãng tàu nước ngoài mở tuyến vận tải kết nối với thị trường quốc tế. Hợp tác quốc tế bằng việc tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại là giải pháp quan trọng thúc đẩy, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đội tàu biển Việt Nam đã có nhiều tuyến vận tải sang các châu lục trên Thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
- Lĩnh vực hàng hải sẽ có những đóng góp như thế nào để cụ thể hóa mục tiêu con số tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, thưa ông?
Ông Lê Đỗ Mười: Lĩnh vực hàng hải đã và đang trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng GDP thông qua việc tạo ra giá trị trực tiếp từ việc kinh doanh khai thác cảng biển, vận tải biển và các dịch vụ hàng hải.
Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng này, ngành Hàng hải sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng cảng biển theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thu hút hãng tàu lớn tham gia đầu tư khai thác cảng, mở tuyến vận tải kết nối toàn cầu, góp phần giảm chi phí vận tải, mở ra cơ hội thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hàng hải; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công để dẵn dắt, thu hút đầu tư.
Lĩnh vực hàng hải đã và đang trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng GDP thông qua việc tạo ra giá trị trực tiếp từ việc kinh doanh khai thác cảng biển, vận tải biển và các dịch vụ hàng hải.
Để thực hiện hiệu quả, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển để các địa phương kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội; thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp hàng hải, đường thủy phát triển; nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải, đường thủy, khai thác đội tàu vận tải.
Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Bộ Xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền về việc duy trì và mở rộng các Hiệp định thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông./.
(Vietnam+)