Candy Crush Saga, tựa game với hàng trăm triệu người dùng. Ảnh: Microsoft.
Người chơi đang vượt qua hơn 18.700 màn trong Candy Crush Saga có thể sẽ bất ngờ khi biết rằng họ đang giải những câu đố được thiết kế với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo. Nhà phát triển tựa game đang ứng dụng AI để cải thiện trải nghiệm, phục vụ lượng lớn người thích chinh phục.
Todd Green, tổng giám đốc thương hiệu Candy Crush, cho biết việc ứng dụng AI theo cách này giúp tiết kiệm thời gian để họ tập trung tạo ra các màn chơi mới. Sẽ rất khó khăn để các nhà thiết kế tự tay cập nhật và điều chỉnh hơn 18.000 màn chơi mà không có sự hỗ trợ ban đầu từ AI, ông nói.
Việc sử dụng AI trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử cũng nhận nhiều trái chiều. Ngược lại với Green, một số ý kiến từ các diễn viên lồng tiếng cho game, đến những người trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển trò chơi đều cho rằng công nghệ này có thể đe dọa sinh kế của họ. Điều này dẫn đến cuộc đình công SAG-AFTRA cuối tháng 7/2024.
“Chúng tôi không đưa chatbot vào trong trò chơi, cũng như tích hợp trải nghiệm thiết kế được hỗ trợ bởi AI cho người chơi trực tiếp sử dụng”, Green nói, đồng thời khẳng định công nghệ này không nhằm thay thế nhân sự trong ngành game. Ông chia sẻ thay vào đó, AI sẽ xử lý vấn đề đã tồn tại, đẩy nhanh hiệu quả, độ chính xác trong công việc.
Tại Mỹ, chi tiêu cho nội dung trò chơi điện tử đã tăng lên 51,3 tỷ USD vào năm 2024, theo dữ liệu từ Hiệp hội Phần mềm Giải trí (ESA). Trong đó, người tiêu dùng chi một nửa cho trò chơi di động. Đây cũng là hình thức chơi game phổ biến nhất đối với người dùng từ 8 tuổi trở lên.
Một màn cờ tiêu biểu trong game. Ảnh: Candy Crush/YouTube.
Từ lần đầu ra mắt trên Facebook vào năm 2012, Candy Crush liên tục được cập nhật, gần đây đã phát hành phiên bản khách hàng thứ 300. Ông lớn ngành game Activision Blizzard, nay thuộc sở hữu của Microsoft, đã mua lại King, nhà phát hành trò chơi vào năm 2016 với giá 5,9 tỷ USD.
Joost Van Dreunen, tác giả cuốn sách về kinh tế học trong nền công nghiệp trò chơi điện tử, nhận xét rằng Candy Crush đang trong một thế đặc biệt. Ứng dụng miễn phí này đã hơn một thập kỷ tuổi, sở hữu hàng triệu người chơi và phục vụ một “tập hợp người dùng khát nội dung”. Nhu cầu cao đến mức việc sử dụng AI để giảm tải khối lượng công việc là điều hoàn toàn hợp lý, ông nói.
Điều đặc biệt ở Candy Crush là mỗi màn chơi về mặt kỹ thuật chỉ là một bàn cờ đơn lẻ. “Với AI và kho dữ liệu các màn chơi do con người tạo ra trước đó, việc tăng tốc và mở rộng quy trình sáng tạo để có thêm nội dung là điều phù hợp”, Dreunen chia sẻ. Từ đó sẽ có nhiều màn chơi cho người dùng.
King sử dụng AI để tập trung vào hai lĩnh vực riêng biệt. Công ty muốn đảm bảo những bàn cờ mới phải thú vị ngay từ lần chơi đầu. Trong khi đó, các màn cũ, bao gồm từ nhiều năm trước, vẫn đáng để người chơi trải nghiệm. AI đóng vai trò kỹ thuật hậu trường, chứ không phải tạo ra nội dung mới.
Green chia sẻ rằng do không có nhiều người chơi thử và đưa ra phản hồi, họ buộc phải làm đúng từ đầu. Ngoài ra, công ty cũng tập trung vào nhóm khách hàng đã từng chơi, có thể nghỉ một thời gian, sau đó quay lại vì tò mò điều mới mẻ.
Vị tổng giám đốc nói hãng cũng thường xuyên trò chuyện với người chơi. Qua quan sát cách phản ứng với từng màn chơi, tỷ lệ vượt màn hay tần suất xáo trộn bàn cờ, đội ngũ thiết kế sẽ có quy trình tối ưu hợp lý.
Việc ứng dụng AI có nghĩa là thay vì chỉ cải thiện vài trăm, đội ngũ có thể nâng cấp hàng nghìn màn mỗi tuần. Một phần do họ đã có thể tự động hóa khâu phác thảo các phiên bản cải tiến
Các màn chơi không được sắp xếp theo thứ tự độ khó. Một màn dễ có thể xuất hiện sau vài màn khó (hoặc ngược lại) để tạo cảm giác phong phú. “Ở một mức độ nào đó, điều này rõ ràng cũng mang tính chủ quan. Mỗi người sẽ cảm nhận khác nhau”, Green cho biết.
Nhật Tường